Site banner

Châu bản triều nguyễn viết về công tác cứu hộ ở Hoàng Sa, Trường Sa

Các  Châu bản triều Nguyễn liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đề cập đến nhiều khía cạnh liên quan đế các hoạt động của đội Hoàng Sa đi thực thi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Các Châu bản này hiện đang được lưu giữ tại Trung tâm lưu chữ quốc gia I, Hà Nội.

Đặc biệt, Châu bản triều Nguyễn không chỉ là nguồn tài liệu gốc chứa đựng nhiều thông tin xác thực có liên quan tới việc thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà quan trọng hơn đây là văn bản chính thức của vương triều phong kiến nhà Nguyễn, có bút phê của nhà vua.

Điều này cho thấy nhà nước phong kiến Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục, hòa bình thông qua các hoạt động của nhà nước với sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua. Đặc biệt là Châu bản đã cho thấy sự quan tâm của triều đình Nhà Nguyễn đối với công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ảnh Tư liệu

Ví như Châu bản ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 - 1830 có nội dung dâng trình cứu nạn tàu nước ngoài bị nạn ở quần đảo Hoàng Sa, nội dung đó như sau:

Thần Nguyễn Văn Ngữ chức Thủ ngự cửa biển Đà Nẵng chắp tay dập đầu trăm lạy kính cẩn tâu việc:

Ngày 27 tháng này tiếp nhận được viên Tài phó người nước Pháp và 11 viên Phái viên, thủy thủ lái, lái thuyền cùng đi trên một chiếc thuyền ván nhỏ vào đậu tại bản tấn mà viên Tài phó thưa rằng nguyên thuyền (tức của họ) ngày 20 tháng này rời cảng này ra biển, đến giờ Tuất ngày 21 tháng này mới đến được các xứ sở Hoàng Sa, thì bị sóng cát, thuyền đắm, nước xô vào, viên thuyền trưởng Đô - ô - chi - ly cùng bọn phái viên đem 2 hòm bạc công cùng 15 viên thủy thủ, lái thuyền xuống chiếc thuyền đó đi sau, hiện nay chưa thấy về, vả lại nước ngọt trên chiếc thuyền đó đã hết.

Thần lập tức điều động và sức cho thuyền tuần tiễu ở tấn mang nước ngọt ra biển tìm kiếm bọn Phái viên, bảo vệ và đưa họ về tấn, còn bọn Tài phó cho ở lại tấn. Thần xin soạn tập tâu đầy đủ, kính cẩn tâu trình. Thần khôn xiết run sợ. Kính tâu.

Ngày 27 tháng 6 năm Minh Mệnh thứ 11 - 1830

Châu phê: Lãm (nghĩa là đã xem)

Nội dung Châu bản cho thấy nhà Nguyễn không chỉ chú trọng đến công tác quản lý, khai thác các sản vật ở Hoàng Sa, Trường Sa mà còn quan tâm tới việc thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trên biển đối với các tàu thuyền nước ngoài qua lại vùng biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Trong Châu bản ngày 22 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 14 – 1833. Xuất xứ từ Nội Các đã tấu trình về việc sai sót của Phạm Văn Sênh trong khi thực thi nhiệm vụ tại quần đảo Hoàng Sa. Nội dung như sau:

Hoàng tử Vĩnh Tường dâng sớ xin đặt chữ đệm. Bề tôi Nội các vâng mệnh xem xét các mỹ tự thế hệ nhà vua, kính xin chỉ ban chữ Hồng.

Lại tập tâu của bộ Binh trình bày: Đội 3 cơ Bình thuận đã chia làm 2 đội, nhưng bộ ấy vẫn đề nghị bổ chức Cai đội 3 của cơ ấy cho Phan Văn Bình. Nay xét thấy sai xót, xin đem viên chuyên biện ty Lại giao nghị xử phạt…

Lại tờ phiến của bộ ấy (tức bộ Binh) trình bày: Trước đây căn cứ vào lời kê khai sai của viên được sai phái đi khảo sát Hoàng Sa là Phạm Văn Sênh, lái thuyền cùng thủy thủ của suất ấy là 19 người để đến nỗi bộ ấy đã làm tờ phiếu nghĩ xin ban thưởng cho viên ấy tiền bạc 10 mai, các viên lái thuyền gồm 19 tên, mỗi tên tiền bạc một mai. Nay viên ấy nghĩ lại thấy thừa ra một tên, không dám làm đơn lĩnh số tiền bạc này. Bộ đó đã gửi tư cho Nội vụ chiếu phát theo thực số, còn viên quan bộ ấy không kiểm tra, phát hiện ra chỗ sai, (tức bộ ấy) đã gửi tờ trình đính kèm xin phạt tội (viên đó)

Kính xin ban chỉ: Phạm Văn Sênh khai báo hàm hồ, bộ ấy cũng không kiểm tra lại cho rõ ràng, để sơ xuất làm phiếu nghĩ, đến nỗi việc ban thưởng thừa ra một số, thực là không hợp. Nhưng xét nghĩ số tiền này chưa lĩnh, mà lại quá ít, xin gia ân cho miễn xét tội, ngoài ra chuẩn theo tờ tấu. Hãy tuân mệnh.

Thần Nguyễn Đức Hoạt vâng mệnh soạn thảo

Thần Hà Tông Quyền vâng mệnh đọc duyệt

Vâng mệnh duyệt lại thần Thân Văn Quyền ký

Đương trực đối chiếu thần Trương Đăng Quế ký.

Trong Châu bản triều Nguyễn còn có những Châu bản có nội dung liên quan đến việc chuẩn bị thuyền bè, bổ nhiệm thủy quân đi khảo sát tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Châu bản ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 – 1834 là một trong những Châu bản có nội dung như thế. Tờ Châu bản này xuất xứ từ Quan Bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi.

Nội dung Châu bản này được dịch nghĩa như sau:

Quan Bố chính, Án sát tỉnh Quảng Ngãi căn cứ vào công việc cấp bằng.

Theo tờ tư của bộ Binh nhận được tháng trước có đoạn trình bầy: Vâng theo sắc lệnh (của nhà vua), bộ đã tư (cho tỉnh) chuẩn bị điều động trước ba chiếc thuyền lớn, cho tu sửa chắc chắn đợi tại kinh, Phái viên và Biền binh thủy quân đến trước để hiệp đồng nhanh chóng đi khảo sát các xứ Hoàng Sa. Hãy tuân mệnh.

Kính vâng theo, tình thần làm lễ cầu khấn, sau đó, điều động, thuê ba chiếc thuyền nhanh, nhẹ ở tỉnh cùng các vật kiện theo thuyền, mỗi loại đều cho tu bổ cẩn thận. Lại phái Vũ Văn Hùng, người được cử đi năm trước và chọn thêm dân phu miền biển am hiểu đường biển sung làm thủy thủ phục vụ trên thuyền trước sau, mỗi thuyền 8 người cộng 24 người, đến mùa từ hạ tuần tháng 3 thuận gió, thì nhanh chóng cho thuyền ra khơi.

Nay các việc lo liệu xong xuôi, Phái viên đã đi thuyền đến. Nay căn cứ vào các lý lẽ tuyển lựa của Vũ Văn Hùng là phù hợp, tỉnh thần thực hiện cấp bằng cho những thủy dân thạo đường biển là bọn Đặng Văn Xiểm đảm đương công việc lái thuyền, bọn Đặng Văn Xiểm hãy đi trên một chiếc thuyền, dẫn theo các thủy thủ trong đoàn theo Phái viên, Biền binh và Vũ Văn Hùng đến Hoàng Sa thực hiện công vụ.

Chuyến đi này có tầm quan trọng đặc biệt, các người phải dốc lòng thực hiện công việc cho thực sự thỏa đáng. Nếu sao nhãng, sơ xuất tất bị trọng tội.

Tất cả số người bao nhiêu đều liệt kê dưới đây. Các người lái thuyền là bọn Đặng Văn Xiểm, người phường An Hải huyện Bình Sơn, Dương Văn Định người thôn Hoa Diêm được cấp bằng trên đây chiểu theo thi hành.

Ngày 15 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 – 1834

Thủy thủ:

Tên đề Phạm Vị Thanh, người phường An Hải

Tên Trâm Ao Văn Trâm, người Lệ Thủy Đông (hai tên)

Tên Sơ Trần Văn Kham, người phường An Hải

Tên Trần Văn Lê, người ấp Bàn An

Tên Doanh Nguyễn Văn Doanh, người thôn Thạch Ốc An Thạch huyện Mộ Cách.

Từ đội Kim Thương đưa sang hai tên

Vũ Văn Nội

Trương Văn Tài.

Với các Châu bản nói trên, có thể thấy rõ việc thực thi chủ quyền hoà bình liên tục của nhà nước phong kiến Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. /.

(Biendong.net)
Nguồn: vietnam.vn