Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 5

Kỳ 5: Các yếu tố làm giảm giá trị bằng chứng của các bản đồ

Theo một nguyên tắc có cơ sở vững chắc trong luật, thẩm phán quốc tế có thẩm quyền lớn trong việc xem xét giá trị của các bằng chứng. Ghi nhớ quyền tự do này, chúng tôi đã nghiên cứu các tiền lệ án liên quan đến các bản đồ để tìm ra các yếu tố cơ bản mà các thẩm phán hay trọng tài viên sử dụng để đánh giá giá trị bằng chứng của các bằng chứng là bản đồ. Những yếu tố sau đây chứng minh những thiếu sót về giá trị bằng chứng của bản đồ đường chín đoạn của Trung Quốc.

  1. Cách tiếp cận thận trọng đối với các bằng chứng là bản đồ

Theo quan sát ban đầu, một xu hướng chung đó là các tòa án quốc tế thường không đưa ra quyết định chỉ dựa trên các bằng chứng là bản đồ. Mặc dù các bản đồ chính xác phản ánh ý định của các bên có thể cấu thành một “cơ sở vững chắc cho thảo luận” mà nếu thiếu sẽ gây ra “phiền phức đáng tiếc”, các bản đồ đó sẽ thường đóng vai trò bổ trợ giúp chứng thực các bằng chứng khác để cùng chứng minh một hướng lập luận. Trở lại với phán quyết trong vụ Burkina Faso/Republic of Mali):

“Các bản đồ có thể không có giá trị hơn giá trị các bằng chứng chứng thực cho một phán quyết và các bằng chứng này Tòa có được bằng các cách khác không liên quan đến các bản đồ đó.

(…) ngoại trừ khi các bản đồ thể hiện ý chí của quốc gia, bản thân các bản đồ không thể  được xem là bằng chứng cho một đường biên giới bởi vì nếu không các bản đồ đó sẽ tạo nên một giả thiết không thể bác bỏ, thực tế có giá trị ngang với một danh nghĩa pháp lý. Giá trị duy nhất của các bản đồ này là một loại bằng chứng mang tính bổ trợ hay xác nhận, và điều này cũng có nghĩa là các bản đồ đó không thể tạo nên một giả thiết có thể bác bỏ hay tranh cãi (juris tantum) nhằm tạo ra một sự đảo ngược giá trị của một bằng chứng”.

Lập trường thận trọng này đã được thừa nhận và minh chứng trong ý kiến của các học giả nổi tiếng, và trong một số trường hợp đã nhận được sự nhất trí cao.

  1. Các bản đồ không thống nhất

Khi các tài liệu bản đồ mâu thuẫn với nhau, các tài liệu đó mất đi độ tin cậy. Như được ICJ tuyên bố trong vụ Kasikili/Sedudư

“ (…) xét tính không chắc chắn và thiếu thống nhất của tài liệu bản đồ được đưa ra Tòa, Tòa không thể đưa ra phán quyết dựa trên bằng chứng bản đồ được đưa ra trong vụ việc này”.

Các bản đồ thể hiện “đường chín đoạn” vẽ một bức tranh khác về Biển Đông so với bản đồ cũng như các tài liệu khác của các quốc gia ven biển trong khu vực. Sẽ rất khó để hiểu một cách chính xác về ranh giới chính trị và biển chỉ dựa trên việc sắp xếp gần nhau các bản đồ này. Thêm vào đó, các bức vẽ về “đường chữ U” không nhất quán. Như được đề cập ở trên, “đường chữ U” trên bản vẽ của PRC trước năm 1953 bao gồm 9 nét đứt. Không có lý do nào được giải thích cho sự xóa đi đầy bí ẩn của hai nét đứt.

  1. Chú thích không rõ ràng/thiếu mạch lạc

Vấn đề bản đồ thể hiện không rõ ràng đã được nêu trong các phiên xét xử trọng tài. Trong vụ Eritrea/Arbtration, Eritrea đã đệ trình các bản đồ mô tả các đường đứt đoạn để minh họa cho các yêu sách của mình. Tòa đã nêu quan điểm đối với cách tiếp cận bằng chứng của bên tranh chấp.

“Trong một số trường hợp, Tòa không thể đồng ý với các mô tả bản đồ của Bên tranh chấp đưa ra. Hơn nữa, nếu không có sự chỉ dẫn rõ ràng từ chính bản đồ đó, Tòa không mong muốn tự mình giải thích về các đường đứt đoạn thay vì việc tô màu hay chú thích cho bản đồ đó. Kết luận dựa trên cơ sở này theo đề nghị của bên Eritrea liên quan đến một số bản đồ không được chấp nhận”.

Dĩ nhiên, sự suy luận về “đường chữ U”, việc thiếu vắng chú thích cách diễn đạt khó hiểu của công hàm của PRC gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc đã được giải thích. Sự phức tạp của bản đồ là lớn hơn cả bởi vì việc mô tả của đường chín đoạn xa rời các tiêu chuẩn ản đồ quốc tế được Tổ chức Khí tượng Quốc tế chính xác nhằm mục đích tạo nên tính rõ ràng.

  1. Ý định không rõ ràng

Như được Thẩm phán Oda chỉ ra trong ý kiến riêng của mình ở Kasikili/Sedudư. “(…) một yêu sách lãnh thổ chỉ có thể được phản ánh qua các bản đồ. Bản thân bản đồ, nếu không có các bằng chứng hỗ trợ khác, không thể biện hộ cho một yêu sách chính trị”. Trong trường hợp này, tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía Chính phủ PRC không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về “đường chữ U” do các học giả đưa ra cũng như công hàm mập mờ của PRC ngày 07 tháng 5 năm 2009 là minh chứng cho kết luận này. Bên cạnh cấu trúc câu phức tạp, các thuật ngữ được sử dụng trong Công ước, ví dụ như “các vùng biển liên quan” và “các vùng biển lân cận”, gây khó hiểu vì các thuật ngữ đó không hề xuất hiện trong Công ước 1982. Sự cố ý mập mờ lại càng bị cường điệu hóa khi mà PRC vẫn chưa (cho đến năm 2010) thông qua bất cứ luật nào làm cho “đường chữ U” có hiệu lực trong hệ thống luật quốc gia.

Ngay cả nếu ai đó có thể tìm thấy ý định nào của PRC đằng sau tấm bản đồ đó, hệ quả pháp lý theo đó không nên được đánh giá quá cao. Trở lại với ý kiến của Thẩm phán Oda:

“Bản đồ do cơ quan chính phủ liên quan đưa ra đôi lúc có thể thể hiện lập trường của Chính phủ đó liên quan đến lãnh thổ hay chủ quyền đối với một vùng hay đảo cụ thể. Tuy nhiên, chỉ riêng bằng chứng đó không thể quyết định tình trạng pháp lý của vùng hay đảo trong tranh chấp. Đường ranh giới trên các bản đồ đó có thể được hiểu là thể hiện yêu sách tối đa của quốc gia liên quan, nhưng không có nghĩa là nó sẽ biện hộ cho yêu sách đó”.

  1. Thiếu tính trung lập

Khi một bản đồ được một chuyên gia công tâm vẽ, giá trị bằng chứng của bản đồ đó có xu hướng gia tăng. Ngược lại (A contrario), các tài liệu bản đồ được đưa ra dưới danh nghĩa của một trong các bên của tranh chấp sẽ bị xem xét với nhiều hoài nghi hơn. Các trọng tài viên trong vụ Beagle Channel đã nhận xét như sau:

“Khi các bản đồ đến từ các nguồn ngoài các nguồn của các bên tranh chấp không cần thiết được xem là chính xác hơn hay khách quan hơn, nhưng trước tiên, các bản đồ đó có địa vị độc lập, do đó có giá trị rất lớn, trừ phi các bản đồ được một trong các bên xuất bản, hoặc được xuất bản ở một nước liên quan, hoặc thay mặt hay theo yêu cầu của một bên, hoặc rõ ràng có mục tiêu chính trị. Nhưng khi mà địa vị độc lập không gây ra nghi ngờ như các vấn đề nêu trên, các bản đồ này có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ do các bản đồ đó cho thấy sự tồn tại nhận thức chung ở một mức độ nào đó, như biện pháp giải quyết đó là gì, hay xung đột ở đâu hay cho thấy việc thiếu bất kỳ nhận thức chung nêu trên”.

Việc thiếu tính trung lập là rõ ràng liên quan đến “đường chính đoạn”. Như được thảo luận ở phần II.a), lịch sử của “đường chữ U” có thể được bắt nguồn từ một Ủy ban trong nước do Chính phủ ROC thành lập để cập nhật bản đồ của Trung Quốc và tái nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc. Một cơ quan chính phủ đơn phương như vậy khó có thể được xem là công tâm đối với các nước liên quan khác ở khu vực Biển Đông. Không nên quên một điều rằng các nhà xuất bản bản đồ có lương tâm có thể bị lợi dụng vì các mục tiêu lừa gạt:

“Một nhà xuất bản bản đồ có thể bị lợi dụng để thể hiện yêu sách mà một quốc gia cụ thể, có thể là quốc gia cụ thể, có thể là quốc gia của chính nhà xuất bản đó, coi là phạm vi lãnh thổ của mình, bất chấp tính hợp pháp của yêu sách đó, và không cho biết rằng bản đồ đó minh họa phạm vi của yêu sách hơn là lập trường biên giới đã được chấp nhận. Thông qua việc sao chụp và tái xuất bản sau đó của các nhà xuất bản đáng tin đó, không chỉ tên tuổi của các nhà xuất bản sai lầm này đã bị lưu danh mà việc lặp đi lặp lại này có xu hướng đưa đến cho họ sự thừa nhận về mặt luật pháp bằng việc xuất bản một số lượng lớn bản đồ nhất quán trong bản lời khai của mình”.

  1. Thiếu chính xác về mặt kỹ thuật

Trong việc xem xét giá trị bằng chứng của các bản đồ, De Visscher bổ sung các tiêu chí sau: “(…) đảm bảo tính chính xác địa lý vốn có của bản đồ (…), độ chính xác của nó liên quan đến các điểm tranh chấp (…).” Theo Brownlie, “một bản đồ có giá trị bằng chứng tương ứng với chất lượng kỹ thuật của bản đồ đó”.

Án lệ cũng nhắc đến yêu cầu về tính chính xác về mặt kỹ thuật đối với các bản đồ. Trong vụ Đảo Palmas, trọng tài viên duy nhất Max Huber đã viết:

“Điều kiện đầu tiên mà các bản đồ cần phải đáp ứng để có thể làm bằng chứng cho các lập luận pháp lý đó là tính chính xác về mặt địa lý”.

ICJ cho rằng:

“Giá trị thật sự của các bằng chứng là bản đồ phụ thuộc một số yếu tố. Một số trong các yếu tố liên quan đến độ tin cậy về mặt kỹ thuật của các bản đồ. Điều này đã tăng lên đáng kể, đặc biệt nhờ những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực chụp ảnh trên không và vệ tinh từ những năm 1950. Nhưng kết quả duy nhất là một bản đồ phản ánh trung thực bản chất và một sự trùng khớp với độ chính xác ngày càng tăng giữa hai biện pháp đó. Nhưng kết quả duy nhất là một bản đồ phản ánh trung thực bản chất và một sự trùng khớp với độ chính xác ngày càng tăng giữa hai biện pháp đó. Những thông tin có từ sự can thiệp của con người, như tên gọi của các địa điểm và của các địa vật (địa danh) và sự mô tả các đường biên giới và các ranh giới chính trị khác, không theo đó mà trở nên đáng tin cậy hơn. Dĩ nhiên, độ tin cậy các thông tin về địa danh cũng gia tăng, mặc dù ở một mức độ ít hơn, nhờ vào sự xác minh dưới mặt đất; nhưng theo ý kiến của các nhà bản đồ học, các sai sót vẫn rất phổ biến trong việc thể hiện các đường biên giới, đặc biệt khi các đường này được thể hiện ở những khu vực biên giới rất khó tiếp cận”.

Theo các ý kiến trên, công nghệ hiện đại có thể gia tăng sự tin cậy của các thẩm phán đối với các bằng chứng là bản đồ. Một vụ án rất đặc trưng đó là vụ ICJ cho ý kiến tư vấn về Bức tường Israel, vụ án mà Tòa dựa (một phần) vào một bản đồ điện tử được đưa lên trang thông tin điện tử của Bộ Quốc phòng Israel để xác định hướng đi hiện đại và tương lai của bức tường ở lãnh thổ của Palestin. Ngược lại, không có vẻ như là bản đồ của Trung Quốc có thể đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt trên. Mặc dù các đường đứt đoạn của Trung Quốc nói chung đi theo đường đẳng sâu 200m, các đường này cho đến bây giờ vẫn chưa được định vị một cách chính xác, do đó thiếu các tọa độ địa lý chính xác. Hơn nữa, có vẻ như có sự thiếu nhất quán nhỏ giữa các tài liệu bản đồ biển của PRC: Các điểm kết thúc của chín nét đứt làm cho “đường chữ U” giao động (giao động từ 1 đến 5 hải lý).

Một yếu tố nữa cho thấy sự thiếu chính xác của bản đồ Trung Quốc đó là tỉ lệ nhỏ quá mức cần thiết. ICJ đã phàn nàn về các bản đồ được vẽ với tỉ lệ chưa đủ. Minh họa tiêu biểu có thể thấy trong vụ tranh chấp Land, Island and Maritime Frontier giữa Honduras và El Salvador:

“Honduras đã xuất bản một bản đồ thứ hai năm 1804 cho thấy vị trí của các giáo xứ của tỉnh San Miguel ở Archdiocese của Guatemala. Tuy nhiên tỷ lệ của bản đồ này không đủ để có thể xác định liệu dòng chảy ở đoạn cuối sông Goascoran là yêu sách của El Salvador, hay của Honduras”.

Vấn đề tương tự cũng xãy ra trước các Tòa trọng tài. Ví dụ, Ủy ban Biên giới giữa Eritrea và Ethiopia cho rằng:

“Hơn nữa, nhiều bằng chứng bản đồ có tỷ lệ quá nhỏ hay thiếu chi tiết đến nỗi mà bằng chứng mập mờ liên quan đến vấn đề này”.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia