Site banner

Gặp mặt nhân chứng Hoàng Sa

Ông Đặng Công Ngữ-nguyên Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa phát biểu tại cuộc gặp mặt.

Có 14 các bác, các chú là những nhân chứng lịch sử ấy, nhưng buổi gặp mặt ngày 19-1 năm nay chỉ 12 người tham dự. Tại buổi gặp mặt thân mật, cùng với ông Võ Ngọc Đồng - Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa, còn có ông Bùi Văn Tiếng -Chủ tịch Hội nghiên cứu lịch sử TP Đà Nẵng, ông Đặng Văn Ngữ - nguyên Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa, các nhà khoa học, đại diện các ban ngành chức năng TP Đà Nẵng...

Tại buổi gặp mặt, ông Võ Ngọc Đồng cho biết, trong năm, UBND H. Hoàng Sa đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan thông tấn báo chí lớn trên thế giới, Chủ tịch H. Hoàng Sa đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của phóng viên về hoạt động của UBND H. Hoàng Sa; quan điểm, thái độ của Việt Nam về tình hình căng thẳng trên biển Đông, cũng như nhận định của Việt Nam về phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Haye (Hà Lan), bác bỏ các yêu sách chủ quyền “lịch sử” của Trung Quốc ở biển Đông được gói trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn.  Ngoài ra, UBND H. Hoàng Sa thường xuyên liên hệ, tham gia các diễn đàn và hỗ trợ cung cấp thông tin về lịch sử, pháp lý, thực tế quản lý liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa gửi đến các nhà nghiên cứu, cơ quan thông tấn báo chí và các cơ quan, tổ chức có liên quan, phục vụ công tác nghiên cứu và tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ chủ quyền...

Ông Trương Văn Quảng-nhân chứng có hơn 10 năm công tác ở Hoàng Sa trao đổi tại buổi gặp mặt.

Ngày 3-6-2016, tại Hà Nội, Chủ tịch UBND H. Hoàng Sa cùng lãnh đạo H. Trường Sa (Khánh Hòa) và huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã tiếp kiến, báo cáo với lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong chương trình “Tổ quốc nhìn từ biển”. Ngày 3-7-2016, UBND H. Hoàng Sa đã tổ chức phát động lễ hiến tặng tư liệu, hiện vật cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền và khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, cũng như tập hợp, quản lý và bổ sung nguồn tư liệu, hiện vật phục vụ công tác trưng bày...

Trong dịp này, huyện đã tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như: Phim tài liệu “Nhớ đảo” của nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Hùng và Trí Trung, nói về các nhân chứng từng làm việc, chiến đấu, bảo vệ quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19-1-1974; phụ bản tập bản đồ Trung Quốc xuất bản tại Berlin, Đức năm 1885, vừa được Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn sưu tầm; bản đồ Hòa Long, quận Hòa Vang thể hiện quần đảo Hoàng Sa thuộc H. Hòa Vang (Việt Nam) trước đây do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trao tặng... Đặc biệt, đã tiếp nhận 10 kỷ vật của ông Nguyễn Thành Trọng (người tử trận trên hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 trong trận hải chiến với Trung Quốc vào ngày 19-1-1974) từ bà Nguyễn Thị Lựa và anh Nguyễn Hoàng Sa, đến từ H. Thới Lai, Cần Thơ là vợ và con trai ông Nguyễn Thành Trọng.

Tính đến nay, UBND H. Hoàng Sa phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng tiến hành sưu tập, thu thập và chọn lựa 400 bản đồ, ảnh tư liệu, tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa để lập hồ sơ đăng ký. Các tư liệu, hình ảnh đã được lựa chọn, đưa vào đề cương trưng bày và được UBND thành phố phê duyệt. Khi khánh thành Nhà Trưng bày sẽ tổng kết, đánh giá kết quả cuộc vận động hiến tặng tư liệu vào tháng 9-2017. Năm 2016, trang thông tin điện tử UBND H. Hoàng Sa đã có 180 tin bài, với hàng nghìn lượt truy cập mỗi ngày. Đây là cầu nối giữa chính quyền H. Hoàng Sa với độc giả trong công tác đấu tranh giành chủ quyền biển đảo đối với Hoàng Sa, có tác dụng trong việc định hướng thông tin dư luận trong và ngoài nước.

Tại buổi gặp mặt, ông Huỳnh Văn Thính, người công tác ở Hoàng Sa từ năm 1960 đến năm 1964 chỉ cho chúng tôi thấy từ vị trí nhà cửa, cây cối, giếng nước trên đảo Cây Dừa mà ông đã từng sinh sống. Ông Trương Văn Quảng - người có thời gian hơn 10 năm ở Hoàng Sa từ 1950 tới 1972 thuộc lòng từng cụm đảo. Ông nói: “Tôi từ Quế Long, Quế Sơn, Quảng Nam vượt gần 100km tới đây, dù tuổi cao sức yếu nhưng luôn khẳng định rằng, Hoàng Sa mãi mãi là của Việt Nam, dù 5 năm, 10 năm hay phải 100 năm chúng ta cũng phải kiên quyết đấu tranh để giành lại chủ quyền Hoàng Sa. Trách nhiệm của chúng ta là phải tuyên truyền đến nhân dân cả nước và cả thế giới về chủ quyền không thể phủ nhận của Hoàng Sa, bằng nhiều hình thức đấu tranh để Hoàng Sa về với đất mẹ Việt Nam…”.

 

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng), đã khẳng định như trên vào chiều 19/1, tại buổi gặp mặt 12 nhân chứng từng sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa.

Ông Đồng nói rằng nhiều năm qua UBND huyện Hoàng Sa, Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng đã sưu tầm được rất nhiều tài liệu, bản đồ của các học giả nổi tiếng trong và ngoài nước nói về Hoàng Sa. Tất cả các tài liệu này đều chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Thời chiến tranh, quân đội Việt Nam Cộng hòa đã khai thác, sử dụng quần đảo này. Tuy nhiên, đến ngày 19/1/1974, Trung Quốc đã nổ súng xâm chiếm đảo.

Nhân chứng Lê Lai, nguyên là nhân viên y tế trên quần đảo Hoàng Sa, chảy nước mắt kể lại lúc Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

"Hôm nay là một ngày mà chúng ta và các thế hệ mai sau sẽ không bao giờ được quên. Đó là ngày một phần lãnh thổ thiêng liêng của dân tộc bị kẻ khác xâm chiếm trái phép", ông Đồng nhấn mạnh.

Là một trong số 12 nhân chứng Hoàng Sa hiện diện tại buổi gặp mặt, ông Trần Hòa (ngụ Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) kể tháng 10/1973, khi đó ông mới đôi mươi, đã không nề hà khó khăn để ra Hoàng Sa làm y tá. Trong 3 tháng làm nhiệm vụ, ông nhớ rõ có lần biển động, một tàu cá Trung Quốc không kịp vào bờ đã tấp vào đảo trú ngụ trong đêm.

Chiếc tàu này sau đó bị bão biển đánh chìm, các ngư dân được cứu giúp lên đảo. Ông Hòa và những người lính địa phương, nhân viên khí tượng giữ đảo nhường cơm xẻ áo cho các ngư dân Trung Quốc, dù lương thực trong 3 tháng đã được tính toán chi li vừa đủ.

“Anh em chấp nhận nhịn đói để cưu mang ngư dân nước họ. Thế mà sau đó gần 3 tháng, phía Trung Quốc lại đưa quân lên đảo xua đuổi chúng tôi, rồi ngang nhiên chiếm giữ quần đảo này”, ông Hòa kể.

Một nhân chứng khác nhớ lại, vào ngày 18/1/1974 đội của ông lên tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) về đất liền thì phát hiện tàu chiến Trung Quốc đang xâm phạm phía nam đảo Hoàng Sa. Lúc này, tàu HQ-16 chặn đường, buộc tàu Trung Quốc rút lui.

Sau đó, 6 người trên HQ-16 được yêu cầu xuống xuồng trở lại đảo. Đến rạng sáng 19/1/1974, khi mọi người vào đến đảo thì phía Trung Quốc bắt đầu dội pháo và đổ bộ lính, bắt hết lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

“Bây giờ Hoàng Sa là của Việt Nam thì cả thế giới đều biết cả rồi. Nhưng họ không chịu trả lại cho chúng ta là điều đáng buồn. Chúng tôi còn sống ở đây và sẽ luôn nói với con cháu là sẽ tìm mọi cách để đòi lại quần đảo Hoàng Sa", nhân chứng Trần Văn Chương (ngụ quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), nói.

Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, cho biết từ năm 2014 vấn đề chủ quyền Hoàng Sa đã làm "nóng" trên tất cả các diễn đàn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, theo ông Ngữ, trách nhiệm đấu tranh bảo vệ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, không chỉ dừng lại trên mặt trận truyền thông, sưu tập, tổng hợp các bằng chứng để khẳng định chủ quyền, mà cần phải biến thành hành động.

"Bước tiếp theo là phải đưa các bằng chứng đó ra để đấu tranh pháp lý, đấu tranh ngoại giao, tiến tới đòi lại Hoàng Sa từ tay Trung Quốc", ông Ngữ nói.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, tặng quà cho các nhân chứng Hoàng Sa. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng, cho biết hai năm qua Đà Nẵng đã đưa lịch sử Hoàng Sa vào chương trình giáo dục trong các cấp học. Vị này kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa lịch sử Hoàng Sa vào sách giáo khoa để giáo dục cho các thế hệ trẻ.

"Chúng ta sẽ không bao giờ được phép quên ngày Hoàng Sa thất thủ. Phải nói với con cháu mai sau nhớ mãi sự kiện này. Mười năm, 50 năm hoặc 100 năm sau, nhất định chúng ta phải đòi lại chủ quyền quần đảo thiêng liêng này", ông Tiếng nhấn mạnh.


Huyện Hoàng Sa phải có dân

Ông Đặng Công Ngữ nói rằng việc TP Đà Nẵng bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa là minh chứng cho quyết tâm đòi lại chủ quyền lãnh thổ. Tuy nhiên, theo ông, Nhà nước cần phải cho phép huyện này có dân.

"Trước mắt, khi Hoàng Sa đang rơi vào tay nước khác thì chúng ta nên lấy dân ở một số phường thuộc quận Sơn Trà nhập khẩu vào huyện Hoàng Sa", ông Ngữ kiến nghị.

Vị này cũng mong muốn chính quyền Đà Nẵng sớm thành lập Hiệp hội nghề cá Hoàng Sa để các ngư dân đùm bọc, hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa.

Nguồn Vietnam.vn