Site banner

“Hái” ra tiền từ nghề trồng kiểng lá trên vùng nước mặn

Lúc đầu, ông Nguyễn Văn Kim ở ấp Quý Mỹ (xã Đại Điền - Thạnh Phú) trồng hoa kiểng chỉ là để vui thú tao nhã. Sau đó, thấy kiểng lá tiêu thụ được nên ông đầu tư trồng nhiều hơn. Giờ đây, cả vườn dừa gần 9.000m2 của ông đều có trồng xen kiểng lá.

Nông dân Nguyễn Văn Kim bên vườn kiểng lá

Đến nhà ông Kim, chúng tôi cảm thấy thú vị bởi không khí mát mẻ của vườn cây xanh tươi, hương thơm thoang thoảng của hoa kiểng. Ông Kim bộc bạch: "Mỗi ngày, kiểng lá trồng tại nhà và thu mua thêm của nông dân trong xã, tôi gửi xe buýt bán cho các chợ hoa ở TP. Hồ Chí Minh từ 40kg đến 50kg hàng tươi". Thời còn trai trẻ, ông Kim đã trải qua nhiều nghề (chăn nuôi, buôn bán) và tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm. Khoảng năm 2000, sau khi nghiên cứu thị trường, ông Kim "bắt tay" vào mặt hàng kiểng lá cũng khá thuận lợi . Từ trồng thử nghiệm vài loại cây giống trên đất vườn nhà, thấy cây phát triển tốt, ông Kim mở rộng diện tích với nhiều loại hoa, kiểng lá, mai vàng, nguyệt quới, thiên tuế, kim thủy tùng, thiên môn tùng, lác kiểng, đinh lăng… và liên hệ với các quầy bán hoa tươi để tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, dù trong điều kiện mùa khô, nước mặn nhưng vườn kiểng của ông vẫn luôn xanh tốt và có hàng tươi cung cấp cho thương lái ở chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10, TP. Hồ Chí Minh).

Vào mùa khô, ông Kim sử dụng nguồn nước ngọt dự trữ ở ao, hồ xi-măng (chứa nước mưa), nhưng chỉ đủ tưới cây cho tới hết tháng Giêng; những tháng nắng còn lại, ông phải mua nước ngọt với giá 100.000 đồng/m3 để tưới cây. Nông dân Nguyễn Văn Kim chia sẻ: "Qua tìm tòi, học hỏi tôi hiểu cách phân bổ lượng nước thích hợp đối với từng loại cây. Mặt khác, trong quá trình chăm sóc, người trồng cần phải chú ý khâu diệt trừ sâu rầy để cây luôn mạnh khỏe, đủ sức chịu đựng trong điều kiện thời tiết khó khăn". Theo ông Kim, cây thiên tuế thường hay bị sâu lá và rầy bám thân, người trồng phải thường xuyên xịt thuốc; còn cây kim thủy tùng thường hay bị nấm meo làm cho lá bị vàng và hay bị sâu ăn cây non, cũng phải chú ý xịt thuốc ngừa bệnh. Theo ông Kim một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong kinh doanh đó chính là phải "hiểu" được thị trường. "Dù có bận rộn công việc nhưng ngày nào tôi cũng dành thời gian để lên mạng, sau đó thì chỉ cần a-lô là xong" - ông Kim phân trần.

Hàng tháng, ông Kim thu lãi trên 10 triệu đồng từ nghề trồng, mua bán kiểng lá. Hàng ngày, tại vườn của ông Kim có khoảng 6 lao động thường xuyên làm các việc: cắt tỉa, tưới cây, bón phân, thu gom (mức lương 70 ngàn đồng/người/ngày đối với nữ, 90 ngàn đồng/người/ngày đối với nam). Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Điền nhận xét, mô hình trồng kiểng lá của ông Kim đã được nhiều nông dân trong xã học hỏi và nhân rộng.

Bài, ảnh: Đức Chính
Nguồn: baodongkhoi.com.vn