Site banner

Hành vi hai mặt trên biển của hải quân Trung Quốc

"Dù luôn phản đối sự hiện diện của hải quân nước ngoài tại các vùng biển gần Trung Quốc, hải quân nước này gần đây lại tiến hành hoạt động quân sự tương tự trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác", Business Insider dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc trong báo cáo sức mạnh quân sự Trung Quốc công bố tuần trước. 

Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh cách hành xử "hai mặt" này cho thấy Trung Quốc tiếp tục thiếu cam kết tuân thủ các thông lệ quốc tế.


Tàu ngầm Trung Quốc duyệt đội hình gần tỉnh Sơn Động, phía đông nước này năm 2009. Ảnh: SCMP.

Trung Quốc thường phản đối hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), khu vực 200 hải lý tính từ đường cơ sở và gọi hành động này là "do thám tầm gần". Washington và các nước khác bác bỏ tuyên bố của Bắc Kinh, cho rằng hoạt động quân sự trong EEZ phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

Ngoài việc phản đối các hoạt động quân sự của nước ngoài trong khu vực EEZ, Trung Quốc còn đe dọa tàu chiến, máy bay Mỹ, Philippines tiến gần các đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, dù yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này đã bị Tòa Trọng tài Thường trực phán quyết là không có cơ sở pháp lý.

Trong khi ra sức hăm dọa tàu chiến nước ngoài hoạt động gần khu vực kiểm soát của mình, hải quân Trung Quốc từ năm 2014 lại gia tăng các hoạt động "không được chào đón" ở khắp Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Năm 2017, tàu do thám Trung Quốc đi vào EEZ của Australia để theo dõi cuộc tập trận của hải quân nước này với Mỹ. Tàu do thám Trung Quốc còn đi vào vùng EEZ của Mỹ quanh quần đảo Aleutian, dường như nhằm theo dõi việc thử nghiệm Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Cũng trong năm ngoái, hải quân và không quân Trung Quốc còn diễn tập trong khu vực EEZ của Nhật Bản.

Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng triển khai một tàu do thám tới theo dõi cuộc diễn tập hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) ở ngoài khơi Hawaii, sau khi Mỹ rút lại lời mời Trung Quốc để phản đối hoạt động quân sự hóa Biển Đông.

Mỹ và các đồng minh đều không phản đối sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc trong khu vực EEZ của mình, coi đây là hành động được cho phép theo luật quốc tế. Một số nước đã viện dẫn sự xuất hiện của tàu Trung Quốc trong EEZ nước ngoài để tiến hành chiến dịch tương tự trong khu vực EEZ của Trung Quốc.

Mỹ liên tục tiến hành các đợt tuần tra tự do hàng hải quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, thể hiện việc không công nhận yêu sách vi phạm luật pháp quốc tế của Bắc Kinh.

"Chỉ có một quốc gia phản đối các hoạt động tự do hàng hải và thể hiện sự giận dữ với chúng. Mỹ sẽ tiếp tục đối đầu với những gì chúng tôi tin là nằm ngoài luật pháp quốc tế", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis nhấn mạnh.

Trong một sự kiện ở Philippines hôm 16/8, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương Randall Schriver cũng tuyên bố Mỹ sẽ "không cho phép Trung Quốc viết lại quy tắc hàng hải hay thay đổi luật pháp quốc tế tại Biển Đông", khẳng định Trung Quốc "phải hiểu rằng thách thức của họ không thể thay đổi được lập trường" của Mỹ.

Nguồn Vietnam.vn