Site banner

Tổ Hợp tác tép rang dừa ở Mỹ Hưng – bước đầu khởi nghiệp

Tổ hợp tác tép rang dừa ở ấp Thạnh Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú được thành lập vào tháng 8.2016, với mục tiêu chính là góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho nhiều lao động nữ nhàn rỗi, đồng thời giới thiệu sản phẩm của địa phương ra thị trường.

Lúc đầu chỉ 10 chị tham gia đến nay tổ có 20 chị, trong đó có 50% chị là hộ nghèo. Do không có nghề nghiệp chỉ nội trợ là chính nên việc thành lập Tổ giúp cho các chị có việc làm ổn định, không phải đi làm ăn xa. Bất kể ai đặt bao nhiêu kg các chị cũng làm, mọi người chỉ mất thời gian vào buổi sáng, còn lại thì lo công việc nhà hoặc chăn nuôi thêm để phát triển kinh tế gia đình.

Từ nhu cầu thực tế và mong muốn mở rộng qui mô sản xuất, Tổ đã xây dựng nhà xưởng từ nguồn vốn do Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ. Đồng thời, mua thêm chảo, dao, bếp nấu, ...phục vụ cho khâu chế biến. Theo chị Trần Thị Diền, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Mỹ Hưng sắp tới Tổ sẽ phân công mỗi chị phụ trách ở các khâu khác nhau như: thu mua nguyên liệu, sơ chế, chế biến và đóng gói.

Ảnh: Các chị đang rang tép

Tiêu chuẩn làm nên món tép rang dừa Mỹ Hưng, là sử dụng tép thiên nhiên không ốp đá làm nguyên liệu và không sử dụng dừa lên mọng hoặc chưa khô. Tép mua về các chị rửa sạch, ngâm muối sau đó để khô ráo rồi chế biến. Nguyên liệu gồm: tép, dừa, muối và đường, mỗi thứ nêm nếm vừa đủ, rang xong thì để nguội rồi cho vào keo, có thể sử dụng khoảng 02 tuần.

Trong chế biến an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được chú trọng. Tất cả các chị trong Tổ đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tập huấn và cấp giấy chứng nhận.

Thời gian qua, Tổ tích cực giới thiệu sản phẩm của mình bằng nhiều hình thức như thông qua bạn bè, người thân; đem bán tại Khu du lịch biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải và trưng bày tại Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh Bến Tre lần thứ IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Mong muốn của các chị là sản phẩm tép rang dừa có thể vào được nhiều siêu thị để nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, việc này còn gặp một số vướn mắc cần được tháo gỡ. Bà Trần Thị Diền, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú cho biết: Tổ hợp tác tép rang dừa Mỹ Hưng rất cần sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành để phát triển bền vững, nhất là trong thủ tục ký kết hợp đồng vào hệ thống siêu thị, bởi vì vào được siêu thị mới tạo được đầu ra ổn định, giúp cho nhiều chị em có việc làm hơn”.

Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở xã Mỹ Hưng vẫn còn cao với gần 370 hộ nghèo và hơn 110 hộ cận nghèo. Trong đó, hộ nghèo do phụ nữ là chủ hộ chiếm hơn 47%; hộ cận nghèo do phụ nữ là chủ hộ, chiếm hơn 30%.

Ngoài đang dây nhựa, may gia công thì Tổ hợp tác tép rang dừa được hình thành có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo thêm việc làm cho lao động nữ ở địa phương. Cần được hỗ trợ từ các ngành, các cấp để mô hình phát triển bền vững trong thời gian tới.

Văn Minh