Trong thời điểm hiện nay, bệnh quai bị phát sinh thành ổ dịch trên địa bàn huyện Bình Đại. Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện có 43 cas mắc bệnh dịch quai bị. Trong đó, chủ yếu phát sinh thành dịch ở 2 điểm tại trường Tiểu học Trần Hoàn Vũ và trường mầm non Hướng Dương, Thị Trấn. Riêng tại trường Mầm non Hướng Dương có 31 ca mắc quai bị và 3 ca mắc thủy đậu. Tất cả các trẻ đều có triệu chứng sưng to gốc hàm 1 bên, hoặc 2 bên kèm theo sốt. Hiện, ngành chức năng y tế huyện đang quyết liệt vào cuộc nhằm kiềm chế ổ dịch quai bị, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, nhất là trẻ em.
Tiêm phòng là cách phòng ngừa dịch bệnh quai bị đặc hiệu cho trẻ
Được biết, trong vài năm trở lại đây, tình hình dịch quai bị, thủy đậu không xuất hiện, nếu có chỉ rãi rác 1 hoặc 2 ca. Riêng năm nay, tình hình dịch quai bị xuất hiện nhiều, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Theo nhận định của Trung tâm y tế (TTYT) huyện thì tình hình dịch quai bị có nhiều nguy cơ lan rộng tại điểm trường và trong cộng đồng. Đồng thời, TTYT huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, tuyên truyền cho giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh về bệnh quai bị, thủy đậu; Cách phát hiện bệnh và các biện pháp phòng ngừa, tình hình bệnh xảy ra trong trường học.
Y tế trường học tăng cường phát hiện ca bệnh vào mỗi đầu giờ học. Tăng cường vệ sinh phòng học, trường lớp, bếp ăn tập thể. Đảm bảo đủ xà phòng và nước sạch để rửa tay cho học sinh, giáo viên và bảo mẫu. Khi có bệnh cần báo ngay cho y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.
Riêng, tại các điểm trường có dịch bệnh quai bị đã thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát ổ dịch. Tiến hành giám sát chặt chẽ dịch bệnh quai bị trong trường học, cho học sinh mắc bệnh quai bị nghĩ học cách ly từ 10-14 ngày bắt đầu từ ngày phát hiện bệnh. Không cho lớp lá tắm, sinh hoạt trên hồ bơi theo lịch của trường. Lau chùi phòng học, dụng cụ học tập tại các phòng có dịch bệnh quai bị bằng clorin B 2%, 1 tuần lau 2 lần. các phòng khác thì lau chùi bằng hóa chất tẩy rửa thông thường. Áo gối trẻ, bảo mẫu giặc ngay trong buổi chiều phát hiện dịch bệnh và giặc mỗi ngày.
Đối với cộng đồng, Trạm ytế, các điểm trường Tiểu học, THCS, phòng khám y tế tư nhân trong địa bàn huyện tăng cường phát hiện ca mắc bệnh quai bị. Đẩy mạnh khâu tuyên truyền về bệnh quai bị, thủy đậu trong cộng đồng dân cư. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại địa phương, nếu có ca bệnh mới xảy ra báo ngay về trung tâm ytế để có biện pháp xử lý.
Được biết, bệnh Quai bị là một bệnh toàn thân biểu hiện bằng sưng một hay nhiều tuyến nước bọt, thường gặp nhất là các tuyến mang tai. Khoảng 1/3 các trường hợp nhiễm bệnh không gây nên các triệu chứng sưng tuyến nước bọt rõ ràng trên lâm sàng. Trên 50% bệnh nhân mắc bệnh quai bị có hiện tượng tăng bạch cầu trong dịch não tủy. Một số bệnh nhân có biểu hiện viêm màng não rõ với các triệu chứng nhức đầu, nôn mửa, cứng cổ... Các biến chứng khác hiếm gặp hơn gồm viêm khớp, viêm tuyến giáp, viêm khớp xương hàm, viêm cầu thận.
Đường lây truyền virus quai bị chủ yếu do các chất tiết của đường hô hấp. Trước đây, các vụ dịch thường xảy ra từ tháng giêng đến tháng năm ở các vùng khí hậu ôn đới, tuy nhiên ngày nay biểu hiện theo mùa không còn rõ ràng nữa, nghĩa là bệnh có thể xảy ra quanh năm.
Hiện nay không có phương pháp điều trị đặc hiệu dịch bệnh quai bị. Phương pháp điều trị chủ yếu là nâng đỡ: tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai gây đau. Phát hiện sớm các biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm màng não…Cách phòng tránh hữu hiệu dịch bệnh quai bị cần tiêm Vacxin cho trẻ trên 2 tuổi. Bệnh quai bị có thể được đề phòng dễ dàng bằng cách tiêm phòng (chủng ngừa).
Tuyết Mai