Site banner

Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của hệ sinh thái vùng đất ngập nước ven biền Bến Tre. Kỳ 2- Kỳ ảo sắc màu thiên nhiên

Hệ sinh thái đất ngập nước sân chim Vàm Hồ đã cuốn hút tâm hồn bao người không chỉ ở cặp đôi "cò- vạc", mà còn ẩn chứa vẻ đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên trong việc tạo nên sắc màu đa dạng của "vương quốc" các loài chim nơi đây.

Nếu như bảy sắc cầu vồng từ xưa đến nay đã làm đắm say lòng người về vẻ đẹp trong màu sắc tự nhiên của ánh sáng Mặt Trời, thì ở sân chim Vàm Hồ, sắc màu ấy được thể hiện một cách rực rỡ hơn, phong phú hơn qua bộ cánh của các loài chim có mặt tại đây.

Hút mật lưng đen là một loài chim vô cùng hấp dẫn với bộ lông óng ánh sắc màu, rực rỡ dưới ánh nắng ban mai. Phía trên thân màu ngọc bích, phía dưới màu xanh thẩm, họng màu đỏ cam, mỏ dài nhọn và cong cùng với lưỡi hình ống để hút mật hoa, hút mật lưng đen chinh phục được cả những ai khó tính nhất về vẻ đẹp của chúng. Đặc biệt hơn, đây là loài mới được ghi nhận trong danh lục các loài chim tại sân chim Vàm Hồ.

Con chim se sẻ nó đẻ cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình chớ ai!

Câu thơ đậm chất dân gian đã đưa bao trẻ thơ đi vào giấc ngủ êm ái với nhiều mộng đẹp. Không chỉ đẹp trong thơ ca mà đẹp cả ngoài đời. Dòng dọc là loài chim sẻ, được nhìn thấy ở Vàm Hồ với mỏ hình chóp, đuôi ngắn vuông, bộ lông màu vàng nâu với những vạch đen ở phía lưng và màu nâu xen lẫn màu trắng ở mặt dưới, làm cho dòng dọc có dáng vẻ dễ thương như một nàng công chúa nhỏ lạc trong rừng.

Cùng với dòng dọc, oanh đầu đỏ là loài chim dạng sẻ nhỏ, chắc nịch, đứng thẳng với cái đuôi xiên ngắn. Erithacus akahige, trong đó  akahige là latin hoá tên của một người Nhật,  tên Việt là chim oanh Nhật Bản hay nói chung là chim oanh đầu đỏ, tiếng Anh là Japanese Robin. Chim trống có màu hung tươi ở đầu tương phản với bộ lông màu xám.

Chim sống trong rừng, trong vườn và những nơi có nhiều cây cối, hót rất hay và thường làm tổ trên mặt đất, ăn các côn trùng, sâu bọ và những động vật không xương sống khác, góp phần tăng sinh khí cho sân chim.

Vành khuyên Nhật Bản là loài chim phổ biến và đã từng được mô tả trong nghệ thuật Nhật Bản.  Tên khoa học là  Josterops japonicus, chữ  latin " japonicus"  có nghĩa là được tìm thấy lần đầu tiên ở Nhật Bản, từ tên gọi dịch ra là Vành khuyên Nhật Bản.  Ở sân chim Vàm Hồ, chim có bộ lông màu xanh lục ôliu phía trên và màu lục nhạt ở phía dưới, cánh màu nâu sậm với viền xanh, trán xanh, cổ, họng vàng. Chân, ngón chân và mỏ có màu đen hoặc màu nâu. Đặc sắc nhất là mắt có khoen trắng. Vì vậy, nên chim có tên là vành khuyên.

Oanh đầu đỏ và vành khuyên Nhật Bản là hai loài chim không chỉ kỳ ảo trong sắc màu, mà còn huyền bí ở âm thanh. Ngắm nhìn và lắng tai nghe góp phần khơi gợi nỗi niềm nhung nhớ quê hương cho nhiều khách phương xa...

"Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi, Buôn bán không lời, chèo chống mỏi mê". Câu ca dao từ xưa ngụ ý chỉ thời gian con nước lớn, ròng hay cũng ngầm ý chỉ thời gian trong ngày. Tuy nhiên, không chỉ chờ nước lớn, mà cả lúc nước ròng, không chỉ lúc trưa, mà cả lúc nửa đêm, bìm bịp cũng vẫn kêu, bởi vì, quanh quẩn đâu đó... đã biết có một  nàng bìm bịp đang chờ đợi...

Ở Vàm Hồ, bìm bịp lớn còn được gọi là bìm bịp bà, thường được nhìn thấy đang trèo cây hoặc đi trên mặt đất. Giống như con quạ lớn, bộ lông màu đen ánh tím, lưng màu nâu hạt dẻ, mỏ, chân cũng một màu đen, riêng đôi mắt có màu đỏ hồng ngọc với cái đuôi dài và đôi cánh màu nâu đồng. Tiếng kêu trầm vang xa, lặp đi lặp lại "coop-coop- coop ", nhất là vào những lúc chiều tối hoặc sáng sớm.

Ấn tượng hơn với một đoạn trong bài thơ " Vòng cườm trên cổ chim cu" của nhà thơ Chế Lan Viên, đã phần nào nói lên vẻ đẹp kiêu sa pha lẫn hào hùng, được nhân cách hóa qua những hạt cườm trên cổ chim cu:

Con cu cườm vẫn đeo vòng cườm muôn thuở
Triệu tấn bom không thể nào làm xổ
Một hạt cườm trên cổ chim tơ
Mùa xuân thật bất ngờ...

...

Bom đạn ngất trời thì đã sao đâu?
Trăm hạt cườm trên cổ chim không thiếu hạt cườm nào.
Chim cu gáy sự vật tuần hoàn theo quy luật,
Chim cu gáy thì xanh rờn cỏ mọc
Đỏ trái chín cành cao cành thấp...

Ở Vàm Hồ, cu gáy là loài chim định cư rất phổ biến, thường gặp kiếm ăn trên mặt đất, từng đôi hoặc từng đàn nhỏ. Chim có bộ lông màu da bò hay nâu đỏ với một nửa vòng màu đen trên cổ, có nhiều chấm trắng rất dễ nhận dạng. Lông cánh màu nâu sẩm với những vệt sáng và đen. Mút lông đuôi màu trắng, dễ nhận khi chim xòe đuôi. Khi bay vụt lên, nghe rõ tiếng vỗ cánh, khi đậu trên cành dễ phát hiện bởi tiếng gù nhẹ nhàng "kookruk krukroo"

Giống như các loài bách thanh khác, bách thanh nâu là một loài chim nhỏ, có mỏ hình móc câu và một vằn đen chạy ngang mắt và được người phương Tây gọi là "những tên cướp mang mặt nạ đen", là đặc điểm nhận dạng. Bộ lông nhìn chung có màu nâu ở trên, trắng hoặc phớt nâu ở ngực và bụng, màu hung nhạt ở hai bên sườn.
Nét hào hùng, uy dũng của bách thanh nâu làm sống động thêm để góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, mang tính đặc trưng riêng của hệ sinh thái đất ngập nước Bến Tre.
Diều trắng ở Vàm Hồ, thường được thấy lơ lửng trên không hoặc đậu trên những cành cao. Khi đậu, diều trắng trông rất hiền lành với bộ lông màu xám đen hoặc trắng đen, đôi mắt màu đỏ hướng về phía trước, đuôi ngắn và trắng được che đậy bởi đôi cánh dài chỉ thấy rõ khi bay.
Đến Vàm Hồ vào những lúc trời nhiều gió, nhìn  diều trắng lơ lững trên không, mới cảm nhận được cái gì đó của "lơ lững những cánh diều"- thú vui trẻ thơ ngày xưa ấy và  kể cả của người lớn bây giờ…    
Trảu ngực nâu là một trong số 23 loài chim trảu trên thế giới, sống ở vùng Đông Nam Á. Chim được thấy nhiều ở Vàm Hồ, thường thích đậu trên cành cây. Trảu ngực nâu là những con chim đầy màu sắc, hình dáng thanh mảnh với những chiếc lông đuôi giữa thật dài và nhọn, làm cho chim có thể dài đến 23 – 26 cm. Bộ lông chủ yếu là màu xanh lá cây, khuôn mặt với sọc mắt đen, mặt dưới màu vàng nâu, cổ họng nâu là những đặc điểm dễ nhận dạng.

Nhìn đôi chim trảu thân thương, trìu mến bên nhau, đẹp như trong tranh vẽ, dễ làm ta liên tưởng đến câu thơ:

Con chim trên nhành, chim kêu thỏ thẻ

Vợ xa chồng, há lẽ nào vui.

Mùa xuân, mùa hân hoan của muôn loài, nhìn sắc màu các loài chim làm lòng ta không khỏi xao xuyến, ngẩn ngơ với nét đẹp mà thiên nhiên ban tặng. Mong sao sự yên bình luôn đến với những sinh vật bé nhỏ, mang đến bao niềm vui, ước vọng sống cho đời. Mong sao trên khắp quê hương mình luôn rộn rã tiếng chim kêu vang trong những khu rừng thiên nhiên hoang dã, cùng đón chào ngày mới, năm mới bình yên, hạnh phúc.

Mai, đào đua nở ngát ban mai

Mừng cả mùa xuân đẹp những ngày

Chim hót say sưa hương nhụy tỏa

Giai nhân đắm đuối bướm tung bay...

                                                       Lan Phương

Xin mượn lời thơ của nhà thơ  Geoffrey Chaucer trong bài  Nghị hội của đám đông (Parlement of Foules), trong đó có những câu ca ngợi về tình yêu, gắn liền với những cánh chim, để thay cho lời kết:

For this was on saint Valentine's day

When every birds came there to chose his make...

Vì thế,

Vào ngày Thánh Valentine,

Những cánh chim bay về đây

Để chọn những bạn đời...

                                                                                        Tháng 1. 2014
Kim Tuyến - Văn Bon
( Trường Cao đẳng Bến Tre)