Site banner

“Làng Tiến sĩ”

"Làng" có 5 tiến sĩ, 7 thạc sĩ, trên 120 kỹ sư, cử nhân các ngành nghề, và hơn tất cả có đến 758 người trình độ học vấn cao đang làm việc, phục vụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Làng được phong tặng là "Làng hiếu học" đứng nhất tỉnh từ nhiều năm qua đang tiếp tục phát huy truyền thống vượt khó học giỏi, quyết chí lập thân lập nghiệp, kiến tạo quê hương…

Từ trong nghèo khó vươn lên

Làng hiếu học ở Ba Tri và tỉnh Bến Tre nhiều nhưng con số giỏi giang và thành đạt thì chỉ có Vĩnh Hòa. Xã thuần nông này trung bình 4 nhân khẩu mới được một công đất sản xuất, với chỉ lúa, màu và cỏ để chăn nuôi gia súc, mức sống thấp thuộc diện xã nghèo, hưởng dự án DBRP. Vậy mà "cái khó không bó sự học".

Xã nhỏ Vĩnh Hòa khiêm nhường nép mình bên thị trấn Ba Tri sầm uất về phía Đông Nam. Nơi đó thức sớm cùng mặt trời lên nên nhiều người thông minh, học giỏi? Hay vì người người noi gương cụ Đồ, cụ Võ Trường Toản, cụ Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của Nam Kỳ lục tỉnh, nên quyết chí lo cho sự học? Thật vậy nhưng chưa phải là tất cả. Vĩnh Hòa luôn tâm niệm chỉ có học hành thành tài mới mong thoát nghèo, vươn lên. Phải người người đi học, nhà nhà đi học; phải vượt lên con số cứ 4 người dân phải có một người đến trường và học hành một cách tử tế. Chủ tịch xã và Phó Chủ tịch HĐND, ông Phạm Thành Long còn cho biết, ngoài động viên, tạo điều kiện cho "người người đi học", xã ráo riết đẩy mạnh vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm góp tiền, hiện vật vào Quỹ Khuyến học để hỗ trợ thường xuyên, đều khắp các học sinh nghèo, không để xảy ra trường hợp bỏ học nào. Quỹ còn vươn ra xa khen thưởng đột xuất cho những thầy cô giáo có thành tích xuất sắc. Có lúc hỗ trợ cả học sinh nghèo mà hiếu học ở các xã bạn xung quanh.

Ông Nguyễn Vĩnh Viễn, Chủ tịch Hội Khuyến học cho biết: "Quỹ Khuyến học lúc nào cũng có 30 triệu đồng dự trữ để kịp thời giúp học sinh nghèo hoặc có nguy cơ bỏ học. Tùy hoàn cảnh, Hội hỗ trợ tiền hàng tháng, sách vở, xe đạp, đảm bảo các em mau mắn đến trường. Có em đậu đại học được thưởng khích lệ 1 triệu đồng… Hàng năm, Quỹ vận động được bằng tiền và hiện vật gần 150 triệu đồng". Việc quản lý quỹ, xét trợ cấp của Hội Khuyến học đảm bảo tốt. Đồng thời thành tích học tập của con em học sinh trong xã đạt cao, nên những nhà hảo tâm càng hăng hái đóng tiền mỗi năm cho giáo dục xã Vĩnh Hòa càng lớn. Ngoài những nhà tài trợ không thường xuyên từ nhiều nơi, Hội Khuyến học xã có 3 nhà tài trợ chính. Đó là nhóm Vân Anh gồm những sinh viên ra trường, thành đạt trong kinh doanh; nhóm Nguyễn Phong Điền, con trai Chủ tịch Hội Khuyến học xã; nhóm Phan Thị Duyên là những nhà vận động quỹ và là mạnh thường quân của Hội…

Những chùm quả mùa đầu
Vĩnh Hòa hiện có một trường THCS khang trang, đạt chuẩn quốc gia từ năm 2008; hai điểm trường tiểu học thoáng rộng, kiên cố; hai điểm trường mẫu giáo vừa được đầu tư xây mới. Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Phúc phấn khởi: "Năm năm qua, tỉ lệ thi vào 3 trường THPT trọng điểm huyện Ba Tri luôn đạt mức cao; học sinh đậu tốt nghiệp THCS giữ vững mức 100%".
 Gia đình hiếu học ở Vĩnh Hòa xuất hiện thêm nhiều. Tiêu biểu như gia đình ông Nguyễn Vĩnh Viễn, Chủ tịch Hội Khuyến học; gia đình ông Mai Văn Ký, Chủ tịch UBND xã; gia đình ông Trần Ngọc Để; bà Phan Thị Nhịn. Tất cả đều có đông con em học hành thành tài và đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh.
 Theo ông Chủ tịch xã Mai Văn Ký, tính từ năm 1990 đến nay, toàn xã có nhiều người đỗ đạt học vị cao, gồm: 7 thạc sĩ, 5 tiến sĩ, trên 120 kỹ sư, cử nhân, phần lớn đều làm việc ở ngoài tỉnh, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh, còn khoảng 20% đang công tác tại địa phương. Điển hình như Tiến sĩ Nguyễn Tấn Mẫn, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT; Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Cẩn, nguyên Hiệu trưởng một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Lê Thị Cúc, Giảng viên Trường đại học nông nghiệp; Tiến sĩ Dương Thành Đa, nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện máy miền Nam; và gần đây nhất là Tiến sĩ Nguyên Văn Huấn, hiện đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Bến Tre… Theo thống kê, hàng năm xã Vĩnh Hòa có khoảng 15- 20 người ra trường có bằng đại học và có việc làm ổn định. Ông Mai Văn Ký cho biết, nhờ dấy lên phong trào hiếu học một cách thường xuyên, đều khắp mà ngày nay trình độ dân trí ở xã Vĩnh Hòa đã được nâng cao, góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhiều hộ có con cái học hành thành đạt, học vị cao, qua làm ăn sinh sống ở ngoài tỉnh đã gởi giúp gia đình nhiều nguồn tiền và hiện vật để nhanh chóng ổn định cuộc sống, xây nhà cửa khang trang. Đồng thời cũng đã gởi về một ngân khoản quan trọng cho xã ấp kiến thiết quê hương.
 Giờ đây, xã nhỏ và nghèo khó Vĩnh Hòa đã ngày một thay da đổi thịt, cuộc sống chuyển mình đi lên, không còn cảnh cơ cực như hồi trước ông bà ta từng gánh chịu:
Ai về Giồng Giá qua truông
Gặp đám mưa luồng dưới biển mưa lên!
Xin được nói lời tri ân tất cả những người hiếu học, những gia đình hiếu học, những nhà hảo tâm đã luôn quan tâm trợ giúp và đồng hành cùng "Làng hiếu học" từ trước đến nay. Xin được trọng ơn và biểu dương những thầy cô giáo đã trực tiếp giảng dạy cho sự học được ngày một phát triển, điển hình như các thầy cô: Phan Thanh Tâm, Trịnh Kiểm Bình, Nguyễn Hồng Phúc, Trần Văn Tửng, Cao Thị Hồng Phượng… Nhiều vị lãnh đạo xã Vĩnh Hòa đã rất tâm đắc, và bồi hồi kể lại!.
 
Những năm gần đây, trong công tác xây dựng nông thôn mới về giáo dục, xã Vĩnh Hòa đạt được 4 tiêu chí Quốc gia về giáo dục, cụ thể: Quy định 100% phổ cập THCS thì từ năm 2005 xã đạt và giữ vững đến nay; Quy định 100% học sinh tốt nghiệp THCS và 95% thi đậu các Trường Trung học phổ thông hoặc chuyên nghiệp thì xã đạt mức 95,5%; Quy định 85% học sinh tốt nghiệp tú tài thì xã đạt mức 90%; Quy định 75% thanh thiếu niên từ 18- 21 tuổi tốt nghiệp THPT hoặc chuyên nghiệp thì xã đạt mức 80%. 

Huỳnh Thanh Văn
Nguồn: baodongkhoi.com.vn