Site banner

Khi nông dân làm dịch vụ

Khi các điểm du lịch hình thành, lập tức người dân sở tại bị cuốn vào môi trường kinh tế hấp dẫn này. Điều này đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống, suy nghĩ và hành vi của những nông dân "tay lấm chân bùn" ngày nào. Họ sôi nổi "lột xác" để trở thành những tiểu thương, kinh doanh dịch vụ… nhưng xem ra vẫn còn nhiều trường hợp quá "nhiêu khê"!

Đào chem chép - một cách giới thiệu nông sản với khách du lịch.

"Giao tiếp không khó, nhưng làm không dễ"

Tại bãi biển Cồn Bửng (xã Thạnh Hải - Thạnh Phú), hơn 7 giờ sáng, một đoàn khách từ Chợ Lách với hơn 20 người đang hứng khởi đi ra ngắm biển. Chạy theo sau là một phụ nữ trung niên chừng hơn 30 tuổi, trên mặt chị có nhiều vết nám đen. Chị tên Thi (36 tuổi, ở xã Thạnh Hải). Chị luôn miệng giới thiệu các dịch vụ về quán Biển Nhớ trên logo áo thun đang mặc, điệu bộ rất thân thiện và sành sỏi cứ như tay "cứng nghề" tự giới thiệu kiểu này lắm. Nhưng chị thất vọng về điều mà mình cố gắng vừa rồi vì chỉ nhận được lời hẹn sẽ suy nghĩ sau. Chị cho biết: "Trước kia, tui trồng sắn, đậu phộng, dưa hấu. Mần hoài mà lời lãi cũng chẳng bao nhiêu. Nên bán mấy công đất đến đây mở quán làm ăn, thấy khá hơn nhiều. Lúc đầu mắc cỡ khi tiếp khách lắm, nhưng riết rồi cũng quen".

Tiếp đó, chúng tôi gặp một cô gái mặc áo có logo "quán hải sản Cẩm Nhung" tên Hiền (20 tuổi, ở xã Thạnh Phong). Hiền nghỉ học sớm chỉ ở nhà, nay ra đây phụ người bà con bán quán. Vừa trò chuyện, Hiền vừa rảo mắt tìm khách. Và việc tìm kiếm cũng không mất nhiều thời gian, trước mắt chị là một đoàn khách sang trọng. Ánh mắt chị đắn đo, có vẻ quan ngại, nhưng liền sau đó chị chạy tới vỗ vào vai người thanh niên trong đoàn đang chụp ảnh. Người thanh niên nhìn chị và trông chờ, chị lại lí nhí gì đó, rồi liền móc điện thoại ra và gọi ngay cho ai đó vội vã! Người này xòe tay, cười xã giao và bỏ đi cùng với đoàn, trong khi chị ngẩn ngơ và tỏ vẻ tiếc nuối. "Không hiểu sao khi đứng trước khách hàng là tui cứ ái ngại và xấu hổ, chứ ở nhà cái miệng này có ngại chi ai. Đúng là giao tiếp không khó, nhưng làm không dễ chút nào" - Hiền thú thật.

Tại gian hàng cua biển và nghêu của anh Đạt (33 tuổi, từ xã Giao Thạnh đến bán) - vốn là nông dân nuôi tôm, một nữ du khách trả giá nghêu "22 ngàn đồng/kg, được tui mua chục ký ?". "25 ngàn. Không mua thì thôi!". Vội vàng người khách bỏ đi. Anh nhìn theo lộ vẻ hối hận! Ông Ba Vạn đứng trong quán nhà, chứng kiến, nói vọng: "Mày buôn bán mà nói tiếng một vậy, ai ưa!".

Không cá biệt cũng ế

Gần 2 tháng nay, ông Hồ Văn Thâu (62 tuổi, ở biển Cồn Bửng) vẫn chưa biết nên bán gì cá biệt cho khách. "Nếu bán các món nhậu hay cua, sò, nghêu thì ế, vì ở ven biển quán kiểu đó nhiều như nấm rồi. Quán tui thì ở trên đường, cách xa biển trong khi vuông tôm thì chẳng ai trông" - ông Thâu nói.

Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp đã mạnh dạn đầu tư và chịu khó tiếp cận cánh làm ăn theo mô hình dịch vụ du lịch và đã khá thành công. Điển hình như ông Trương Văn Thanh - tự Bé Năm, chủ của bãi Tây Đô (Cồn Bửng), bản thân làm nghề đưa đò và nuôi sò huyết. "Là nông dân thì có biết gì là kinh doanh dịch vụ du lịch đâu, nhưng tui biết nghề này sẽ rất khá nên đã chịu khó đi tham khảo ở rất nhiều mô hình kinh doanh và học hỏi kinh nghiệm làm ăn của người ta mà về áp dụng phù hợp với điều kiện tự nhiên tại khu vực mình" - anh này cho biết. "Chứ thấy đông khách rồi mang đồ ra bán buôn chụp giựt thì có mà tự sát, bởi làm vậy sẽ rất dễ gây mất lòng của du khách, họ sẽ không đến nữa. Hơn nữa, hầu hết người dân ở các khu vực này đều là nông dân thì vốn liếng đâu có nhiều mà cạnh tranh lâu dài, và bản thân tui cảm thấy mình không phù hợp nên đã trở lại với nghề trồng sắn lâu nay, tui còn biết nhiều người đã giống tui, nhưng chắc chắn là người khá lên nhờ nghề này thì nhiều vô số kể" - chị Trần Thị Thảo (34 tuổi, xã Thạnh Hải) cho biết.

Ông Lê Văn Luông - Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre nêu giải pháp về vấn đề này: "Trung tâm cũng thường xuyên mở những lớp kiến thức cơ bản về du lịch và kiến thức du lịch cộng đồng ngắn hạn trên địa bàn các huyện. Nhưng đối với những xã có tiềm năng du lịch, chúng tôi tập trung hơn nhằm nâng cao nguồn nhân lực du lịch cho địa phương. Cụ thể, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử đối với khách du lịch; qui định của pháp luật về kinh doanh du lịch; ứng dụng các mô hình hiệu quả và phù hợp với từng điểm du lịch cho bà con…".

Bài, ảnh: Mã Phương
Nguồn: baodongkhoi.comvn