Site banner

Cây dừa trên đảo Nam Du

Tàu chúng tôi đi cặp cảng Nam Du (Hòn Lớn thuộc xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang), những người chạy xe ôm nhanh chóng tiếp cận du khách ngay khi đặt chân lên cảng.

Nhìn thoáng qua, những người chạy xe ôm đã nhận ra được du khách tham quan hay người ở đảo. Vẻ đẹp hoang sơ của Hòn Lớn tuy mới được khám phá gần đây nhưng những người chạy xe ôm rất "nhạy" trong khâu tiếp thị. Mỗi người chạy xe ôm trang bị chiếc điện thoại di động và lưu giữ tất cả các hình ảnh phong cảnh đặc sắc của thiên nhiên nơi đây. Không do dự, anh Phạm Văn Ken - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã An Sơn, làm thêm nghề chạy xe ôm, móc chiếc điện thoại ra, dùng ngón tay quẹt nhẹ vào màn hình và đưa cho tôi xem một loạt hình ảnh rất ấn tượng. Nhìn phong cảnh một bãi tắm có rừng dừa xanh, tôi đề nghị anh chở đến đó. Anh nói: Đây là bãi tắm Cây Mến, chắc giá đi về 140.000 đồng. Nếu đi một vòng Hòn Lớn thì giá 250.000 đồng. Anh điều khiển chiếc xe gắn máy men theo con đường đang thi công gần hoàn thiện.

Dáng dừa trên bãi tắm Cây Mến.

Bãi tắm Cây Mến là một cái vịnh, nước biển xanh biếc, với diện tích 600m2, còn được mọi người quen gọi là "Vịnh Thái Lan". Một câu hỏi hiện ra ngay trong tôi là bãi Cây Mến nhưng chỉ toàn là cây dừa? Anh Võ Văn Phương, người đang sở hữu ơ diện tích đất trồng dừa và bãi tắm cho biết, đến nay anh vẫn không hiểu vì sao lại đặt tên là bãi Cây Mến. Anh Phương kể: Thời ông cố, bà cố của tôi đã sinh sống và sở hữu phần diện tích đất này. Tổng diện tích đất khoảng 7ha đều được ông cố trồng dừa. Hiện có cây tuổi thọ từ 70-80 tuổi. Lúc đầu, dừa  mọc thưa thớt. Khi cây cho trái đến khô rụng xuống đất và dừa con sinh trưởng phát triển. Cứ thế, cây dừa ngày một nhiều trở thành rừng dừa xanh, nằm liền kề vịnh biển. Ông cố, bà cố qua đời để lại cho ông ngoại, bà ngoại rồi đến mẹ và cậu anh sở hữu. Hiện mẹ anh Phương đã giao quyền sở hữu phân nửa diện tích đất và một phần vịnh này lại cho anh. Người cậu của anh cũng đã giao lại cho người con trai là Nguyễn Văn Chiến sở hữu.

Anh Phương tiếp tục khuếch trương vẻ đẹp cây dừa và vịnh biển.

Năm 2012, anh Võ Văn Phương và Nguyễn Văn Chiến từ làm nghề biển chuyển sang đầu tư khai thác du lịch trên chính phần diện tích đất sở hữu. Anh Phương và anh Chiến đã xây dựng căn nhà nằm cạnh vịnh để đón khách tham quan du lịch. Vào các ngày thứ bảy và chủ nhật có hàng trăm lượt khách trong và ngoài nước tìm đến. Các ngày còn lại vài chục lượt người. Du khách đến tham quan xuống vịnh ngâm mình trong nước biển thiên nhiên xanh biếc, rồi nằm trên cái võng đung đưa, ngắm nhìn ra biển, thưởng thức nuớc dừa tươi vừa được leo lên cây bẻ dừa đem xuống. Anh Phương nói: Tôi hình thành điểm du lịch để giới thiệu cho mọi người vẻ đẹp của thiên nhiên nơi đây. Du khách đến tắm biển không ràng buộc về thời gian và được tắm lại bằng nước ngọt, giá chỉ 10.000 đồng/người. Anh thuê người bẻ dừa trên cây xuống với giá 10.000 đồng/trái nên phải bán cho khách tham quan giá 20.000 đồng/trái.

Anh Phương tâm đắc: Tôi rất trân trọng những cây dừa mà qua bao thế hệ đã trồng, gìn giữ và phát triển mới có được như hôm nay. Cây dừa có sức chống chọi, thích nghi với sóng, gió của biển. Nằm cạnh biển cả, dừa đã hứng chịu đủ vui, buồn của biển. Những lúc vui biển dịu êm, những lúc buồn hay cơn thịnh nộ, biển dường như không còn quan tâm đến ai, sóng to, gió lớn cuồn cuộn gây tổn thất nặng nề. Nhưng dừa vẫn thẳng đứng hướng ra biển. Theo số liệu lưu lại tại bia tưởng niệm những nguời tử nạn vì cơ bão số 5, ngày 2 và 3-11-1997, người dân ở Hòn Lớn đã vớt được xác đem về cảng Nam Du 460 người chết, trong đó có 397 người trong tỉnh, 63 người ngoài tỉnh. 335 người bị thương, 2.383 tàu chìm (2.184 tàu chìm, 199 tàu mất tích) 3.210 nhà sập, 20.537 cái nhà tốc mái. Tổng thiệt hại lên đến 1.515,66 tỷ đồng. Cơn bão này cũng đã quật ngã hàng chục cây dừa của gia đình anh Phương và anh Chiến. Điểm khá đặc biệt là cây dừa trồng ở đảo không phải bón phân, chăm sóc vẫn phát triển xanh tươi. Trái dừa khô rụng xuống đất tiếp tục bén rễ phát triển trưởng thành, tạo thêm màu xanh, nước uống giải khát đặc sắc. Anh Phương cho biết thêm, sắp tới  hai anh em anh sẽ dọn dẹp cỏ dại mọc trong vườn dừa, tỉa thưa một số cây dừa để du khách thuận lợi đến ngắm nhìn cây dừa và tắm biển.

 

Nhìn những cây dừa ở Hòn Lớn nằm cạnh vịnh biển được khai thác phát triển du lịch, tạo thích thú đối với khách tham quan; tôi liên tưởng đến cây dừa của Bến Tre, tạo ra hàng trăm sản phẩm từ dừa cung cấp cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điều này minh chứng, dù ở nơi sóng biển hay đồng bằng phù sa trù phú, dừa vẫn lưu lại hình ảnh đẹp. Đẹp ở sự thích nghi với mọi điều kiện thổ nhưỡng. Đẹp ở sức chống chịu sóng, gió. Đẹp ở vóc dáng thướt tha. Đẹp ở đem lại cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc cho con người.

(Ghi chép từ đảo Nam Du trong chuyến công tác tại các đảo Tây Nam)

Trần Quốc
Nguồn: baodongkhoi.com.vn