Site banner

Kịp thời ứng phó hạn mặn trong sản xuất nông nghiệp

  •  
Trữ nước ngọt để tưới vườn cây giống ở huyện Chợ Lách.

 

Trữ nước ngọt để tưới vườn cây giống ở huyện Chợ Lách.

Chia sẻ tại hội nghị nâng cao nhận thức về phòng chống hạn mặn vừa được tổ chức, TS. Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, đối với các giải pháp công trình, người dân cần chủ động sớm củng cố hệ thống đê bao của mỗi vườn cho chắc chắn để tránh nước mặn xâm nhập vào vườn. Cải tạo mương chứa để dự trữ nước ngọt, hoặc trữ trong những túi nylon dày để tưới cho cây trong những tháng nước mặn.

Cần chú ý kết thúc thời vụ thu hoạch trong khoảng tháng 11 đến tháng 1 để khi xâm nhập mặn xảy ra sẽ không gây thiệt hại cho năng suất và chất lượng của cây trồng. Để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây nên tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và quả trước khi xâm nhập mặn. Nên cắt tỉa khoảng 15% số cành trên cây vì việc tỉa nhiều sẽ làm cây ra nhiều tượt non cần lượng nước tưới và dinh dưỡng.

Đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như: sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn > 0,5%o. Khả năng chịu mặn còn tùy thuộc tình trạng sinh trưởng của cây, cây có lá non, hoa non hoặc đang mang trái thì chống chịu mặn kém.

 

Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt, kéo dài thời gian giữa hai lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới. Người dân có thể áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm như: tưới nước nhỏ gọt, tưới phun xung quanh gốc. Để giảm nhu cầu cần nước của cây trong thời điểm hạn mặn, nông dân cần cắt tỉa những cành vô hiệu, cành bên trong tán, cành ốm yếu, bị sâu bệnh, tỉa bớt hoa và quả trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, tủ gốc giữ ẩm cho cây bằng lá dừa nước, rơm rạ, lục bình, cỏ khô… để giảm bốc thoát hơi nước. Không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn hạn mặn nếu nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu quả và phát triển quả.

Để giúp cây tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu mặn, có thể phun phân bón lá có chứa Kali, Canxi, Magiê, Silic (Basfoliar Combi Stipp, Silica, Basfoliar K, KNO3, Fetrilon Combi…). Hoặc phun các chế phẩm có chứa Brassinosteroid (Vitazyme, Nyro 0,01SL, Comcat 150WP...), Proline, Acit Humic (DS gold, ORG-HUM, Super Humic...) để tăng tính chống chịu của cây trồng đối với mặn. Sử dụng nấm cộng sinh Mycorrhiza, Trichoderma kết hợp phân hữu cơ làm tăng khả năng chịu đựng của rễ với các yếu tố như hạn hán, mặn, phèn, ngộ độc đất rễ cây và ức chế xâm nhiễm vi sinh vật gây bệnh.

Bón phân lân để cung cấp Photpho cho cây, hạn chế sự thu hút các ion Cl- quá nhiều trong cây. Không nên bón phân có chứa Natri và Clo vì sẽ tăng độ độc cho cây. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn thì nên bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn vừa hạ phèn. Nếu đất bị nhiễm phèn thì không nên bón các loại phân chua như Super lân, DAP, (NH4)2SO4, KCl… làm cho đất càng chua.

Quản lý tốt các dịch hại trên cây trồng trong giai đoạn khô hạn và xâm nhập mặn như: bệnh thối rễ gây hại trên nhiều đối tượng (cây có múi, thanh long, vú sữa, sầu riêng và ổi); bọ trĩ là đối tượng gây hại rất lớn trên cây có múi và xoài; sâu đục quả xoài, nhãn, chôm chôm; rầy bông xoài; rệp sáp.

Theo TS. Võ Hữu Thoại - Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đối với lĩnh vực chăn nuôi, người dân cần chủ động dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi. Tùy tình hình thực tế, từng địa phương khuyến cáo các giải pháp trữ thức ăn, nước uống phù hợp cho từng đối tượng vật nuôi. Thực hiện các kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng vật nuôi; thực hiện thường xuyên các biện pháp vệ sinh tiêu độc, sát trùng chuồng trại, phòng ngừa các loại dịch bệnh thường xảy ra đối với gia súc, gia cầm trong mùa khô, tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện kịp thời các ổ dịch để có biện pháp ứng phó.

Người nuôi cần chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tiêm phòng các bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò để nâng cao khả năng đề kháng trong cơ thể vật nuôi. Đặc biệt, tập trung ngăn ngừa tái phát bệnh dịch tả heo châu Phi.

Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, người dân theo dõi tình hình biến động của thời tiết và môi trường nước (nhiệt độ, độ mặn, pH…) để sản xuất cho phù hợp; bố trí thời vụ nuôi thủy sản theo tình hình thực tế xâm nhập mặn. Tập trung theo dõi, giám sát các đối tượng nuôi chủ lực nhạy cảm với ảnh hưởng xâm nhập mặn như: tôm càng xanh, cá tra, cá điêu hồng… Ngoài ra, có thể xây dựng hệ thống công trình ao nuôi đảm bảo đủ nước dự trữ cho quá trình sản xuất.

“Ngành chức năng sẽ tăng cường và thường xuyên cập nhật diễn biến xâm nhập mặn để thông tin rộng rãi đến người dân kịp thời ứng phó. Đồng thời, kết hợp các hoạt động tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... Vận động người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ... để ngăn mặn, trữ ngọt. Các cơ quan chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý khi phát sinh dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi trong mùa hạn mặn’’.

(Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Huỳnh Quang Đức)

Bài, ảnh: Thanh Đồng