Ngàn đời sóng vỗ, thẳm thẳm điệp trùng nhưng trong lòng Biển Đông bao la vẫn chứa bao điều bí ẩn ghi nhận công lao của các bậc tiền nhân trong hành trình chinh phục biển, xác lập chủ quyền; khẳng định rõ thêm vị thế của đất nước đối với Biển Đông.
Những chuyến trục vớt được hàng chục vạn đồ gốm được sản xuất tại Việt Nam trong các con tàu chìm Rang Kwian (vịnh Thái Lan), Turiang (Malaysia), Padanan (Philippines) từ năm 1976 đến 1993 đã phác họa lại con đường tơ lụa trên biển.
Con đường đó càng rõ nét khi hoàn thành quá trình khai quật con tàu cổ ngoài khơi Hội An, cách Cù Lao Chàm 14 hải lý về phía đông bắc. Một cuộc khai quật dưới biển với quy mô chưa từng có trong những năm 1997-2000. Trong lòng con tàu dài 29,4m, rộng 7,2m, chứa khối lượng khổng lồ gồm 150 nghìn đồ gốm hoa lam hầu như còn nguyên vẹn, có niên đại khoảng giữa thế kỷ XV.
Những đồ gốm này là sản phẩm của các lò gốm ở Chu Đậu, Nam Sách tỉnh Hải Dương, cho thấy con tàu này đã mua gốm từ một thương cảng nào đó ở Bắc Bộ và đang trên đường đi xuống phía nam đến các nước Đông Nam Á hải đảo để tiêu thụ thì bị đắm.
Tuy nhiên, những sự kiện trên chỉ là điểm nhấn thu hút dư luận, là sự khẳng định về một con đường gốm sứ trên biển, bởi từ đầu thế kỷ 20 khi L.R.Hobson phát hiện dòng chữ trên vai chiếc bình gốm hoa lam tuyệt đẹp cao 54cm trưng bày ở Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ghi rõ "Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút" – năm Đại Hòa thứ 8 – 1450 đời Lê Nhân Tông – thợ gốm châu Nam Sách họ Bùi vẽ chơi) đã mở ra hướng tìm kiếm con đường đi của những bình cổ xuất xứ từ Đại Việt.
Theo GS Misugi Takatoshi (Nhật Bản), con đường tơ lụa trên biển hình thành rất sớm, từ khi kỹ thuật đóng thuyền buồm bọc gió vượt biển được xác lập từ đầu công nguyên và ngày càng phát triển khi kỹ thuật la bàn được phát minh, tạo điều kiện cho những thương thsuyền cỡ lớn chuyên chở hàng lụa, hồ tiêu, hương liệu, trầm hương, sản phẩm sành sứ… thay thế dần các đoàn lữ hành bằng lạc đà trên lục địa đầy trắc trở và hoang vắng.
Song song với sự hưng thịnh rực rỡ của nền văn minh Lưỡng Hà vào thế kỷ IX-XI, hàng hóa từ Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia… đã được đưa đến các xứ Ai Cập cổ đại để mua bán, trong đó có hàng "sành sứ An Nam", đặc biệt loại bát chén men ngọc được người Vịnh Ba Tư rất ưa chuộng, xem là một dụng cụ để kiểm tra thuốc độc trong thức ăn (poisoning test) trong thời kỳ các nước và bộ tộc tranh chấp ác liệt và truyền thuyết đó vẫn được lưu lại cho đến ngày nay.
Tại Việt Nam, các thương thuyền có thể cập bến hoặc xuất phát ở Luy Lâu, Hà Nội, Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An, Cù Lao Chàm, Vijaya (Thị Nại), Óc Eo (vương quốc cổ Phù Nam) vận chuyển gốm sứ đi ra thế giới.
Tuy nhiên, không chỉ có thuyền buôn của các thương nhân nước ngoài mà bậc tiền nhân của ta cũng dong thuyền vượt biển, đưa sản vật Việt ra thế giới.
Những dòng nhật ký của nhà hàng hải George Windsor Earl đã không tiếc lời khen ngợi khi ông trên đường dẫn lộ một chiếc thương thuyền đến Singapore vào đầu thế kỷ thứ XVIII: "…Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gẫy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra 6 chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm tiến thẳng tới trước… Tôi nghĩ mấy người Việt đó đang lèo lái những con thuyền bé nhỏ mà cách thức để vượt sóng lượn gió thật là tài tình. Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Âu châu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không có một chiếc nào vượt quá 50 tấn, vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió Biển Đông vào giữa mùa bão tố. Họ rất can đảm khi xuất dương. Thuyền họ lại không trang bị vũ khí và như thế có thể là miếng mồi ngon cho bọn hải tặc".
Còn bác sĩ John Crawfurd, người được Chính phủ Anh đề cử làm "lưỡng quốc" đại sứ tại hai kinh đô Bangkok và Huế năm 1822 nhận xét: "Nếu như người Việt Nam được phép tự do viễn dương thì người ta không thể tìm đâu ra được một sắc dân nào nữa ở Á Đông mà lại có đầy đủ những đức tính để trở thành các nhà hàng hải siêu đẳng như vậy… Tính họ không những cương quyết, năng hoạt động, tôn trọng hạn kỳ, mà lại luôn luôn vui vẻ chiều lòng khách hàng… Ghe tàu của họ được các nhà chuyên môn xét đoán và mô tả như là những loại thuyền tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á, kiến trúc rất chắc chắn, đủ sức hải hành ngay cả những khi thời tiết xấu nhất".
Thuyền trưởng John White, một trong những nhà hàng hải Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1820 thì kinh ngạc khi thấy những hải xưởng Việt Nam thời đó lại có đầy đủ vật liệu cho việc đóng những loại tàu lớn nhất như Frigate (tức loại chiến hạm chủ lực của Hải quân Hoa Kỳ sử dụng vào đầu thế kỷ XIX).
Không chỉ bây giờ, mà tự ngàn xưa Biển Đông đã là con đường hàng hải tấp nập. Việt Nam không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là điểm đến, điểm xuất phát của nhiều chuyến tàu. Trong đó có những chuyến tàu của các tiền nhân Việt.
Nguồn: vietnam.net