Site banner

Nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng

.

                                                           Tuần tra bảo vệ rừng ở xã Thừa Đức, huyện Bình Đại

Hiện trạng tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp

Trong 7.833ha đất quy hoạch lâm nghiệp, tỉnh đã giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng quản lý 6.923,38ha; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý 65,7ha; huyện Ba Tri quản lý 49,78ha. Diện tích còn lại 794,14ha đan xen trong quy hoạch lâm nghiệp do người dân đang quản lý và một phần bị xói lở ven biển.

Về tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp giai đoạn 2012 - 2016, tại thời điểm quy hoạch đất lâm nghiệp năm 2012 thì diện tích đất có rừng của tỉnh là 4.164ha, chiếm 53,2% đất lâm nghiệp; đất không có rừng 3.669ha, chiếm 46,8% đất lâm nghiệp. Đến năm 2016, diện tích đất có rừng của tỉnh tăng lên 4.217ha, chiếm 53,8% đất lâm nghiệp; đất không có rừng 3.616ha, chiếm 46,2% đất lâm nghiệp.

Riêng tài nguyên rừng năm 2017 và 2022, theo kết quả cập nhật diễn biến rừng thì năm 2017, diện tích đất có rừng của tỉnh tăng lên 4.198ha, chiếm 53,6% đất lâm nghiệp; đất không có rừng 3.635ha, chiếm 46,4% đất lâm nghiệp. Đến cuối năm 2022, diện tích đất có rừng của tỉnh tăng lên 4.482ha, chiếm 57,2% đất lâm nghiệp; đất không có rừng 3.351ha, chiếm 42,8% đất lâm nghiệp. So với năm 2016, diện tích đất có rừng của tỉnh tăng thêm 265ha.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2016 đã đạt được một số kết quả nhất định. Đã tiến hành rà soát lại quy hoạch lâm nghiệp phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, mạnh dạn chuyển ra ngoài quy hoạch lâm nghiệp những diện tích đất không có khả năng phát triển rừng để sản xuất nông, ngư nghiệp; đồng thời, bổ sung các bãi bồi mới bồi tụ ở ven biển vào quy hoạch lâm nghiệp để trồng phát triển rừng. Tiến hành đo đạc, cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng cụ thể trên bản đồ và ngoài thực địa, qua đó giúp quản lý và sử dụng 7.833ha đất lâm nghiệp đúng mục đích. Song song đó, tiến hành rà soát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đúng theo quy định. Đến nay, đã đo đạc và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng 3.097,68ha, đạt 44,74% diện tích được giao. Trên cơ sở diện tích đất được giao, Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tiến hành giao khoán 2.940,46ha cho 507 cá nhân và hộ gia đình để quản lý, bảo vệ rừng.

Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tỉnh đã giao cho Sở Nông  nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch liên tịch với các lực lượng  Công an - Quân đội - Kiểm lâm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Qua đó, lực lượng phối hợp thường xuyên đi tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm kịp thời ngăn chặn các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng và xử lý nghiêm khi có vi phạm. Từ năm 2011 - 2016, đã phối hợp tổ chức thực hiện 1.325 cuộc tuần tra, kiểm tra rừng (bình quân 220 cuộc/năm). Phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 254 vụ (bình quân 42 vụ/năm), diện tích rừng thiệt hại là 7,83ha (bình quân 1,3ha/năm).

Trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng được phê duyệt, tỉnh đã tiến hành xây dựng các dự án: Dự án Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2015 - 2017: Diện tích trồng rừng mới là 269,1ha, tổng vốn đầu tư 13,376 tỷ đồng. Dự án gây bồi, tạo bãi và trồng cây bảo vệ đê biển xã Bảo Thuận (Ba Tri) 47,8ha. Dự án Bảo vệ và phát triển rừng ven biển tỉnh giai đoạn 2015 - 2020: Diện tích trồng mới 173,47ha, tổng mức đầu tư 77 tỷ đồng. Kết thúc giai đoạn 2011 - 2016, toàn tỉnh đã trồng mới thêm 517,16ha, đạt 39,6% mục tiêu quy hoạch.

“Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Rà soát lại đất đai để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lâm nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế. Hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình theo đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án giao khoán ổn định, lâu dài cho nhân dân quản lý, sử dụng. Quản lý, giám sát chặt chẽ các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trên địa bàn. Lồng ghép các dự án phát triển lâm nghiệp với các chương trình, dự án giảm nghèo, phát triển nông thôn trên địa bàn để bảo vệ và phát triển rừng”.

(Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đoàn Văn Đảnh)

Bài, ảnh: Hoàng Phương