Site banner

Ông Cù Ngọc Lâm: Làm theo gương Bác góp phần xây dựng thành công nông thôn mới

Qua hơn 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, toàn huyện Thạnh Phú đã có 118 tập thể và 374 cá nhân điển hình tiên tiến làm theo gương Bác trên nhiều lĩnh vực được các cấp tuyên dương, khen thưởng. Ở xã Phú Khánh có Bí thư Chi bộ ấp luôn tích cực học theo lời  Bác bằng nhiều việc làm thiết thực, lãnh đạo Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh nhiều năm liền. Đó là ông Cù Ngọc Lâm, sinh năm 1953, Bí thư Chi bộ ấp Phú Long Phụng B.

Trở về đời thường sau thời gian hoạt động cách mạng, ông Lâm tiếp tục tham gia vào các đoàn thể ở ấp cho đến năm 1995 được kết nạp vào Đảng CSVN. 4 năm sau đó, ông được tín nhiệm giữ chức Bí thư Chi bộ ấp cho đến bây giờ. 17 năm được Đảng và nhân dân tin tưởng, ông Lâm luôn tự nói với lòng phải sống sao cho xứng đáng với niềm tin ấy, xứng đáng với hình ảnh người cựu chiến binh gương mẫu, người lính cụ Hồ. Để làm được điều đó, ông xác định phải học theo Bác, lấy tấm gương, đạo đức và phong cách của Bác để làm thước đo cho chính bản thân mình. Chính vì vậy, từ khi có cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sau này là Chỉ thị 03, ông hầu như không bỏ sót một buổi quán triệt chuyên đề nào. “Ở Bác, đức tính nào cũng đáng để mọi người học tập, noi theo, nhưng tôi tâm đắc nhất vẫn là “trung thực, trách nhiệm; gắn bó với dân; đoàn kết, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, vì đây là ba vấn đề rất cần thiết để tôi cũng như cán bộ, đảng viên học tập vận dụng làm theo, đặc biệt là trong tình hình mới hiện nay, vì như Nghị quyết Trung ương tư đã đề cập, có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” – Ông Lâm chia sẻ.

Bí thư Chi bộ Lâm thường xuyên lồng ghép các câu chuyện kể về Bác trong các cuộc họp sinh hoạt lệ kỳ

Quán triệt được tinh thần đó, trong mọi công việc, ông gương mẫu đi đầu, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Trong triển khai thực hiện hoạt động của Chi bộ, ông luôn bám theo Nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy xã; đồng thời, phát huy tinh thần dân chủ, bổ sung, phát triển những ý kiến đề xuất của Chi ủy viên, đảng viên mà đề ra các chủ trương sát đúng với tình hình thực tế, nhằm tạo sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ Đảng. Từ đó, phân công nhiệm vụ cụ thể từng đảng viên để tổ chức thực hiện hàng quý, hàng tháng sao cho đạt hiệu quả.

Trong việc làm theo Bác, ông và Ban Chi ủy gương mẫu thực hiện và phát động tất cả 13 đảng viên cùng thực hiện việc đăng ký vào sổ tay rèn luyện bằng những công việc cụ thể. Trong đó, chú trọng đến những việc sát hợp với thực tế địa phương như giao tiếp với dân, sinh hoạt tổ NDTQ đều đặn, tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… Những việc mà đảng viên chưa thực hiện tốt trong tháng sẽ được góp ý, nhắc nhỡ khắc phục kịp thời tại cuộc họp rút kinh nghiệm vào ngày 15 hàng tháng sau quá trình kiểm tra, giám sát. Để nâng cao nhận thức cho đảng viên, cán bộ về tư tưởng của Người, trong mỗi cuộc họp lệ kỳ, ông và Ban Chi ủy còn thay nhau kể một câu chuyện hoặc một bài viết nói về tấm gương Bác để cùng suy ngẫm. Đây là việc làm được Đảng ủy xã đánh giá rất cao vì nó thật sự đi vào thực chất, làm chuyển biến được nhận thức và hành động của từng người, thúc đẩy phát triển các phong trào hành động cách mạng ở địa phương.

Để làm được điều này, ông trực tiếp cùng đảng viên trong Chi bộ tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, chấp hành các quy ước, hương ước của ấp, đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa… “Để dân tin và làm theo thì mình phải là người đi đầu, phải có trách nhiệm trong mọi phong trào, nói được thì phải làm được. Trong công tác vận động quần chúng mà chỉ nói suông, bắt dân phải làm thế này, thế khác còn bản thân không thể hiện được gì thì chỉ có thất bại. Muốn đạt kết quả cao, cán bộ, đảng viên còn phải biết gần dân, sát dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến nhân dân chứ đừng đem chức danh, địa vị ra để nói, nhân dân sẽ không nghe theo” – Ông Ngọc Lâm chia sẻ.

Phú Long Phụng B là ấp có hơn 360 hộ với gần 1.500 nhân khẩu, đa số người dân sống chủ yếu bằng nghề nông. Do vậy, trong định hướng phát triển kinh tế, ông luôn vận động, khuyến khích các hộ mở rộng diện tích vườn dừa, chú trọng phát triển đàn bò, đàn heo, dê và gia cầm. Song song đó, tranh thủ với các ngành tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để người dân tự tin áp dụng, mạnh dạn chuyển đổi phù hợp, nâng cao thu nhập gia đình. Đến nay, ấp có tổng diện tích vườn dừa gần 200ha, tăng hơn 6ha so với năm 2015. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên 9.000 con. Nhiều năm qua, ấp liên tục kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo và đến năm 2015 còn 12 hộ, tương đương 3,2%. Số hộ có việc làm ổn định chiếm gần 95%. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng năm 2015. Là địa bàn có một phần diện tích giáp với xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tuy nhiên dưới sự lãnh đạo sâu sát của Chi bộ và ông, nhiều năm qua tình hình an ninh trật tự được giữ vững, các tệ nạn xã hội không xảy ra trong năm 2015. Nhân dân ý thức hơn trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, tham gia sinh hoạt tổ NDTQ đạt đến 80%. Thông qua phát động, ấp còn thực hiện tốt cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng khó khăn. Đặt biệt, hệ thống giao thông với sự đóng góp của nhân dân hiện nay gần như hoàn chỉnh với 200m đường được nhựa hóa, trên 3.600m đường bê tông, riêng hệ thống đường liên xóm và đường vào nhà dân được bê tông đạt lần lượt là 80% và 100%. Hiện ấp có 100% cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh, trên 60% hộ dân trong ấp thực hiện việc lập bàn thờ, treo ảnh Bác tại nhà…

Ngoài hết lòng với công việc, ông Lâm còn sắp xếp thời gian để nâng cao thu nhập cho gia đình. Hiện ông có 9 công dừa đang cho trái thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/tháng, nuôi hai con bò nái, mỗi năm xuất bán 2 bê con từ 20 đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, ông dành một công đất để đưa cây màu xuống chân ruộng với đủ các loại rau cải, cho thu nhập mỗi ngày khoảng 200.000 đồng. 6 người con của ông được nuôi dạy khôn lớn và đều lập gia đình, có cuộc sống ổn định…

Với những đóng góp của mình cho địa phương, ông Cù Ngọc Lâm được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tặng bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền (2010-2014), nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh trong phong trào 10 năm xây dựng ấp – khu phố văn hóa (1998-2008), thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hai năm 2011, 2013, nông dân sản xuất giỏi giai đoạn 2010-2012…

Theo ông Lâm, những thành tích vừa qua là động lực để ông tiếp tục phấn đấu làm tốt hơn những gì được học từ Bác; cùng Chi ủy phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ; tiếp tục đề ra các chủ trương mới đúng đắn, sát hợp với địa phương để giúp người dân trong ấp có cuộc sống tốt hơn. Trước mắt, sẽ cùng với tập thể Ban vận động ấp tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung vào các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự, hình thức tổ chức sản xuất, nâng chất các tiêu chí gia đình văn hóa… phấn đấu nâng cao thu nhập người dân đạt 24 triệu đồng vào cuối năm 2016. Qua đó, từng lúc góp phần xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Huyện ủy đặt ra.

“Đồng chí Lâm là người thực hiện tốt việc học tập và làm theo Bác. Ở đồng chí, cán bộ, đảng viên có thể thấy được sự sâu sát với quần chúng, làm nhiều việc thiết thực, có ích cho dân. Sự gương mẫu, tận tụy của đồng chí đã góp phần đưa các phong trào ở ấp đi lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã nhà. Chính vì vậy mà suốt thời gian qua, đồng chí luôn được đảng viên, cán bộ và nhân dân tin yêu, quý trọng. Tấm gương của đồng chí xứng đáng để mọi người học tập, noi theo” - Bà Ngô Thị Cúc, Bí thư Đảng ủy xã Phú Khánh nhận xét./.

Vĩnh Thừa Ngã