Ngày 2/3/2016, xã Phước Tuy (Ba Tri) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh – Đình Phước Tuy. Đến dự có ông Nguyễn Thiện Chí, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, ông Lương Văn Bé, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, ông Trần Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, lãnh đạo ban ngành đoàn thể xã cùng đông đảo nhân dân xã Phước Tuy.
Theo truyền tụng từ nhiều đời, để đáp ứng về mặt tinh thần của người dân trong làng, đồng thời cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các lễ hội truyền thống của quê hương, vào năm 1820, ông Trần Văn Đạo, một trong những người đến khai khẩn đầu tiên và sinh sống ở vùng đất Phước Tuy đã khởi xướng xây cất đình Phước Tuy tại ấp Phước Thới trên phần đất của ông Nguyễn Văn Luông (hiến với diện tích hơn 2.490 m2). Lúc đầu đình được xây dựng chỉ bằng cây lá đơn sơ. Đến thời Vua Tự Đức, các vị bô lão trong làng dâng sớ lên Vua xin sắc phong cho đình và được chuẩn y. Đình thờ thần Hoàng bổn cảnh được sắc phong vào ngày 29 tháng 11 năm Tự Đức thứ 5. Sau khi nhận sắc Thần, nhân dân trong làng cùng nhau đóng góp tiền của để xây dựng lại ngôi đình. Từ ngày xây dựng đến nay, trải qua thời gian, cùng với sự khắc nghiệt của thời tiết, đặc biệt qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, ngôi đình bị tàn phá gần như hoàn toàn. Đến năm 2007, đình được trùng tu mới hoàn toàn. Có thể nói, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, là sợ dây gắn bó cộng đồng, biểu dương quyền lực làng xã, mà còn là một nét đẹp độc đáo trong văn hóa làng xã Việt Nam. Trải qua thời gian và những biến cố của lịch sử, ngôi đình không còn nguyên vẹn lối kiến trúc như xưa nhưng nội thất và kiến trúc hiện có của ngôi đình vẫn mang những giá trị tiêu biểu cho truyền thống lịch sử văn hóa của một làng quê Nam Bộ giàu truyền thống văn hóa.
Đình Phước Tuy còn gắn liền với sự kiện Luật 10/59 khi Mỹ - Diệm lê máy chém về Bến Tre khủng bố tinh thần, giết hại những người yêu nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre, trong đó có huyện Ba Tri. Chỉ trong vòng 5 tuần lễ nhưng chúng đã bắt về Đình Phước Tuy giam cầm tra tấn, giết hại hàng trăm cán bộ, đảng viên, quần chúng yêu nước và nhân dân vô tội trong huyện. Để lưu lại sự kiện này, năm 1985 nhà nước đã cho xây dựng bia tố cáo tội ác của Đế quốc Mỹ.
Lịch sử của ngôi đình đã gắn liền với sự phát triển của cộng đồng dân cư Phước Tuy. Bên cạnh ngôi đình còn có gốc đa cổ thụ còn in dấu nhiều câu chuyện của người đi mở đất và giữ đất, với những câu chuyện bi tráng, những nhân vật lịch sử hào hùng. Cây Đa cổ thụ tại đình Phước Tuy được Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.