Site banner

Sạt lở bờ biển ở Thạnh Phú ngày càng nghiêm trọng

Xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú có 16 km chiều dài bờ biển, mỗi năm triều cường gây sạt lở vào đất liền khoảng 40 đến 50m. Hầu hết chiều dài bờ biển đều bị sạt lở, tùy theo mức độ ít nhiều. Sạt lở bờ biển gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sản xuất của người dân.

Hằng năm, triều cường sạt lở buộc hơn 05 hộ gia đình phải di dời đi nơi khác. Riêng triều cường đầu năm 2017, cụ thể là đợt 15 và 16 tháng giêng làm bể bờ bao ao nuôi tôm của nhiều hộ gia đình ở ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải. Trong đó, bờ bao ao lắng có diện tích trên 2.000m² của Doanh nghiệp Qùy Tường bị bể, cát biển bồi đắp hoàn toàn diện tích ao. Nếu có đợt triều cường tiếp theo thì ao nuôi tôm của doanh nghiệp này cũng có nguy cơ bị xóa sổ.

Ảnh: Nhiều ao nuôi tôm bị đe dọa

Bà Nguyễn Thị Xuân, ấp Thạnh Hải cho biết trước đây gia đình bà trồng dưa, trồng khoai, trồng sắn nhưng triều cường, nước mặn làm chết tất cả nên bà chuyển sang đào ao nuôi tôm. Tuy nhiên, mỗi năm triều cường dâng cao khiến sạt lở sâu vào bên trong khoảng 6 đến 7m. Đỉnh điểm là đợt triều cường con nước 15 và 16 tháng giêng âm lịch khiến ao lắng nhà bà bị bể, đe dọa đến ao đang nuôi tôm. Bà Xuân cho biết: “Mấy năm trước lở ít nhưng hai, ba năm trở lại đây lở quá nhiều, năm rồi cái ao của tôi còn làm được năm nay bể hết trơn, do nước mặn trồng màu không được nên mới nuôi tôm, bây giờ thì không dám nuôi nữa rồi”

Bà Bùi Thị Chung, ngụ cùng ấp gắn bó với cây màu nhiều năm nay, nhưng do sạt lở bờ biển, mỗi năm gia đình mất nhiều chi phí để xây bờ kè, bà Chung cho biết: “Năm nay tôi đã mướn người ta đắp ba chuyến đê rồi, năm nào cũng tốn hơn 4 triệu đồng cho đắp đê”.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Đào, Trưởng ấp Thạnh Hải, xã Thạnh Hải thì bây giờ khi ra dọc bờ biển, hầu như không còn xác định được đất của hộ gia đình nào nữa vì đất sạt lở mất quá nhiều. Những vị trí ghi nhớ, đánh dấu giờ theo sóng cuốn đi hết.

Không chỉ thế, sạt lở còn tác động tiêu cực đến việc phát triển du lịch tại các bải tắm ở Cồn Bửng. Để không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, một số hộ ở bãi tắm Hàng Dương tự bỏ tiền để xây đê bao bằng pê tông, điển hình là ông Phạm Văn Vạn, ấp Thạnh Hải chủ quán Tàu Biển tự bỏ ra 500 triệu đồng để xây đê bao chắn sóng khu đất 1.500m². Trước đây, nếu không làm bờ đê kiên cố này thì mỗi năm ông Vạn phải bỏ ra khoảng 150 triệu đồng để đóng gia cố bờ. Nói về lợi ích của việc pê tông đê bao ông Vạn cho biết: "Qua một năm xây dựng thì tôi thấy tương đối ổn, không bị xói lở, nói chung bờ kè đang an toàn”.

Ảnh: Hộ kinh doanh tự đầu tư xây dựng bờ kè nhưng tốn kinh phí khá lớn

Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng đủ khả năng xây dựng đê bao bằng pê tông do kinh phí quá lớn. Theo lãnh đạo xã Thạnh Hải thì trước kia có 56 quán kinh doanh tại bãi tắm Hàng Dương nhưng do ảnh hưởng sạt lở hiện chỉ còn 11 quán, trong đó chỉ 03 quán có khả năng tự bỏ tiền xây dựng bờ kè bằng pê tông.

Mỗi năm triều cường càng dâng cao, thời gian triều cường cũng thay đổi khó lường, mọi người không kịp ứng phó nên thiệt hại rất nặng nề. Nhiều cây phi lao chắn sóng bị gãy đổ, trốc gốc. Vì thế, sạt lỡ diễn ra nhanh hơn, nhất là từ năm 1997 đến nay. Nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do biến đổi khí hậu làm thay đổi dòng chảy cộng với những cơn sóng dữ tác động mạnh vào bờ. 02 ấp bị sạt lở nặng nhất là Thạnh Hải và Thạnh Thới B.

Ảnh: Cây phi lao chắn sóng bị gãy đỗ, trốc gốc

Dù tình hình sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng nhưng xã gặp không ít khó khăn trong công tác ứng phó, nhất là do thiếu kinh phí xây dựng các bờ kè, chủ yếu là trông chờ vào đầu tư của cấp trên. Theo ông Hà Văn Doi, Chủ tịch UBND xã, năm 2015 Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đầu tư xây dựng bờ kè khu vực Trạm Biên phòng Cồn Lợi, xã Thạnh Hải chỉ dùng lưới chì bỏ đá vào mà kinh phí xây dựng lên đến gần 6 tỷ đồng cho một đoạn đê bao hơn 300m.

Nói về những biện pháp mà chính quyền xã vận động nhân dân thực hiện để hạn chế sạt lở trong thời gian qua, ông Hà Văn Doi cho biết: “Bắt đầu từ tháng 10 hằng năm thì chúng tôi chủ động thông báo đến người dân đề phòng triều cường, gây sạt lở và đa phần người dân đều thực hiện tốt vấn đề này. Hộ dân đã dùng Kobel để đắp tạm thời, dùng xà cừ đóng, rồi mua bao thức ăn để tấn nhằm hạn chế sạt lở. Nhưng những giải pháp này chỉ khắc phục trước mắt và không mang tính bền vững. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động nhân dân trồng cây chắn sóng, chắn gió để hạn chế sạt lở. Thường xuyên đề xuất với cơ quan cấp trên có sự quan tâm, hỗ trợ, bởi vì sạt lở hiện nay là rất nghiêm trọng, nếu để kéo dài thì ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”.

Tác hại của sạt lở bờ biển đã thấy rõ, một số biện pháp trước mắt đã được thực hiện nhằm hạn chế trình trạng sạt lở. Tuy nhiên, về lâu dài rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ cấp trên để có biện pháp hiệu quả hơn trong phòng chống sạt lỡ bờ biển ở Thạnh Hải.  

Văn Minh