Site banner

Thạnh Phú: Hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến ngày càng phức tạp trong phạm vi cả nước. Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 10/2015 (04/10), cả nước có hơn 43.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 28 trường hợp tử vong. Mặc dù dịch bệnh đã và đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên nhờ làm tốt công tác chủ động phòng ngừa, nên thời gian qua, nhất là từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Thạnh Phú luôn được ngành y tế huyện kiểm soát có hiệu quả. Tính đến ngày 26/10/2015, toàn huyện có 68 ca sốt xuất huyết, giảm 5 ca so với cùng kỳ năm 2014 và không xảy ra ca bệnh nặng.

Năm 2015, Thạnh Phú tiếp tục được Sở Y tế chọn là huyện điểm thực hiện Chương trình Quốc gia phòng chống sốt xuất huyết. Thông qua các hoạt động nhằm phát hiện sớm các ca bệnh và xử lý kịp thời các ổ dịch; nâng cao chất lượng cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng; y tế cơ sở từ huyện đến xã được nâng cao trình độ chuyên môn phòng chống, giám sát, chẩn đoán, phát hiện và điều trị sốt xuất huyết; đặc biệt là nâng cao sự hiểu biết của người dân về phòng chống sốt xuất huyết.

Cán bộ, cộng tác viên phòng chống sốt xuất huyết xã Phú Khánh thường xuyên thực hiện hoạt động vãng gia tại hộ gia đình

Bên cạnh đó, UBND huyện quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng chống sốt xuất huyết, kịp thời chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trong công tác tuyên truyền, chống dịch. Công tác phối hợp giửa các đơn vị ngành y tế có sự chủ động và chặt chẻ hơn, nhất là tuyến y tế cơ sở. Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh phối hợp với Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức 3 đợt tập huấn phòng chống, điều trị sốt xuất huyết cho hơn 70 lượt Trưởng Trạm Y tế, cán bộ chuyên trách và hơn 20 cán bộ tuyến huyện. Từ đó, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được huyện và cơ sở đặt trong tư thế sẳn sàng.

Ngay khi xuất hiện liên tiếp từ 02 ca bệnh trong một ấp, TTYT huyện nhanh chóng phối hợp với tuyến y tế cơ sở tiến hành khoanh vùng, tổ chức 02 đợt phun hóa chất (mỗi đợt cách nhau một tuần), tiêu diệt muỗi, thả cá diệt lăng quăng nhằm hạn chế thấp nhất bệnh lây lan và chủ động trong công tác giám sát. Theo đó, từ đầu năm đến nay, huyện đã xử lý 15 ổ dịch nhỏ mới phát sinh tại các xã Hòa Lợi, Đại Điền, Phú Khánh, An Thuận, An Qui, Thạnh Phong, Thạnh Hải, Thới Thạnh và thị trấn Thạnh Phú, giảm hơn 10 ổ dịch so với cùng kỳ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát hơn 6.400 tờ bướm nội dung các biện pháp phòng chống dịch đến người dân, giúp nâng cao nhận thức trong việc chủ động phòng ngừa. Bà Hồ Thị Mai, 75 tuổi ở ấp Xương Thới I, xã Thới Thạnh cho biết: “Nhờ cán bộ y tế ở Trạm thường xuyên đến tuyên truyền, nên bà hiểu được các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Do đó, bà thường nhắc nhở con cháu trong nhà ngủ phải mặc áo dài tay, ngủ mùng, thường xuyên xúc rửa lọ hoa, lu chứa nước hạn chế cho muỗi vào đẻ trứng, tránh phát sinh lăng quăng nở thành muỗi gây bệnh”.

Từ đầu năm đến nay, Phú Khánh mới xảy ra 03 cas sốt xuất huyết. Đây là xã điểm được Dự án phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông tiếp tục triển khai giai đoạn II 2013-2015 (sau khi kết thúc giai đoạn I 2009-2012 mang lại hiệu quả). Bác sĩ Nguyễn Thị Hảo, Trưởng Trạm Y tế, kiêm chuyên trách phòng chống sốt xuất huyết xã Phú Khánh chia sẻ: “So với các xã khác, Phú Khánh có được lực lượng cộng tác việc đông đảo với 37 người, được dự án hỗ trợ kinh phí hàng tháng cũng như toàn bộ chi phí tập huấn phòng chống sốt xuất huyết hằng năm. Đây là điều kiện thuận lợi, giúp cho hoạt động phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng của xã đạt được mục đích, nâng cao nhận thức của người dân. Nhiều năm qua, ngoài việc thực hiện hoạt động vãng gia tại hộ gia đình, tham gia vào các buổi họp Tổ NQTQ, thường xuyên tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, lực lượng cộng tác viên này còn giúp địa phương phát hiện các ca bệnh và xử lý ổ dịch nhanh, kịp thời”. Theo bác sĩ Hảo, trước khi dự án triển khai, mỗi năm xã có từ 20 đến 30 cas bệnh, từ năm 2010, mỗi năm số ca bệnh chưa vượt quá con số 5. Đặc biệt, năm 2014, xã không để xảy ra ca bệnh được Bộ Trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen với thành tích xuất sắc trong hoạt động phòng chống sốt xuất huyết.

Theo các chuyên gia về y tế, thời điểm tháng 9, 10 và 11 là đỉnh cao của dịch sốt xuất huyết, số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng. Trước tình hình trên, từ đầu tháng 10 đến nay, UBND huyện liên tiếp có hai công văn chỉ đạo các phòng, ban ngành, đoàn thể huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp tục tăng cường phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu ngành Y tế thực hiện nhiều giải pháp tăng cường các hoạt động phòng chống dịch, chủ động phát hiện và xử lý ca bệnh kịp thời, không để lây lan ra diện rộng, đặc biệt là không để xảy ra trường hợp tử vong do sốt xuất huyết.

Theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Lập, Giám đốc TTYT huyện, trong những năm qua, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện được kéo giảm đáng kể. Nếu như năm 2013, toàn huyện có gần 240 ca, thì đến năm 2014 còn 81 ca và đến thời điểm này mới chỉ có 63 ca. Để công tác phòng chống sốt xuất huyết ngày càng hiệu quả hơn, thời gian tới, TTYT tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Sở Y tế, TTYT dự phòng tỉnh và UBND huyện về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng. Tăng cường giám sát các ổ dịch cũ, theo dõi tình hình diễn biến côn trùng gây bệnh sốt xuất huyết, xử lý triệt để ổ dịch mới phát sinh, chống dịch kịp thời, không để dịch lớn xảy ra trong cộng đồng. “Hiện tại, TTYT huyện đã và đang phối hợp chặt chẻ với Bệnh viện đa khoa huyện và Trạm Y tế các xã, thị trấn chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao ý thức tự phòng chống sốt xuất huyết trong nhân dân như: dọn dẹp vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, đậy kín các lu, khạp chứa nước không cho muỗi vào đẻ trứng; thả cá ăn lăng quăng; cho trẻ mặc áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày, dùng nhang hoặc bình xịt tiêu diệt muỗi… Đồng thời, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế, khi người dân có các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tuyệt đối không điều trị tại nhà, tránh bệnh nặng thêm” – Bác sĩ Lập cho biết thêm.

Với sự chủ động về mọi mặt, tin rằng công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn huyện tiếp tục mang lại nhiều hiệu quả trong thời gian tới, hạn chế được số trường hợp mắc bệnh và lây lan; góp phần nâng cao hơn nữa sức khỏe trong nhân dân./.

Vĩnh Thừa Ngã