Trong hai ngày 23 và 24/6/2016, tại hội trường UBND huyện Thạnh Phú, Sở Nội vụ Bến Tre phối hợp với UBND huyện tổ chức hai lớp phổ biến Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cho hơn 200 đại biểu là lãnh đạo, công chức các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện; Thường trực Đảng ủy, thường trực HĐND, thường trực UBMTTQ, lãnh đạo UBND, công chức Văn phòng – Thống kê, công chức Tư pháp – Hộ tịch các xã, thị trấn.
Tại đây, đại biểu được cán bộ Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức – Bộ Nội vụ phổ biến những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
Quang cảnh lớp phổ biến Luật tổ chức chính quyền địa phương
Luật Tổ chức chính quyền địa phương có 8 chương, 143 điều, được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Luật Tổ chức HĐND và UBND số 11/2013/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có hiệu lực thi hành.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 về đơn vị hành chính và tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính gồm: Những quy định chung; Chính quyền địa phương ở nông thôn; Chính quyền địa phương ở đô thị; Chính quyền địa phương ở hải đảo; Chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; Hoạt động của chính quyền địa phương; Thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính; Điều khoản thi hành.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 có 9 điểm mới cơ bản so với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2013 đó là: về các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính; về phân định thẩm quyền giữa Trung ương, địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương; về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương và của HĐND và UBND; về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND; về cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND; về các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của chính quyền địa phương; về thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính; về hiệu lực và triển khai thi hành Luật.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 tạo hành lang pháp lý để hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bảo đảm việc tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân ở địa phương, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước./.