Site banner

Thiết bị giám sát hành trình tàu cá mất tín hiệu

                                                   

                                                           Tàu cá rời bến tại cảng Bình Đại.

Tàu cá rời bến tại cảng Bình Đại.

Công cụ kiểm soát

Thiết bị GSHT gắn trên tàu cá chính là công cụ để cơ quan chức năng kiểm soát hoạt động của tàu cá. Luật Thủy sản năm 2017 có quy định, mọi tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt, bật tín hiệu máy GSHT 24/24 khi khai thác ở các vùng biển xa. Qua triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh đã lắp đặt đạt gần 99% tàu cá thuộc diện bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT.

Khảo sát một số chủ tàu cá tại Bình Đại, người dân tham gia đánh bắt thủy sản đều nắm bắt và tuân thủ quy định gắn thiết bị GSHT. Ông Đỗ Văn Thuần, ngụ Ấp 5, xã Bình Thới (Bình Đại) cho biết: “Thông qua hệ thống giám sát kết nối trên điện thoại dù không đi biển nhưng tôi giám sát tàu mình. Theo dõi vị trí đánh bắt để nhắc nhở, không cho tài công đánh bắt xâm lấn qua vùng lãnh hải của nước bạn, kịp thời kêu tài công tránh hoạt động vùng chồng lấn. Hay khi đi tàu tải sản phẩm biết vị trí mình nằm ở đâu để di chuyển”. 

Nhiều chủ tàu đồng tình thực hiện vì những tiện ích của thiết bị giám sát. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, không ít tàu cá bị vô hiệu hóa thiết bị giám sát khi đánh bắt ở vùng biển. Theo quy định, những trường hợp này, chủ tàu nếu không khắc phục trong thời gian cho phép thì di chuyển tàu vào bờ.

Trao đổi vấn đề này, chủ tàu L.H.L, ấp Bình Thới A, xã Bình Thới cho hay, việc lắp đặt thiết bị GSHT là hoàn toàn hợp lý nhưng quy định khi mất tín hiệu thì khó cho ngư dân. Theo phân tích của ông L.H.L, trung bình một chuyến tàu chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng, gồm: tiền thuê tài công, bạn và nhiên liệu hoạt động phương tiện. Nếu mới ra biển khai thác chỉ vài ngày, tàu mất tín hiệu phải di chuyển vào bờ rất khó khăn và tốn kém. Khi chạy tàu vô bờ bạn dịch vụ trốn về coi như mất sạch, thậm chí lỗ vốn.

Ông Nguyễn Thanh Liêm, Ấp 3, xã Bình Thắng (Bình Đại) cho biết: Dân đi cào không am hiểu về điện tử. 2 năm trước gắn thiết bị GSHT thì nhà cung cấp lắp đặt. Do đó, khi thiết bị hư hỏng, hay sự cố không hoạt động được chủ tàu không tự xử lý mà phải nhờ nhà mạng cung cấp để xử lý. Khi đó, chạy tàu vào bờ thì tốn kém, thiệt thòi cho người dân.

Báo ngay khi thiết bị mất tín hiệu

Hiện nay, các ngành chức năng đang tìm hiểu nguyên nhân mất tín hiệu giám sát. Nếu mất tín hiệu do nguyên nhân khách quan thì xem xét có mức xử lý thích hợp. Trường hợp do nguyên nhân chủ quan thì chủ tàu bị xử phạt theo quy định.

Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Thủy sản Châu Văn Nhớ cho biết: Trước mắt, yêu cầu trường hợp thiết bị GSHT tàu cá bị hỏng, thuyền trưởng phải sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc khác để báo cáo vị trí tàu cá về Chi cục Thủy sản qua số điện thoại 02753.510.049 hoặc tần số 7109 kHz hoặc báo về Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh qua tần số 9339 kHz (ban ngày), tần số 6973 kHz (ban đêm) 6 giờ/lần. Nếu không khắc phục để sự cố hư hỏng phải đưa tàu về cảng cá sửa chữa trong 10 ngày kể từ khi thiết bị GSHT bị hỏng.

Theo quy định của Luật Thủy sản, trường hợp không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, sẽ bị phạt 300 - 500 triệu đồng. Trường hợp tái vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt 500 - 700 triệu đồng.

Phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi tháo thiết bị GSHT trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị. Phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động đối với tàu từ 15 - 24m. Trường hợp không thực hiện quy định đối với thiết bị GSHT bị hỏng phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng khi tái phạm.

Bài, ảnh: Phan Hân