Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai nội dung về thực trạng và chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mục tiêu đặt ra đến năm 2022, việc phân loại đạt 20%, đến năm 2025, mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phải được triển khai đạt tỷ lệ 70% trên toàn tỉnh. Từ tháng 1-2022, khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 bắt đầu có hiệu lực, việc phân loại rác tại nguồn trở thành nội dung bắt buộc thực hiện và sẽ bị xử lý hành chánh nếu vi phạm.
Lộ trình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh được chia làm 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 (2021 - 2025), triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 2 nhóm là chất thải rắn dễ phân hủy sinh học và nhóm chất thải rắn khó phân hủy sinh học. Giai đoạn 2 sau năm 2025, cơ sở hạ tầng về thu gom, vận chuyển và xử lý cơ bản hoàn thiện, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 4 nhóm (nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng; nhóm chất thải rắn sinh hoạt thông thường; nhóm chất thải rắn thực phẩm; nhóm chất thải rắn sinh hoạt nguy hại.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã có những thảo luận, bàn giải pháp để triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Nhiều ý kiến đề xuất việc phân loại rác tại nguồn cần triển khai theo đặc điểm 2 khu vực là đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, việc phân loại, thu gom và xử lý cần được thực hiện đồng bộ từ hộ gia đình đến đơn vị thu gom và xử lý rác. Việc thực hiện cần có lộ trình chi tiết, mục tiêu cụ thể đồng thời các địa phương, ngành và tổ chức đoàn thể phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Cần áp dụng chế tài xử lý vi phạm cũng như có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bùi Minh Tuấn nhấn mạnh: Việc phân loại rác phải có sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và người dân cũng như sự kiên trì thực hiện để đạt hiệu quả. Các cấp ngành, đoàn thể, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện, phối hợp triển khai các giải pháp cụ thể, từng bước áp dụng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với phân loại rác tại nguồn.
Tin, ảnh: Thanh Đồng