Site banner

Triều cường và sóng lớn làm sạt lở đất sản xuất của nông dân xã Bảo Thuận

Trong đợt triều cường cao từ ngày 26 đến ngày 29/10/2015 đã làm sạt lở một phần đất phía ven biển ở Cồn Nhàn ấp Thạnh Hải xã Bảo Thuận huyện Ba Tri. Phần đất sạt lở dài trên 200m và sâu vào đất liền trên 10m. Ngoài ra, nhiều đoạn cũng đang đứng trước nguy cơ sạt lở trước những cơn sóng cao trong đợt giáo mùa Đông Bắc này. Cụ thể: Hộ gia đình anh Trần Văn Việt ngụ tại ấp Thạnh Hải có hơn 2.500m2 đất trồng dưa leo đang trong giai đoạn thu hoạch đã bị mất trắng chỉ sau 1 đêm. Diện tích dưa leo của anh vừa bắt đầu cho thu hoạch được 3 ngày. Được biết, đây là giai đoạn dưa leo cho sản lượng cao nhất. Nhưng giờ đây, toàn bộ dây dưa đã bị nước cuốn trôi, ước tính thiệt hại kinh tế trên 20 triệu đồng. Không chỉ vậy, diện tích đất của anh cũng bị sạt lở khá nhiều với gần 2.000 m2. Trước đó, nhận định thủy triều có thể dâng cao gây sạt lở, gia đình anh Việt đã chủ động đắp bờ đê tạm, nhưng do sóng quá mạnh, bờ đê tạm và một phần diện tích đất sản xuất của anh đã bị sạt lở.

Đoạn sạt lở trong đợt triều cường vừa qua dài khoảng 200m.

Hay trường hợp hộ chị Nguyễn Thị Giàu ngụ tại ấp Thạnh do thủy triều dâng cao, gây ngập úng, nên gia đình chị đã nhổ toàn bộ diện tích 2.800m2 đất trồng củ cải trắng dù còn khoảng 20 ngày nữa mới đến thời điểm thu hoạch. Việc thu hoạch củ cải non làm sản lượng giảm rất nhiều. Mặt khác, củ cải nhỏ nên giá thành cũng khá thấp và có thể thương lái sẽ không mua loại này.

Nghiêm trọng hơn, một phần rừng phi lao chắn gió với chiều dài trên 600m cũng bị sóng biển đánh đỗ ngã. Ước tính diện tích tại sạt lở tại khu rừng phi lao khoảng 1 hecta. Do đây là khu vực không có bờ bao nên bị ảnh hưởng trực tiếp từ các đợt sóng mỗi khi triều cường lên. Do vậy, nguy cơ sạt lở dài và sâu hơn là rất cao.

Là người sống ở đây hơn 60 năm, ông Thái Văn Triền cho biết, cứ vào thời điểm giữa tháng chín và giữa tháng mười âm lịch hàng năm, nơi đây phải chịu hai lần thủy triều cao và sóng mạnh. Riêng đợt triều cường này là khá cao và thời gian lại kéo dài. Ông cũng đánh giá đợt triều cường vào giữ tháng mười sắp tới là có thể cao hơn và gây thiệt hại nhiều hơn.

Nhiều nơi được gia cố tạm thời nhưng nguy cơ sạt lở vẫn còn rất cao.

Nhằm hạn chế đất bị sạt lở do sóng lớn từ phía biển có thể gây thiệt hại về hoa màu, tài sản và làm mất diện tích đất sản xuất, chính quyền địa phương và các hộ có đất ven biển đã tổ chức làm bờ đê tạm. Bờ đê được xây dựng bằng đất. Chân đê phía biển và mặt đê được phủ bạt. Tuy nhiên, biện pháp trên tạm thời chỉ có thể chống chịu được qua đợt triều cường này. Việc kiểm tra tuyến đê tạm này cần phải được tổ chức thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện và  gia cố những đoạn có nguy cơ sạt lở.

Hiện tại, Ủy ban nhân dân xã đang triển khai một trong những công việc cần tập trung thực hiện ngay như vận động nhân dân, nhất là những hộ có người già, trẻ em có nhà nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở cao cần di dời đến nơi an toàn. Vận động các hộ có đất ven biển thường xuyên tự kiểm tra và gia cố đê. Các lực lượng công an, quân sự xã và  đồn biên phòng Hàm Luông đảm bảo trực sẵn sàng lực lượng để ứng cứu kịp thời.

Được biết, huyện Ba Tri cũng đã kiến nghị ngành chức năng cấp trên sớm triển khai các biện pháp hữu hiệu nhằm bảo vệ các diện tích đất ven biển. Theo đó, biện pháp tối ưu để chắn sóng là xây dựng bờ kè bằng bê tông. Đây là biện pháp hữu hiệu nhất nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí cao, ngoài khả năng tài chính của huyện, cần sự đầu tư của cấp trên.

Minh Đức