Site banner

Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới: Đem sức ta mà giải phóng cho ta

Đó là tinh thần dân tộc Việt Nam đã được hình thành và khơi dậy trong dựng nước và giữ nước. Đến thời đại Hồ Chí Minh, tinh thần ấy lại làm nên một chuyện thần kỳ. Ba mươi chín năm nước nhà sang trang sử mới - thống nhất, độc lập, cùng xây dựng lại quê hương – Bài học đó vẫn hừng hực khí thế tiến công trong mọi hoàn cảnh, trên mọi mặt trận, kể cả trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hôm nay.

Công cuộc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh đã được ba năm. Trong 124 xã nhận trọng trách này, đến cuối tháng 5/2014 có 4 xã đạt 15 đến 18 tiêu chí, còn hơn 100 xã chỉ đạt từ 5 đến 9 tiêu chí.

Thêm hai tháng trôi qua, nghĩa là vào những ngày tháng 9 này, mấy cái "khó" của 3 xã trên đều được lên bảng đen và tập trung quyết liệt, nhưng công việc vẫn chưa dứt điểm, chẳng hạn như ở Châu Bình, đường 3-2 chỉ mới hoàn thành 80% phần việc; 19 nhà tạm đang gặp khó, chỉ xây lại được 11 căn; trang thiết bị của trạm y tế vẫn còn thiếu cho việc khám chữa bệnh. Vẫn còn 49 hố xí tự hoại trong dân cần được xây mới để đạt chuẩn đề ra,… Tương tự, hai xã còn lại vẫn trong tình trạng đậm nhạt, chưa nơi nào dứt điểm ráo rẻ. Do đâu? Không chỉ do thiếu tiền.

Đường nông thôn mới xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm. Ảnh: N.Hải

Nhiệt tình cách mạng là cốt lõi của vấn đề. Cách đây hơn một năm, khi mà nông thôn mới bày ra còn chỗ dày, chỗ mỏng, ông Đào Minh Huệ, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã có nói: "Đến Châu Bình ngày nay mà không hiểu "sáu không" trước đây thì coi như chưa hiểu Châu Bình". Đó là không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không nhà kê và tất nhiên là không có xe đạp. Khởi điểm như vậy mà có được như ngày hôm nay mới thấy cái xứ "nước mặn, chà là gai" hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới quyết liệt biết chùng nào.

Hội viên Hội Cựu chiến binh Châu Bình chỉ có khoảng 3% so với dân số trong xã, vậy mà lại chọn phương thức nêu gương để thực hiện cho được khẩu hiệu "Tập trung cao độ, vận động nhân tài, vật lực" trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Ông Huệ chia sẻ: "Chúng tôi là những người xuất thân từ quân đội, được tôi luyện trong gian khó, có sẵn quyết tâm, nói là làm và làm đến cùng, làm đạt đến đích mới thôi". Tuyên truyền giáo dục, thuyết phục của Hội không chỉ từ lời nói, mà là hành động của bản thân để làm chuyển biến tại mỗi gia đình của từng hội viên. Từ đó, tác động đến xã hội, để nhân dân noi theo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân. Dân vận khéo của Hội là vậy.

Những công việc cụ thể được Hội triển khai luôn bám vào các tiêu chí nông thôn mới từ việc xây dựng nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh đến xây dựng nhà ở, sử dụng nước sạch, giải quyết lao động. Đặc biệt phong trào xây dựng mô hình phát triển kinh tế, Hội phối hợp với Hội Nông dân xây dựng nhiều mô hình tổ sản xuất (cây giống, chế biến sản phẩm ca cao, nuôi bò sinh sản…) làm kinh tế phụ tăng thu nhập hiệu quả.  Vì vậy, tỉ lệ hộ hội viên khá giàu đạt 80%, hộ trung bình 18%, không còn hộ nghèo. Đó là "năm bước công tác cách mạng, mà bây giờ người ta gọi là dân vận khéo ấy"- ông Huệ cho biết thêm.

Đem sức ta mà giải phóng cho ta. Thông qua những gì đã đạt được trong các xã đã cận kề với đích, cho thấy cấp ủy nơi đây đã tiến hành công tác tư tưởng đối với việc xây dựng nông thôn mới, không gì khác chính là làm cho người dân thấy rõ là họ trực tiếp được thụ hưởng, từ đó đề cao trách nhiệm và huy động được nội lực trong xóm ấp cùng chung tay.

Anh Đào Văn Hội, Bí thư Đảng ủy xã Châu Bình nói tỉ mỉ về cội nguồn của ngành tuyên giáo: "Thực tế đã chỉ ra, ở đâu có vướng mắc thì ở đó có nhu cầu làm công tác tư tưởng. Công cuộc xây dựng nông thôn mới là công việc mới mẻ đòi hỏi công tác tư tưởng phải đi trước". Có lẽ đã nhận thức được điều này, cho nên khi xem lại từng công việc cụ thể đều in rõ nét dấu ấn của công tác tư tưởng ở đảng bộ này được tiến hành bài bản. Không chỉ có đội ngũ làm tuyên giáo mà huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, mà Hội Cựu chiến binh là một điển hình. Bên cạnh đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên truyền đạt chủ trương qua nhiều hình thức, kể cả đối thoại trực tiếp với dân, thì không thể xem thường việc mở rộng dân chủ để nhân dân đóng góp ý kiến, giải quyết kịp thời những kiến nghị của dân... ,tháo gỡ những thắc mắc trong tư tưởng, từ đó mà tạo nên sự đồng thuận từ tư tưởng đến hành động trong toàn xã hội.

Một trong những biểu hiện của công tác tư tưởng ở đây không chỉ là lời nói mà thực chất là việc làm, trong đó "nêu gương" là một trong các phương pháp đạt hiệu quả nhất. Bà Trần Thị Liệu ở ấp 5 nói rất chí lý: "Tôi là người dân nghe nói làm con đường này, cây cầu kia đem lại lợi ích cho bà con trong xóm thì mừng, nhưng càng mừng hơn, hăng hái hơn, vững lòng tin hơn khi thấy cán bộ đảng viên, hội viên các đoàn thể không có cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, cùng nhau đóng góp, nhiều tay vỗ nên kêu".

Năm xưa, Cách mạng tháng Tám thành công là nhờ tinh thần "Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta". Ngày nay, cũng phải với tinh thần này thì công cuộc xây dựng nông thôn mới mới nhanh tới đích. "Ôn cổ" để "tri tân". Nhắc lại chuyện cũ đề khẳng định cái mới, khắc phục tâm lý trông chờ và tránh được nhiều thứ bệnh của chủ nghĩa cá nhân, tiếp tục đưa cuộc cách mạng ở nông thôn hiện nay thật sự nhanh đến đích./.

Lê Quang Nhung
(Báo Nhân dân)