Hành trình vượt qua hàng trăm hải lý trên biển Đông, chúng tôi đã đến với Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Những ngọn cờ đỏ thắm với sao vàng bay phất phới dưới bầu trời trong xanh và lộng gió cho phép chúng tôi tự hào hơn về đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam đã không ngại gian khó để đấu tranh và gìn giữ độc lập, chủ quyền cho Tổ quốc. Trường Sa - đất nước nơi đầu sóng luôn có các đồng chí, đồng đội và cả đồng bào chúng ta đang ngày đêm canh giữ vùng đất, vùng trời như gìn giữ một phần máu thịt của quê hương. Cũng chính từ đây đã cho chúng tôi cảm nhận được về biển đảo bao la của Tổ quốc, thấu hiểu hơn về giá trị bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Chào cờ trên đảo Nam Yết. Ảnh: M.T
Mảnh đất nơi tiền tiêu
Quần đảo Trường Sa thật đẹp! Bầu trời trong xanh và cao vòi vọi. Trong những ngày cuối năm, tuy biển có phần dậy sóng, song nó luôn có một màu xanh thẳm. Từng đợt sóng nhấp nhô đánh vào các đảo chìm, đảo nổi làm tóe lên những bọt nước trắng xóa càng làm tôn thêm vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây. Quần đảo Trường Sa từng được ví von như là một chuỗi ngọc của đất nước hình chữ S. Dù trải qua bao sóng gió hay sự khắc nghiệt của thời tiết, nhưng quần đảo Trường Sa vẫn luôn vừng vàng giữa muôn trùng sóng vỗ, vẫn luôn tràn đầy nhựa sống và sức vươn lên như bao địa phương khác trên đất nước Việt Nam.
Điều mà chúng tôi ấn tượng đầu tiên khi bước chân lên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đó là màu xanh của cây lá. Chính màu xanh ấy đã phần nào nói lên sự sống với vùng đất nơi đây. Trên các đảo, nhất là các đảo lớn như: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết… có rất nhiều loại cây, chẳng khác nào như trên đất liền. Cũng như các vùng miền khác, quần đảo Trường Sa có nhiều loại cây đặc trưng riêng mà ở đất liền không có như: cây bàn vuông, cây bão táp, cây phong ba. Nhưng loại cây mà chúng tôi thấy như đúng tên gọi của nó đó là cây phong ba - một biểu tượng của Trường Sa cũng như sức sống của con người Việt Nam. Trong mọi hoàn cảnh, cây phong ba vẫn luôn kiên cường, bất khuất bám trụ như chính người con Việt đang ngày đêm canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Những hàng dừa rợp bóng mát tại đảo Nam Yết. Ảnh Q.H
Ngay tại vị trí trung tâm của các đảo, hình ảnh đã làm chúng tôi cảm phục nhất đó là chiến sĩ hải quân cầm súng và đứng hiên ngang dưới lá cờ sao vàng năm cánh, canh giữ cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam. Nắng có thể làm sạm màu da của các anh, mưa gió có thể làm phai mờ màu xanh quân phục nhưng nó không thể nào làm mai một ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quê hương. Chiến sĩ Trương Minh Phúc (đảo Nam Yết) tự hào nói: Được cầm súng đứng dưới cột mốc chủ quyền biển đảo để bảo vệ quê hương, đất nước là niềm vinh hạnh với với tôi. Ngày xưa, ông cha ta đã đổ nhiều xương máu để giành lấy mảnh đất này thì hôm nay, thế hệ trẻ chúng ta phải có nghĩa vụ gìn giữ nó…
Lần đầu tiên ra đảo, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước sự phát triển nơi đây. Các cơ sở hạ tầng như đường xá, trường học, trạm y tế, khu nhà ở cho người dân lập nghiệp… đã vẽ nên một bức tranh sầm uất của vùng đất nơi tiền tiêu. Ở Song Tử Tây, tuy điểm trường nơi đây chỉ dạy học sinh cấp tiểu học và số lượng học sinh không nhiều nhưng chất lượng dạy không ngừng được nâng cao. Các giáo viên đều được tập huấn nghiệp vụ thường xuyên thông qua các lớp tập huấn hoặc qua hệ thống mạng internet, do ngành giáo dục tổ chức. Chính từ sự ân cần dạy dỗ của đội ngũ thầy cô giáo đã tạo nền tản kiến thức vững vàng cho các em bước vào những kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia…
Những ý chí mãnh liệt
Lịch sử Việt Nam có ghi lại, trong cuộc tổng tiến công nổi dậy vào mùa xuân năm 1975 của quân và dân miền Nam, ở trận đánh mở màn diễn ra vào ngày 14-4-1975 đã giải phóng đảo Song Tử Tây và sau đó đến các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Từ đó đến nay, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra sức gìn giữ, xây dựng, dần khoác lên quần đảo Trường Sa một diện mạo mới xinh đẹp hơn, sầm uất hơn. Không chỉ riêng lực lượng chiến sĩ hải quân, trong thời gian gần đây, người dân cũng đã tình nguyện theo những con tàu cỡi sóng đến với đảo, thực hiện trách nhiệm người công dân trong gìn giữ và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Vượt qua hàng trăm hải lý trên biển Đông để đến với Trường Sa là điều khá vất vả nhưng để "trụ" lại đây thực hiện nhiệm vụ canh giữ đất trời là điều không đơn giản, nếu như không có ý chí mãnh liệt và nghị lực phi thường. Sự khắc nghiệt của thời tiết, sự cô đơn trống vắng khi phải xa gia đình và người thân… đó là những điều mà không phải ai cũng có thể dễ dàng vượt qua. Trung tá Nguyễn Viết Xuân - đảo phó đảo Sơn Ca bày tỏ: Ở đảo, hầu hết các chiến sĩ đều dành thời gian tập trung cho công tác huấn luyện. Phần thời gian còn lại thì dành cho việc chăn nuôi, trồng trọt và sinh hoạt cá nhân. Chính vì thế nên phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân…
Đàn gà tự túc của các chiến sĩ trên đảo.Ảnh: M.T
Nói đến sự chịu đựng khắc nghiệt của thời tiết cũng như phải làm nhiệm vụ trong điều kiện khá nguy hiểm cần phải nhắc đến lực lượng nhân viên nhà đèn, công tác tại các ngọn hải đăng. Dù trời giông bão hay rét lạnh, các nhân viên nhà đèn phải đảm bảo cho ngọn đèn hải đăng được tỏa sáng. Hiện quần đảo Trường Sa có 9 ngọn hải đăng được xây dựng trên 21 đảo và 33 điểm đảo, đó là: Tiên Nữ, An Bang, Đá Lát, Đá Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca và Song Tử Tây. Với chiều cao 41,5m, ngọn hải đăng ở đảo Đá Lát được xây dựng nguyên liệu chủ yếu từ sắt, điều đáng nói ở đây đó là độ nguy hiểm rất cao vào những mùa mưa bão hay biển dậy sóng. Anh Bùi Văn Sơn (công tác tại nhà đèn đảo Đá Lát) cho biết: Làm việc ở nhà đèn trên đảo chìm thì tư tưởng luôn phải vững vàng, nếu không thì chẳng thể nào hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Vào những lúc trời mưa bão, biển động thì chúng tôi phải mặc áo phao trước để đề phòng khi ngọn hải đăng đổ sụp. Vì thế mà trên ngọn hải đăng này luôn có những chiếc phao cứu sinh, đó là vật dụng không thể thiếu trong mỗi nhà đèn trên đảo chìm.
Không chỉ riêng các chiến sĩ hải quân luôn biết vượt qua khó khăn thử thách mà chính những dân bình thường cũng đã tình nguyện đến với Trường Sa, đến với đảo để góp phần bảo vệ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc. Ở các xã đảo như Song Tử Tây, nhiều hộ gia đình đã mang sự sống từ đất liền đến với vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió. Họ đã lấy sự khắc nghiệt để thử sức người, lấy gian khó để thử ý chí để rồi biết cách vượt qua. Những ánh mắt bỡ ngỡ ban đầu khi bước chân lên đảo, những e ngại về vùng đất đầy nắng và gió không còn nữa, thay vào đó là sự tự tin, là niềm hạnh phúc, là tiếng cười rộn ràng của trẻ thơ trong những ngôi nhà ở làng lập nghiệp trên đảo. Anh Huỳnh Viên (xã đảo Song Tử Tây) chia sẻ: Ban đầu tôi cũng gặp không ít khó khăn khi bắt nhịp với cuộc sống nơi đây. Nhưng đến nay thì mọi việc đã ổn, cuộc sống của tôi đã quen dần. Ngày ngày tôi tham gia đánh bắt thủy hải sản và bán lại cho bộ phận thu mua của dịch vụ hậu cần nghề cá. Cuộc sống dần ổn định.
Trẻ em tập lái xe trên đường băng – sân bay đảo Trường Sa. Ảnh: M.T
Ở Trường Sa, vào những ngày Tết đến xuân về, không khí chào đón Tết nơi đây cũng không kém phần quan trọng. Do mọi người đến đây từ nhiều vùng miền khác nhau trên Tổ quốc, vì thế mà các hương vị đặc trưng của mỗi địa phương cũng được quy tụ về đây. Mùa xuân đến, quần đảo Trường Sa luôn tràn ngập những cành đào đỏ thắm của miền Bắc hay những cánh mai vàng rực rỡ đến từ miền Nam; nào là bánh chưng, bánh dày hay những đòn bánh tét… đã làm ấm lòng đối với những người con xa quê vì bận làm nhiệm vụ.
Vất vả là thế! Song, trong mỗi người chiến sĩ, mỗi công dân của Trường Sa luôn biết vượt qua và tự hào với nhiệm vụ thiêng liêng của mình - canh giữ đất trời của Tổ quốc. Tuy xa Trường Sa, xa những người đã gắn phần đời của mình với biển đảo nhưng chúng tôi vẫn cảm nhận được sự gần gũi với họ, như nhạc sĩ Hình Phước Long đã từng viết: "…Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…".
Quốc Hùng