Site banner

Việt Nam thương thảo vùng khai thác dầu khí chung trên biển với các đối tác ASEAN

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đang cùng với các nước trong khu vực Đông Nam Á là Thái Lan, Brunei và Campuchia thương thảo để xác định vùng khai thác dầu khí chung trên biển.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc PVN cho biết tại buổi họp báo sáng 20/11 giới thiệu về hội nghị và Triển lãm Hội đồng Dầu khí ASEAN (Ascope) lần thứ 10 diễn ra tại TP.HCM từ ngày 28 đến 30/11 tới.

Cụ thể, vùng chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia đã được thỏa thuận xác định thành vùng khai thác chung giữa PVN với Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) và có sản phẩm dầu khí từ năm 1997, đây là dự án hợp tác thành công bước đầu khi PVN tham gia vào Ascope.

Trong thời gian tới, với nguyên tắc thương thảo vùng khai thác chung thì PVN tiếp tục xúc tiến với các nước khác gồm Thái Lan, Brunei, Campuchia ở vùng biển Tây Nam và cả ở vùng biển Vịnh Bắc bộ với Trung Quốc, ông Thập cho biết.

"PVN đang tiếp tục khởi động dự án hợp tác khai thác dầu khí chung với các nước này và hy vọng các dự án hợp tác này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai gần", ông Thập nói.

Cũng theo ông Thập, PVN sẽ hợp tác với các tập đoàn dầu khí khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và triển khai các hoạt động trong 7 lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.

Cụ thể, 7 lĩnh vực mà PVN và các tập đoàn dầu khí trong khu vực triển khai gồm thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí; đường ống dẫn khí giữa các nước ASEAN; thương mại và thị trường sản phẩm dầu khí; công nghệ và dịch vụ dầu khí; hội đồng tư vấn; an toàn và môi trường dầu khí.

Đại diện PVN cũng đề cập đến dự án đường ống dẫn khí giữa các nước Đông Nam Á đang được các nước khu vực xúc tiến là tuyến đường ống nối tiếp giữa các nước trong khu vực như giữa Việt Nam – Malaysia qua đường ống PM3, các đường ống dẫn khí giữa Thái Lan - Myanmar, Singapore - Indonesia, Singapore – Malaysia.

Hệ thống đường ống dẫn khí giữa các nước Đông Nam Á này hiện nay mới chỉ mang tính "song phương" và sẽ tính đến việc mở rộng kết nối trong tương lai.

Bản ghi nhớ về dự án đường ống dẫn khí xuyên Đông Nam Á (The Asean Memorandum of Understanding on the Trans – Asean Gas Pipelines) có hiệu lực từ ngày 21/5/2004 đến ngày 21/5/2014. Mới đây các nước thành viên đã ký thỏa thuận ghi nhớ (MOU) gia hạn thời gian hợp tác dự án thêm 10 năm nữa đến năm 2024.

Trả lời câu hỏi về kết quả PVN đã đạt được sau thời gian gia nhập Ascope từ 1996 đến nay, ông Nguyễn Quốc Thập cho biết hiệu quả lớn nhất là việc xác định được vùng khai thác dầu khí chung với các quốc gia khác trong khu vực.

Ảnh: sgtt.vn

Cũng theo đại diện PVN, hiện nay Công ty Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina) và Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas) là 2 tập đoàn mạnh về sản xuất về khí hóa lỏng (LNG) và đang được các nước trong khu vực xúc tiến rất mạnh việc mua bán, trao đổi LNG với hai tập đoàn này.

Hội nghị và Triển lãm Hội đồng Dầu khí ASEAN (Ascope) là sự kiện diễn ra 4 năm một lần của ngành dầu khí khu vực, và năm 2013 PVN chủ trì tổ chức lần đầu tiên sự kiện này tại Việt Nam.

Hội đồng Dầu khí ASEAN (Ascope) được thành lập vào tháng 10/1975. PVN gia nhập vào Ascope từ năm 1996.

10 thành viên của Ascope hiện nay gồm: Công ty Dầu khí quốc gia Brunei (Petroleum Bruinei), Cơ quan Quản lý dầu khí Campuchia (CNPA), Công ty Dầu khí quốc gia Indonesia (Pertamina), Công ty nhiên liệu quốc gia Lào (LSFC), Công ty dầu khí quốc gia Malaysia (Petronas), Công ty Dầu khí quốc gia Myanmar (MOGE), Công ty Dầu khí quốc gia Philippines (PNOC), Tập đoàn Keppel (Singapore), Công ty Dầu khí PTT (Thái Lan) và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN)./.

Nguồn: vietnam.vn