Site banner

Xã Bình Thắng (Bình Đại) quyết tâm hoàn thành tiêu chí: giao thông nông thôn trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Trong những năm gần đây, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", "Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ", xã Bình Thắng đẩy mạnh phong trào xây dựng giao thông nông thôn, các con đường gập ghềnh khó đi lần lượt được thay thế bằng con đường bê-tông rộng thoáng, nhân dân phấn khởi vui mừng, hạ tầng nông thôn xã ngày càng đổi mới, quyết tâm hoàn thành tiêu chí 2: giao thông trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xã Bình Thắng là xã biển của huyện Bình Đại, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong những năm trước đây, tình trạng giao thông nông thôn trên địa bàn xã gặp rất nhiều khó khăn, các con đường liên xóm - ấp đầy sình lầy, lồi lõm, gây nguy hiểm cho người dân khi vận chuyển hàng hóa và đi lại. Trước thực tế đó, sau khi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, lãnh đạo xã Bình Thắng tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng giao thông nông thôn sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Qua đó, người dân hiểu được các chủ trương chính sách của Đảng và thấy đây là phong trào thật sự thiết thực, ý nghĩa, hợp lòng dân nên đồng tình hưởng ứng tích cực.

Một góc đường vào làng nghề cá khô xã Bình Thắng.

Cụ thể từ năm 2009 đến cuối năm 2012, Ban vận động xây dựng giao thông nông thôn xã vận động nhân dân đóng góp trên 2,7 tỷ đồng thực hiện đổ đá dăm, bê-tông hóa 8,2 km đường liên xóm - ấp. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2013, xã phát động phong trào xây dựng đường pê tông ở các ấp với tổng chiều dài 2.867m với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 1 tỷ đồng, còn lại nguồn vốn huyện hỗ trợ và vốn đối ứng từ nguồn ngân sách xã.

Từ khi giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cho địa phương, góp phần thúc đẩy sự năng động, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội tại địa phương. Hiện toàn xã có 208 cơ sở kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết 500 lao động với vốn đầu tư 9 tỷ đồng, tăng 7 cơ sở so với năm 2011. Toàn xã có 150 mô hình kinh tế biển hàng năm có thu nhập trên 500 triệu đồng, có 79 hộ đạt hiệu quả mô hình 50 triệu đồng/hecta/năm. Năm 2012, Thu nhập bình quân đầu người 23 triệu đồng/người/năm (năm 2011 là 21 triệu đồng/người/năm). Các tiêu chí văn hóa hộ gia đình được giữ vững, các hoạt động giáo dục, y tế, dân số, gia đình và trẻ em được đẩy mạnh. Xã vận động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, 6 tuổi vào lớp một đạt 100%. Tỷ lệ học sinh xét tuyển tốt nghiệp tiểu học, THCS đạt 100%. Hàng năm vào các ngày Lễ hội nghinh Ông của xã (vào ngày rằm tháng 6 âm lịch) thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh về dự, giữ gìn, bảo tồn giá trị lễ hội văn hóa truyền thống của địa phương.

Ông Đào Văn Lộc – Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của huyện, phong trào xây dựng giao thông của xã ngày càng phát triển mạnh. Nhân dân rất đồng tình và hưởng ứng phong trào xây dựng giao thông nông thôn. Trong thời gian tới, xã tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổ bê-tông, đá dăm các con đường giao thông nông thôn còn lại của xã, cố gắng hoàn thành tiêu chí 2 về giao thông, góp phần nâng cao đời sống người dân và bộ mặt nông thôn của xã thêm phần khởi sắc".

Nhìn những con đường bê-tông sạch đẹp nối liền xóm ấp, các dòng xe lưu thông tấp nập vào địa bàn xã, những hình ảnh con đường lầy lội ngày xưa biến mất, chỉ còn lại niềm vui của người dân khi bộ mặt nông thôn của xã dần dần thay đổi, kinh tế của xã tiếp tục phát triển đi lên. Với những con đường bê-tông thẳng tắp đã làm niềm vui của người dân xã được nhân đôi. Từ đây, xã đã giải quyết bài toán khó về giao thông nông thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của xã, đặc biệt là thu hút sự đầu tư và phát triển trong lĩnh vực thủy sản.

Bài, ảnh: Tuyết Mai