Site banner

Xuân về trên quê biển xã Bình Thắng

Xã Bình Thắng là xã ven biển của huyện Bình Đại, người dân địa phương bao đời nay đã gắn bó với biển và biển đã nuôi sống người dân nơi đây lớn lên theo năm tháng. Cũng từ đó, làng nghề khai thác thủy sản và làng nghề chế biến cá khô đã được hình thành và phát triển, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong năm qua, nhiều dự án, công trình chủ chốt của xã được đầu tư xây dựng, ngư dân thêm một mùa bội thu trong khai thác thủy sản, vùng quê biển đã khởi sắc từng ngày và như đang được thay màu áo mới để đón xuân sang.
 
Bình Thắng là xã ven biển có nghề đánh bắt hải sản từ lâu đời của huyện Bình Đại và được xem là nghề truyền thống, ngư dân Bình Thắng rất thông thạo về biển, về thời tiết, sóng gió, giỏi tay nghề và có nhiều kinh nghiệm trong khai thác. Xã có 2 làng nghề được tỉnh công nhận, đó là làng nghề cá khô được công nhận năm 2008 và làng nghề khai thác hải sản truyền thống năm 2010. Trong các năm qua, 2 làng nghề truyền thống của địa phương không ngừng phát triển, số lượng ghe tàu ra khơi của xã được đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp mã lực, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển kinh tế biển của địa phương. Trong năm qua, ngư dân xã đóng mới 57 tàu cá, cải hoán 4 tàu cá, thay mới 20 tàu, tăng 25 tàu đóng mới so với năm 2013. Nâng tổng số tùa hiện có 613 tàu, trong đó có 573 tàu xa bờ. Còn đối với ngư dân, năm nay là năm mang lại nhiều niềm vui bởi được ưu đãi nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước như hỗ trợ đóng mới tàu, hỗ trợ bảo hiểm tai nạn cho hơn 2.600 thuyền viên cộng thêm 1 năm mùa màng bội thu. Ông Đỗ Văn Thuần, ngư dân xã Bình Thắng nói trong vui mừng: "Năm nay, giá dầu liên tục giảm đã làm chi phí trong khai thác, lợi nhuận tăng cao hơn. Ngoài ra, sản lượng đánh bắt thủy sản trong năm tăng hơn so với năm rồi. Từ đó, kinh tế gia đình trở nên khấm khá, sung túc hơn".

Ghe tàu xã Bình Thắng ra khơi đánh bắt thủy sản xa bờ

Đặc biệt, năm 2014, nhiều công trình, Dự án phục vụ kinh tế thủy sản tại địa phương được đầu tư xây dựng. Việc này đã mang ý nghĩa lớn trong khai thác, phát triển tiềm năng gắn với sự ổn định, bền vững lâu dài của kinh tế biển địa phương. Trong đó, phải nói đến Dự án nâng cấp, mở rộng Cảng cá Bình Đại được chính thức khởi công từ đầu năm. Cảng cá Bình Đại nằm dọc theo ngã ba sông Bình Châu và sông Cửa Đại tiếp nối cảng cá Bình Đại hiện hữu về phía hạ lưu sông Cửa Đại với tổng diện tích 3,31 ha. Qui mô công trình có cầu tàu 600 CV, chiều dài cầu cảng 100m, rộng 13,5m cùng hệ thống 2 cột báo hiệu vùng nước neo đậu cho cầu tàu 600CV. Hạ tầng Cảng cá bao gồm, nhà tiếp nhận phân loại, trạm xử lý nước thải, nhà vệ sinh…Công trình có tổng vốn đầu tư trên 114 tỷ đồng. Theo ông Võ Hoàng Đông – Ban quản lý Cảng Cá tỉnh Bến Tre cho biết: " Công trình Dự án nâng cấp mở rộng Cảng Cá Bình Đại giai đoạn I có quy mô lớn nhất đối với lĩnh vực hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh. Qua 1 năm xây dựng, đến nay, đơn vị thi công đã đạt đúng tiến độ, đạt 44,36% khối lượng và giá trị công trình. Sau khi Dự án này hoàn thành sẽ thực hiện cơ giới hóa trong vấn đề bốc xếp hàng hóa thay cho bốc xếp thủ công, góp phần thực hiện theo đúng kế hoạch tái cơ cấu trên lĩnh vực thủy sản và giải quyết thường xuyên cho 1000 lao động, đặc biệt là lao động địa phương. Giải quyết vấn đề neo đậu thường xuyên cho tàu cá, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm của tàu khai thác, tăng hiệu quả cho bà con ngư dân. Trong đó, địa phương xã Bình Thắng có số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện sẽ hưởng lợi trực tiếp từ Dự án này".

Bình Đại phát triển nghề đóng mới ghe tàu

Bên cạnh đó, Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng là làng nghề truyền thống về chế biến cá khô đã hoạt động cách nay khoảng 50 năm. Xã Bình Thắng có 70% dân số với 1.899 hộ dân sống bằng nghề thu mua và chế biến thủy hải sản, tập trung chủ yếu ở làng nghề. Sự phát triển của làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng đã góp phần giải quyết hàng ngàn lao động tại địa phương và các vùng lân cận, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Song song với sự phát triển của làng nghề chế biến cá khô địa phương đó là vấn đề ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Rác thải sản xuất, sinh hoạt, nước thải từ hoạt động của làng nghề theo thời gian làm tắc nghẽn dòng chảy các mương rãnh thoát nước, gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Nhưng đó là nổi lo trước đây, hiện tại, Dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải, trạm xử lý và hệ thống thoát nước mưa thuộc Dự án xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng đã được khởi công và thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra. Đây là niềm vui lớn cho làng nghề địa phương cũng như người dân nơi đây. Đồng thời đây là công trình mang tầm vóc, ý nghĩa lớn lao trong việc làm sạch môi trường sống, phòng chống biến đổi khí hậu của huyện nhà.

Các công trình chính của dự án gồm: Xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm; xây dựng gần 2.110 mét đường cống để thu gom nước thải; xây dựng hệ thống cống thoát nước mưa dài trên 3.900m dọc theo tuyến lộ trung tâm làng nghề; cải tạo môi trường và cảnh quan rạch Bà Khoai trong khu vực làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng để phục vụ tiêu thoát nước tự nhiên cho làng nghề. Tổng kinh phí thực hiện là 77,6 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Việc đầu tư Dự án là hoàn toàn phù hợp, tạo điều kiện để địa phương sớm khắc phục được ô nhiễm môi trường, và đây là một lợi thế lớn trong khai thác có hiệu quả về tiềm năng, thế mạnh thủy sản của địa phương, nhất là xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề. Từ khi khởi công Dự án này, người dân địa phương vui mừng không xiết, nhất là các hộ dân gắn bó lâu đời với nghề truyền thống chế biến cá khô.

Xen lẫn các công trình, dự án được đầu tư xây dựng, đó là hạ tầng  giao thông nông thôn xã không ngừng phát triển. Chủ trương xây dựng hạ tầng giao thôn nông thôn được nhân dân hưởng ứng tích cực. Các con đường này đều có sự tham gia góp sức của nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2014, người dân ủng hộ kinh phí trên 1,4 tỷ đồng xây dựng cầu, lộ nông thôn. Những con đường pê tông sạch, đẹp nối liền xóm ấp, các dòng xe lưu thông tấp nập vào địa bàn xã, những hình ảnh con đường lầy lội ngày xưa dần dần biến mất theo thời gian, chỉ còn lại niềm vui của người dân khi bộ mặt nông thôn của xã dần thay đổi, kinh tế của xã tiếp tục phát triển đi lên. Với những con đường pê tông thẳng tắp đã làm niềm vui của người dân được nhân đôi, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng quê biển, đặc biệt là thu hút sự đầu tư và phát triển trong lĩnh vực thủy sản.

Ông Nguyễn Hồng Hải- Chủ tịch UBND xã cho biết: "Năm cũ qua đi, đối với xã Bình Thắng là năm gặt hái nhiều kết quả về khai thác thủy sản, sản lượng ước đạt 56.650 tấn, đạt 113,3%, tăng 1.350 tấn so với năm 2013. Hình thành 32 tổ đội sản xuất trên biển nhằm hỗ trợ, liên kết trong những ngày lênh đênh ngoài sóng biển để khai thác hải sản. Đồng thời, từ nhiều chính sách ưu đãi như đã làm ấm lòng cho ngư dân ra khơi, bám biển sản xuất. Bà con ngư dân phấn khởi, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, ngư dân đẩy mạnh phát triển ngành khai thác thủy sản, trong đó, thực hiện tốt các Chủ trương, chính sách của Đảng về hỗ trợ, giúp ngư dân vươn xa bám biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chung tay bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương".

Nhìn những đoàn tàu vươn mình ra khơi, ngư dân cặm cụi làm việc trên boong tàu, mặc cho nắng, gió, ngư dân vẫn một lòng bám biển, đem sức lao động của mình tạo thành quả cho đời. Những công trình trọng điểm phục vụ thủy sản được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từng con đường, lối xóm trở nên tươi mới, đời sống con người nơi đây được nâng cao. Tất cả như một minh chứng rõ nét về một vùng quê biển hôm nay đã dần chuyển mình, vươn ra xa ở một tầm cao mới.

                                                         Tuyết Mai