Phát triển kinh tế tập thể đang được huyện Ba Tri chú trọng, nhằm góp phần các xã thực hiện thành công tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, xã Mỹ Nhơn đã huy động mọi nguồn lực hình thành nhiều tổ hợp tác, liên kết sản xuất và đã hoàn thành tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất. Trong đó, Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản đang phát huy hiệu quả.
Nhận thấy tiềm năng phát triển sản xuất lúa và đàn bò của xã ngày càng cao, được sự hỗ trợ của Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, ngày 21/11/2012, xã Mỹ Nhơn thành lập Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản có 47 hộ tham gia với diện tích 15 ha, đến nay mô hình được mở rộng có 75 thành viên tham gia với diện tích trên 27 ha. Sau khi thành lập, thành viên của Tổ được ngành chức năng tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, được Chi cục phát triển nông thôn tỉnh hỗ trợ cho 35 thành viên, mỗi thành viên trên 15 triệu đồng không tín lãi trong thời hạn 3 năm hoàn lại vốn để mua 1 con bò sinh sản. Để hoạt động mang lại hiệu quả, Tổ thành lập Ban quản lý, mỗi tháng sinh hoạt một lần. Nội dung sinh hoạt tập trung vào các vấn đề như thông tin thị trường, định hướng sản xuất, chia sẻ kinh nghiệm trong chăm sóc, phòng, trị bệnh cho cây lúa, bò và các hoạt động liên quan khác. Anh Đỗ Xuân Nhàng, một trong những người tham gia Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản của xã phấn khởi cho biết: “Trước đây tôi cũng chăn nuôi bò, sản xuất lúa nhưng do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả mang lại không cao. Giờ tham gia vào Tổ hợp tác, được truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm để áp dụng vào nuôi, trồng tôi mừng lắm vì hiệu quả được nâng lên”.
Nông dân vui mừng vì lúa trồng, bò nuôi đem lại hiệu quả cao hơn nhờ tham gia vào Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản của xã.
Ông Hồ Văn Long, tổ phó Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản xã Mỹ Nhơn cho biết: “Trong thời gian qua, các thành viên của Tổ đều đoàn kết, tham gia sinh hoạt lệ kỳ đầy đủ. Qua đó kịp thời trao đổi kinh nghiệm để áp dụng vào chăn nuôi, trồng trọt và đã mang lại hiệu quả”.
Nhờ các thành viên đoàn kết, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi nên diện tích lúa và đàn bò của Tổ phát triển tốt. Năng suất lúa bình quân cao hơn diện tích ngoài Tổ từ 300 kg đến 500 kg/ha; đã có 8 con bê ra đời và 27 con bò phối giống thành công.
Được biết số tiền hỗ trợ cho các thành viên của Tổ nuôi bò sinh sản sau khi hoàn lại sẽ tiếp tục chuyển giao cho nông dân khác ở địa phương để đầu tư nuôi bò.
Ông Lê Văn Đoạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mỹ Nhơn cho biết: “Tổ họp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản của xã đã phát huy hiệu quả. Thời gian tới, chính quyền địa phương phối hợp với các đoàn thể tuyên truyên cho người dân thấy được hiệu quả của mô hình này để biết, tham gia, mở rộng thêm Tổ hợp tác. Đồng thời tổ chức nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã, trước mắt là cho khu vực Gia Điền ở ấp Nhơn Thuận và Nhơn Hòa. Vì khu vực này có diện tích sản xuất lúa 42 ha với 77 hộ dân đã được xây dựng đê bao khép kín và thành lập Ban quản lý, hoạt động rất hiệu quả. Qua đó nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân”.
Có thể nói, mô hình Tổ hợp tác nông nghiệp Phú Mỹ lồng ghép mô hình nuôi bò sinh sản xã Mỹ Nhơn đã phát huy được hiệu quả, giúp người dân nâng cao được nhận thức về tầm quan trọng của việc liên kết sản xuất, đồng thời được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, chăn nuôi, từng bước tạo ổn định cho đầu ra sản phẩm, để nâng cao giá thành vật nuôi, cây trồng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững, đặc biệt là xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Trần Xiện