An Hòa Tây là vùng chuyên canh rau màu của huyện Ba Tri với diện tích sản xuất 68 ha. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, tháng 6/2015, nông dân ở đây được Dự án nông nghiệp hữu cơ PGS đầu tư mô hình sản xuất rau hữu cơ và mang lại hiệu quả. Dự án đầu tư cho 5 nông dân sản xuất 4.000 m2 rau hữu cơ. Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, nông dân tuân thủ các quy định: chỉ sử dụng phân hữu cơ bón cho cây trồng, không sử dụng phân hóa học, các loại thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng, do đó giảm được 50% chi phí so với sản xuất rau sử dụng phân, thuốc hóa học.
Nông dân vui mừng vì sản xuất rau hữu cơ cho thu nhập cao, không ảnh hưởng sức khỏe
Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật nên rau phát triển tốt, cho năng suất bằng 70% rau sản xuất sử dụng phân, thuốc hóa học nhưng do chất lượng đảm bảo nên được Công ty rau quả Việt Tâm Thành Phố Hồ Chí Minh hợp đồng thu mua với giá cao gấp đôi. Bình quân 1.000 m2 trồng rau mỗi tháng sau khi thu hoạch trừ chi phí nông dân thu lãi 6 triệu đồng, cao gấp đôi so với diện tích sản xuất rau sử dụng phân, thuốc hóa học. Anh Nguyễn Văn Len, sinh năm 1961 ở ấp An Phú 2, một trong những nông dân tham gia mô hình sản xuất rau hữu cơ của xã cho biết: “Tôi sản xuất rau hữu cơ được 1.000 m2. Qua thời gian trồng tôi thấy rau phát triển tốt, cho năng suất cũng khá. Tôi chỉ sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây trồng nên chi phí rất thấp. Do trồng nhiều loại rau nên sâu bệnh ít xảy ra. Nhờ không sử dụng phân, thuốc hóa học nên sức khỏe không bị ảnh hưởng khi chăm sóc rau. Bình quân mỗi tháng sau khi thu hoạch rau bán được 8 triệu đồng, trừ chi phí tôi còn lãi 6 triệu đồng”.
Được biết, sắp tới Dự án nông nghiệp hữu cơ PGS sẽ tổ chức kiểm nghiệm và cấp giấy chứng nhận rau hữu cơ cho nông dân tham gia mô hình.
Ông Bùi Văn Hiếu, Chủ tịch Hội nông dân xã An Hòa Tây cho biết: “Mô hình trồng rau hưu cơ của nông dân ở An Hòa Tây đã mang lại hiệu quả vì cho thu nhập cao và được Công ty thu mua sản phẩm. Sắp tới, Hội sẽ tuyên truyền cho nông dân trong xã biết, đầu tư trồng rau hữu cơ để nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Dự án nông nghiệp hữu cơ PGS chuyển giao kỹ thuật trồng rau hữu cơ cho nông dân để áp dụng vào sản xuất, đồng thời phối hợp với ngành chức năng kêu gọi các Công ty hợp đồng thu mua sản phẩm của nông dân để bà con yên tâm sản xuất”.
Qua thực tế cho thấy, mô hình sản xuất rau hữu cơ của nông dân xã An Hòa Tây đã mang lại hiệu quả. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng không chỉ cho nông dân tại địa phương mà cả các xã trồng màu trong huyện Ba Tri, qua đó giảm chi phí trong sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn, tăng thu nhập, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra, đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.