Năm 2015, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn huyện Bình Đại cơ bản được kềm chế và kéo giảm. Tuy nhiên, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao. Tính từ ngày 16/12/2014 đến ngày 15/12/2015, toàn huyện đã xãy ra 32 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 22 người, bị thương 20 người.
Lực lượng cảnh sát giao thông huyện tuần tra kiểm soát an toàn giao thông.
Năm 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” và mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, huyện Bình Đại phấn đấu kéo giảm từ 5 đến 10% của 3 mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương, giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường thủy nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải. Để đạt được mục tiêu trên, huyện xác định phải tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị từ huyện đến cơ sở. Tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi công vụ, chú trong việc quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải. Đẩy nhanh tiến độ, quản lý chặt chẽ chất lượng các công trình hạ tầng giao thông, lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa. Tiếp tục rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ, thường xuyên rà soát và khắc phục kịp thời các điểm đen, các vị trí mất an toàn giao thông đường bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông và công an các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tập trung xử lý các trường hợp vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường thủy, vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, xe chở quá tải trọng, các hành vi của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông. Tập trung đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông đối với người kinh doanh vận tải, người điều kiển các phương tiện giao thông. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, những nơi mà hệ thống thông tin truyên truyền còn hạn chế.
Tập trung tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành luật an toàn giao thông cho học sinh, các bậc phụ huynh. Phát động các cuộc thi “Giao thông thông minh”, “Giao thông học đường” trên internet cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục an toàn giao thông cho học sinh. Tập trung củng cố kiện toàn bộ máy, nhân sự Ban an toàn giao thông các xã, thị trấn, chú trọng tăng cường lực lượng làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các xã, thị trấn. Công an các xã, thị trấn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát ngăn chặn và kiềm chế tai nạn liên quan đến xe moto, xe máy trên các tuyến đường nông thôn, xử lý nghiêm các trường hợp có sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông huyện tăng cường hoạt động tuần tra để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biết là các trường hợp vi phạm về tốc độ, nồng độ cồn, đi không đúng làn đường, vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, quá tải trọng cho phép… Tăng cường tuần tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến đường thủy nội địa.
Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông cũng như kềm chế kéo giảm tai nạn giao thông đòi hỏi phải có sự tập trung quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội, trong đó quan trọng nhất là ý thức chấp hành của người dân. Do đó, khi tham gia giao thông, mỗi người hãy tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, lưu thông có trật tự, văn minh để đảm bảo an toàn cho tính mạng của chính mình và của người khác.