Site banner

Đường lưỡi bò - Một yêu sách phi lý - Kỳ 13

Kỳ 13: BIỂN ĐÔNG – NHỮNG ĐIỀU HOANG TƯỞNG VÀ SỰ THẬT VỀ “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ”

Tướng Daniel Schaeffer

Sau khi nghiên cứu một số tác phẩm từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt, những tác phẩm bằng tiếng Pháp của Monique Chemillier Gendreau, Eric Décéné và Frédéric Lasserre, cũng như các công trình nghiên cứu được đăng lên Tạp chí Ocean Development & International Law, sau những trao đổi mới đây với các chuyên gia về khoa học và Luật Biển của Pháp và Mỹ, và sau những công trình nghiên cứu mà đích thân tác giả thực hiện khi còn là Tùy viên quân sự châu Á, rồi với tư cách là nhà nghiên cứu thuần túy, tác giả đã thu thập được một số lập luận có thể làm sáng tỏ hơn nhiều điểm vốn ít được biết đến trong vấn đề Biển Đông đầy phức tạp.

Khu vực địa lý nhiều tranh chấp

Để thiết lập cơ sở cho những lập luận tiếp theo, chúng ta cùng nhớ lại rằng Biển Đông là một vùng biển nửa kín, bởi lẽ mọi lối đi ra biển cả đều được dẫn qua các eo biển có bề rộng không lớn. Thật vậy, vùng biển này được bao bọc từ Bắc đến Nam bởi Đài Loan và Phi-líp-pin, từ Đông đến Tây bởi Ma-lai-xia và các tỉnh Sabah và Sarawak của nước này, rồi bởi Bru-nây và phần phía Nam Sumatra. Giới hạn địa lý chính thức của Biển Đông được Tổ chức Thủy văn Quốc tế (OHI) xác định như sau: Vĩ tuyến xác định phía Bắc eo biển Đài Loan; ở phía Đông, một đường nối mũi Nam của Đài Loan với Biển Java, ngang với bờ Bắc của đảo Belitung In-đô-nê-xia; và ở phía Tây, lối ra của Eo biển Ma-lắc-ca, ở phía trên Xinh-ga-po. Vịnh Thái Lan không nằm trong vùng biển này. Giới hạn còn lại của Biển Đông được đường bờ biển của các quốc gia ven biển tạo nên.

Vùng biển được xác định như trên bao gồm năm quần đảo chính, đó là Pescadores – Bành Hồ (tên gọi Trung Hoa là Penghu), Pratas – Đông Sa (tên gọi Trung Hoa là Dongsha, có nghĩa là dải phía Đông), Macclesfielld – Trung Sa (tên gọi Trung Hoa là Zhongsha, có nghĩa là: dải miền Trung), Paracels (tên gọi Trung Hoa là Xisha, có nghĩa là dải phía Tây, tên Việt Nam là Hoàng Sa), và Spratleys (tên Trung Hoa là Nansha; có nghĩa là dải phía Nam, tên Việt Nam là Trường Sa). Trong số năm quần đảo này, hai quần đảo nằm gần phía Bắc nhất là Bành Hồ và Đông Sa trở thành chủ đề tranh chấp nội bộ giữa Trung Hoa lục địa và Đài Loan. Chúng tôi sẽ không bàn đến những yêu sách mang tính đặc thù giữa những người Hoa với nhau. Ba quần đảo còn lại là chủ đề tranh chấp của hai hay nhiều nước ven biển, đó là Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Phi-líp-pin, Ma-lai-xia, Bru-nây và một phần của In-đô-nê-xia. Trong số bốn quần đảo nói trên, Trung Sa, theo nghĩa hẹp, là tổng thể những bãi đá ngầm cũng không lộ ra. Điểm này cần được nhấn mạnh khi viện dẫn những gì luật biển quy định về đảo tự nhiên tùy theo đảo đó có thể ở được hay không. Nó cũng cần được nhấn mạnh khi xem xét những yêu sách về chủ quyền trên quần đảo đó, và khi phân tích tham vọng của Trung Quốc muốn sở hữu những đảo đó. Nó cũng vì thế cần được nhấn mạnh khi xem xét ranh giới các vùng mà nước này hay nước kia muốn có chủ quyền trên đó. Để có những giải thích đầy đủ về tranh chấp phát sinh trên Biển Đông, chúng ta nên tham kháo các công trình nghiên cứu của những tác giả nêu trên.

Bộ Ngoại giao - UB Biên giới Quốc gia