Trong tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí số 19 về an ninh, trật tự, xã hội là một trong những tiêu chí cần được đẩy mạnh thực hiện và giữ vững. Thời gian qua, huyện Bình Đại đã thực hiện đạt được nhiều kết quả trong thực hiện tiêu chí này. Để tiếp tục giữ vững và thực hiện thành công tiêu chí về an ninh, trật tự, xã hội, năm 2017, huyện Bình Đại tăng cường công tác phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn, góp phần phục vụ xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, cuối năm 2016, toàn huyện Bình Đại có 18/19 xã đạt chuẩn về tiêu chí an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Để giữ vững và phát huy kết quả xây dựng tiêu chí này, giải pháp chốt yếu là Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc huyện (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, giải pháp phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xem xét kiểm điểm trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với người đứng đầu và cán bộ trực tiếp phụ trách, quản lý địa bàn để tội phạm hoạt động lộng hành gây mất an ninh, trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. Ban chỉ đạo huyện thành lập các đoàn kiểm tra chuyên đề về công tác phòng, chống tội phạm tại các địa phương, tập trung địa bàn nông thôn trọng điểm, phức tạp về trật tự xã hội, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, đề ra giải pháp thực hiện sát, đúng với tình hình thực tiễn trên từng địa bàn. Phát động các phong trào thi đua trong thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm
Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng ngừa xã hội, nhất là biện pháp vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, gắn công tác phòng, chống tội phạm với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với địa bàn nông thôn. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục cá biệt đối tượng thường xuyên vi phạm và có nguy cơ vi phạm pháp luật, nhất là số đặc xá, chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái tội phạm, củng cố nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”.
Tổ chức tuần tra trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự ở địa bàn nông thôn, trang bị phương tiện và các điều kiện đảm bảo cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống tội phạm ở cơ sở. Vận động nhân dân tích cực, tự giác tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, hỗ trợ, giúp đỡ các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Song song đó, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch liên tịch, liên ngành, quy chế phối hợp hành động phòng, chống tội phạm đã ký kết giữa các ngành. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ, chuyên môn cho cán bộ thực thi pháp luật, khai thác, sử dụng có hiệu quả kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật hiện đại, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội ở địa bàn nông thôn, nhất là thực hiện quyết liệt các biện pháp quản lý cư trú, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý người nước ngoài, quản lý mạng viễn thông, internet, quản lý và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ…không để sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Công an huyện tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, tập trung vào các tuyến, địa bàn phức tạp về tội phạm, địa bàn biên giới biển, địa bàn giáp ranh giữa các huyện, địa bàn tập trung khu công nghiệp, làng nghề…Chủ động mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật nổi lên ở địa bàn nông thôn, nhất là tội phạm giết người, hiếp dâm, cố ý gây thương tích, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, ma túy, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm…Khám phá nhanh các vụ án theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội đề ra, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Lực lượng công an xã, thị trấn tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ Quốc, phù hợp với tình hình đặc điểm của địa bàn nông thôn. Giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh nông thôn, tôn giáo, không để phát sinh các địa bàn tội phạm hoạt động lộng hành, gây bức xúc dư luận xã hội.
Phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan chức năng, trách nhiệm của các ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa huyện./.