Từ năm 2011 đến cuối tháng 3 năm 2017, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nhận được 6.923 đầu sách ấn phẩm. Hầu hết sách được trang bị đa dạng về thể loại, nội dung và là những tài liệu rất bổ ích, cần thiết cho nhu cầu nghiên cứu, học tập, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương.
Hàng năm Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( hoặc giao cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) chỉ đạo tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy cơ sở đối với việc tiếp nhận, khai thác, bảo quản, sử dụng các ấn phẩm được cấp phát. Hầu hết các địa phương đều có lập sổ quản lý theo dõi sách được trang bị cho xã, phường, thị trấn; định kỳ kiểm tra, hướng dẫn, đề xuất, từng bước đưa việc sử dụng, quản lý sách tại địa phương ngày càng phát huy hiệu quả. Việc phân công cán bộ quản lý tủ sách được cấp ủy quan tâm, đa số cán bộ phụ trách là cán bộ tuyên giáo, cán bộ văn phòng Đảng ủy, công chức văn hóa- thông tin…kiêm nhiệm quản lý tủ sách.Tùy theo điều kiện thực tế cụ thể của từng địa phương việc bố trí đặt các tủ sách tại văn phòng đảng ủy, văn phòng Ủy ban nhân dân, Nhà văn hóa, hoặc gộp chung với tủ sách pháp luật của xã.
Các ấn phẩm được trang bị có nội dung phong phú, thiết thực, hình thức trình bày đẹp; các đầu sách phổ biến pháp luật phục vụ kịp thời cho việc giải quyết những vấn đề đang bức xúc, thường xảy ra ở cơ sở như: quản lý đất đai, quản lý dự án đầu tư cấp xã; tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; cẩm nang, hướng dẫn nghiệp vụ, phục vụ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phục vụ công tác xây dựng Đảng, chính quyền…
Trong điều kiện nguồn kinh phí các xã, phường, thị trấn dành cho việc trang bị sách, báo, tài liệu phục vụ công tác chuyên môn còn hạn hẹp, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, việc triển khai trang bị sách của Đề án đã góp phần giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở khắc phục tình trạng thiếu hụt kiến thức, hạn chế kỹ năng trong công tác chuyên môn, nhận thức về lý luận chính trị, pháp luật, văn hóa- xã hội; ứng dụng khoa học – kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Công tác phối hợp tuyên truyền, phát động phong trào “ Toàn dân đọc sách” trong hệ thống chính trị giữa Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể với ngành văn hóa- thông tin và các cơ quan báo, đài được thực hiện tốt, trong đó tuyên truyền, phổ biến giới thiệu sách đến với người đọc bằng nhiều hình thức phong phú như: tuyên truyền, giới thiệu qua hệ thống truyền thanh cơ sở; qua các cuộc họp chi bộ, đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; qua đội ngũ cán bộ văn hoá, thông tin ở xã, phường, thị trấn. Nội dung mà đọc giả cán bộ, đảng viên và nhân dân có nhu cầu tìm đọc và khai thác một số loại sách như: tìm hiểu về nhà nước và pháp luật; về công tác xây dựng Đảng, sách chính trị, tư tưởng; sách về các thủ tục hành chính; sách về kinh nghiệm thành công trong phát triển kinh tế bằng trồng trọt, chăn nuôi,…đã góp phần trang bị kiến thức cơ bản, toàn diện cho cán bộ lãnh đạo quản lý, đảng viên, đoàn viên, hội viên cơ sở.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai Đề án còn vướng một số hạn chế, khuyết điểm như: trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện còn hạn chế, nhiều địa phương chưa nhận thức đầy đủ về chủ trương, mục đích, yêu cầu của Đề án; vẫn còn thiếu các đề tài sách về hướng dẫn công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi...; hầu hết các xã, phường, thị trấn chưa có phòng đọc riêng; thiếu thiết bị phục vụ người đọc; số lượng sách của Đề án còn ít. Một số đơn vị chưa quan tâm đến công tác bảo quản ấn phẩm, các đầu sách chưa được trưng bày vào tủ sách theo quy định, chưa phổ biến rộng rãi, có nơi để sách bị thất lạc và nhất là chưa tạo được thói quen đọc sách, tìm hiểu thông tin từ sách, báo; sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ ( mạng Internet) đã ảnh hưởng không ít đến hiệu quả khai thác, sử dụng các ấn phẩm của Đề án.
Trong thời gian tới, để khắc phục và phát huy hiệu quả hơn nữa hoạt động Đề án, các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan triển khai Đề án; quan tâm sắp xếp, chỉ đạo đầu tư xây dựng, tu bổ các nhà văn hóa, thư viện, tủ sách, bố trí phòng đọc riêng ở xã, phường, thị trấn; cần trang bị thêm các loại sách về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa- xã hội văn học – nghệ thuật; các cấp, các ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giới thiệu về mục đích, ý nghĩa của Đề án và những nội dung sách của Đề án; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ đối với cán bộ phụ trách được phân công theo dõi, quản lý sách ở địa phương.