Site banner

Thời tiết cực đoan ở đồng bằng sông Cửu Long đâu là giải pháp ứng phó, thích nghi

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vựa lúa lớn nhất của cả nước, hàng năm cung ứng từ 60 đến 80% sản lượng cũng như giá trị kim ngạch xuất khẩu về lương thực, thực phẩm đa chủng loại. Ngày nay, kinh tế của vùng tăng trưởng khá tốt, cơ sở hạ tầ ng ngày một hoàn thiện, môi trường kinh doanh năng động, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội nước nhà. Tuy vậy, vùng đất vốn trù phú nầy vẫn chưa thật sự là điểm đến hấp dẫn để các nhà đầu tư dốc lòng khai phá. Những năm gần đây, tình trạng cực đoan, phức tạp của biến đổi khí hậu đã tác động không ít đến những tấm tình hào phóng, đầy nghĩa khí của đất phương Nam. Hạn mặn và sạt lở đang là nỗi lo canh cánh của bà con đồng bằng sông Cửu Long. Nước biển lấn sâu liên tiếp mấy năm gần đây làm cho vựa lúa miền Nam giờ như cái phểu hình chữ V chứa đầy phèn, mặn, càng về phía ven biển, hình thù của mặn càng thêm chát đắng. Và tình trạng sạt lỡ, sụt lún cũng đang có dấu hiệu nối đuôi theo.

PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ỨNG PHÓ, THÍCH NGHI?

Nhìn lên tấm bản đồ diễn biến của biến đổi khí hậu, do tổ chức AMD ấn hành để loan truyền, khuyến cáo, người ta không khỏi lo ngại sự lấn át táo tợn của nước biển dâng cao, trong khi ở phía thượng nguồn thì nhiều vùng phải đối mặt với cảnh đồng khô, rừng cháy. Rõ là châu thổ “đồng bằng Hậu Giang, Tiền Giang làm chơi ăn thiệt”, giờ chỉ còn trong ký ức, và “Tháng Giêng là tháng ăn chơi…” đã vĩnh viễn lùi xa!

Bến Tre bốn bề sông nước

Một số chuyên gia đầu ngành khu vực cho rằng, thực trạng của thời tiết cực đoan hạn mặn, sạt lở và sụt lún hoành hành ngày một nhiều hơn còn do công tác quy hoạch nặng tính áp đặt, chủ quan. Đó là thực tế của hàng trăm ngàn hecta đất bị quy hoạch buộc phải “ngọt hóa” trong khi từ bao đời nay quen sống đan - xen với ngọt - mặn (giống như sống chung với lũ của phần lớn người dân Đồng Tháp Mười). Do ở cuối nguồn sông Mê Kông ít nước ngọt nên nước mặn tràn vô sâu vẫn là chủ yếu. Điều nầy dễ thấy nhất là hiện tượng El Nino vừa diễn ra năm 2015 - 2016. Có thể thấy, ĐBSCL đã lúng túng và không ít vất vả khi đối mặt với hạn mặn. Toàn tuyến duyên hải phía Đông từ Bến Tre, Trà Vinh đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau còn lắm thụ động và chưa có chút gì chuyên nghiệp trong các bước chế ngự, thích ứng với thiên tai; thậm chí phải giật mình tại một số điểm sạt lở có đông dân cư, chợ búa phía Tây Nam…

Dù gần đây ĐBSCL có nỗ lực đưa nước ngọt về cho vùng mặn bằng nhiều cách thức có thể nhưng không thấm tháp vào đâu. Vì bởi, việc ngăn mặn trữ ngọt là rất tốn kém, là cả một chương trình mục tiêu quốc gia, vùng miền. Nước tưới cho trồng trọt còn chưa được gì, nói chi đến nước sinh hoạt và ăn uống. Ô nhiễm môi trường nước lan tràn, có nơi đang báo động đỏ! Đó là chất lượng nước ngọt hết sức kém cỏi, trong khi đang kéo theo nguy cơ sụt lún sạt lở do nạn khai thác cát lấp tràn lan; hoặc có nơi người dân lén phá vỡ “quy hoạch ngọt hóa” để trở về khai thác nguồn thủy sản “mặn” tự nhiên, vốn có từ trước (chủ yếu là nuôi tôm biển).

Cái “hồ chứa nước ngọt” khá quy mô (tức cống đập Ba Lai - Công trình ngọt hóa Bắc Bến Tre) vẫn còn đang trong cơn “khát nước ngọt”, vì nhiều năm tháng chưa được xây dựng đồng bộ (bị ngưng cấp vốn) để hoàn tất, đưa vào sử dụng. Thật ra công trình thủy lợi huyết mạch nầy giải quyết cũng chưa được bao nhiêu nước ngọt cho phần lớn ruộng vườn bị xâm nhập mặn ngày càng sâu của tỉnh xứ dừa. Lâu dài và khả thi hơn vẫn có thể là thích ứng với hạn mặn càng nhiều càng tốt. Ở xứ sở chằng chịt sông ngòi, Bến Tre chú trọng giảm thiểu tình trạng sụt lún, sạt lở (do biến đổi dòng chảy) bằng tăng  nhanh  khai thác thủy sản và cây ăn trái cao cấp đồng thời “tính đúng, tính đủ” lại tiềm lực cây dừa truyền thống của riêng mình cũng như các tỉnh quanh vùng phải tính lại “chiến lược” của cây lúa vốn là thế mạnh từ lâu.

Sạt lở còn lại ngôi nhà trơ khung bên bờ biển

“Có lẽ không nên nghĩ nhiều về biện pháp ngăn mặn và ngọt hóa đối với các vùng mặn hiện nay, mà hãy tập trung dồn sức cho một vụ lúa ăn chắc, đạt năng suất sản lượng cao trong mùa mưa; khoảng thời gian còn lại ngay sau đó (tháng 10 đến tháng 3, 4 năm sau) chuyển sang nuôi thủy sản đặc biệt là con tôm…” Ý tưởng nầy của GS-TS Võ Tòng Xuân được nhiều nhà khoa học hoan nghênh, nhiều tỉnh ĐBSCL nghiên cứu, vận dụng. Những nhà nông học tên tuổi còn cho rằng tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn đã đồng hành, đã giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua, cá một cách hài hòa thiên nhiên, sát hợp hoàn cảnh thực tế của các tỉnh duyên hải miền Tây Nam bộ. ĐBSCL đã đến lúc phải thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp, bởi vì an ninh lương thực trong vùng (và của các nước) nay đã đảm bảo, và đảm bảo bền vững từ hơn 10 năm qua. Và, lượng lúa gạo còn dư thừa hàng năm tại đây giá rất rẻ, người nông dân dãi nắng dầm mưa, quanh năm vật lộn với bao khó nhọc vẫn còn giữ mức sống nghèo thiếu. Cần phải nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho thật thích hợp. Phải làm gì khi giá lúa ngày càng sụt giảm, ế ẩm, trong khi nuôi tôm, thu nhập tăng gấp bốn năm lần hơn? Phải thấy rằng, ĐBSCL đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của mình là đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước, bây giờ lịch sử sang trang mới, hãy tiếp tục vì cả nước, cùng cả nước tạo bước phát triển vượt bậc, bền vững và phồn vinh.

TẠO BƯỚC CHUYỂN LỚN VỀ THỦY SẢN  “CÔNG NGHỆ CAO”

Hay nói một cách nôm na là ĐBSCL phải công nghệ cao, công nghiệp hóa mũi nhọn thủy sản một cách tập trung trong suốt hành trình thực hiện nhiệm vụ trung tâm là công nghiệp hóa - hiện đại hóa trước mắt cho đến lâu dài về sau. ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, đã xuất sắc hoàn thành trọng trách về đảm bảo an ninh lương thực; nhưng với vai trò là vùng trọng điểm của thủy sản, trái cây và nhiều nông sản đặc trưng thì chưa thật tỏ rõ. Dù kinh tế miền Tây Nam Bộ tăng trưởng khá tốt; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, môi trường kinh doanh năng động; nguồn lao động dồi dào, song miền châu thổ vốn đa dạng tiềm năng có một không hai nầy vẫn chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư, chưa là điểm đến đang réo gọi, thôi thúc giới kinh doanh, làm ăn.

Thủy sản là nguồn lợi có giá trị lớn nhất ở ĐBSCL từ bao đời nay, với lần lượt là Cà Mau đứng đầu, rồi Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh… Dù còn đói vốn, nhiều tỉnh duyên hải đã rất cố gắng chuyển sang nuôi bán công nghiệp và công nghiệp với các nguồn giống được tuyển chọn từ công nghệ sinh học hiện đại. Hiện các dây chuyền chuyển giao kỹ thuật mới nhất đang được đưa đến tay nông dân các vùng trọng điểm thâm canh tôm, cua, cá… Từ lâu “Vựa lúa ĐBSCL” đã xuất hiện những vựa lúa, vựa cây trái nổi tiếng, cung cấp vô số giống lúa và cây trái mới mẻ, đảm bảo đủ ba cái ngon, nhưng trên lĩnh vực thủy sản thì chưa! Thiết tưởng, phải có những phát minh, những địa chỉ danh giá đáp ứng sớm cho nhu cầu ngày càng lớn về giống các loại cho khu vực vốn rất năng động nầy.

Việc liên doanh liên kết vùng lãnh thổ cũng như trong mối quan hệ làm ăn giữa những tổ chức, cá nhân cần phải được soi rọi lại nhiều phía. Đặc biệt là mối liên kết giữa 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà băng - ngân hàng, nhà doanh nghiệp), để ĐBSCL thực hiện được suông sẻ, không phải vướng mắc gì trong vấn đề nguồn vốn, giống mới, đầu ra cho sản phẩm bà con nông dân làm ra… Thực hiện trôi chảy những liên kết, liên doanh còn có ý nghĩa thiết thực là tăng vốn đầu tư trên các lĩnh vực, trong đó có những trở ngại lớn về cơ sở hạ tầng và điều kiện xã hội yếu kém cũng được lưu tâm, hỗ trợ. Có thể thấy rằng, vừa qua tỉ trọng công nghiệp trong tổng thu nhập quốc dân ở các tỉnh ĐBSCL còn khá thấp (chỉ khoảng trên dưới 30%). Mặt khác, trong quá trình tạo bước chuyển lớn về thủy sản công nghiệp cao, ĐBSCL còn phải lưu tâm khắc phục gánh nặng về chất lượng giáo dục (còn thua sút nhiều vùng miền), đồng thời là các tệ nạn xã hội vẫn còn râm ran xảy ra.

Đê bao cồn Nhàn bị sạt lở (Châu Thành)

Khắc chế hạn mặn và biến đổi khí hậu cực đoan ở ĐBSCL, thiết nghĩ phải hoạch định ngay một chiến lược đổi mới trong ứng phó, thích nghi một cách chuyên nghiệp và lâu dài. Chuyên nghiệp có nghĩa là sự chuẩn bị đầy đủ về các phương tiện, các quy trình ứng phó và phòng bị một cách khoa học, chặt chẽ, bền vững đối với tưới, tiêu nước, các hiện tượng triều cường, lốc xoáy, hạn mặn, sụt lún, sạt lở… là quy hoạch mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi một cách sát hợp với tất cả đều cơ giới hóa và hiện đại. Hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở ĐBSCL tiếp tục mời gọi sự đầu tư, hỗ trợ của cả nước về nhiều nguồn để vựa lúa lớn nhất nước đảm nhiệm thêm một sứ mệnh góp phần hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa đưa đất nước đến phồn vinh, giàu mạnh.

H.T.V

“Lún và sạt lở đang thách thức nghiêm trọng vùng ĐBSCL, nếu không áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp việc khai thác nước ngầm và chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp thích ứng sẽ hứng lấy hậu quả khôn lường. Ngoài việc dừng ngay khai thác nước ngầm, ĐBSCL nên chuyển sản xuất nông nghiệp sang công nghệ, kỹ thuật cao như các nước tiên tiến trên thế giới. Đối với vùng ven biển nên chuyển đổi sang canh tác nước mặn - lợ đan xen để giảm phụ thuộc vào nước ngọt. Cần phải hết sức cẩn thận với biện pháp công trình, bởi nó rất tốn kém nhưng nếu phát hiện sai lầm thì phá bỏ cũng không hề dễ dàng”. 

(Ông NGUYỄN HỮU THIỆN - Chuyên gia sinh thái và biến đổi khí hậu)

 

Với ĐBSCL, tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn chặn, không còn hợp thời nữa mà phải thích ứng, để luôn khai thác cái thuận lợi từ những bất trắc, rủi ro. Phải thấy nước mặn đã giúp nông dân vùng biển làm giàu với tôm, cá … bền vững, hài hòa với thiên nhiên. Không nên nghĩ tới biện pháp ngăn mặn và ngọt hóa một cách cứng nhắc đối với các vùng mặn hiện nay”

(GS - TS VÕ TÒNG XUÂN)