Thời tiết giá rét đợt Tết vừa qua làm cho bà con diêm dân ở 2 huyện ven biển là Ba Tri, Bình Đại gặp rất nhiều khó khăn. Cho đến thời điểm này, hầu hết bà con mới chỉ thu hoạch những mẻ muối đầu tiên, trong khi những năm trước, chưa Tết, bà con đã có muối để bán.
"Điệp khúc" trễ mùa
10 công muối của anh Đặng Văn Cường (33 tuổi, ấp Tân Thành, xã Tân Thủy, Ba Tri) cho đến thời điểm này, sau hơn 2 tháng rưỡi phơi lưng ngoài ruộng, anh chỉ thu được 40 giạ muối nhuyễn, và anh đang cho vào chòi dự trữ, bởi số lượng ít nên thương lái chưa đến. Nguyên nhân chính là do thời tiết quá lạnh trong dịp Tết cổ truyền. "Năm ngoái, thời điểm này là tôi đã có trên 100 giạ muối rồi. Sau Tết, tuy trời nắng gắt nhưng chân nước vẫn còn lạnh nên muối rất khó đông, hạt nhuyễn nên năng suất rất thấp. "Gia đình nghèo có 4 công thôi, nhưng phải lo cho vợ và 2 con nhỏ nên phải thuê thêm để làm, vốn liếng (chưa kể đến công) trong hơn 2 tháng qua đã 13 triệu đồng rồi, bây giờ bán ra biết được 3 triệu đồng hay không" - anh Cường than vãn.
Diêm dân Nguyễn Văn Đạo (ấp 6, xã Bảo Thạnh, Ba Tri) rất cần cù trên ruộng muối của mình.
Trên những cánh đồng ở Bảo Thạnh, chúng tôi thấy có nhiều ruộng muối chỉ trong giai đoạn cán nền hoặc sang nước. Có nhiều ruộng muối bỏ trống, rong rêu đóng trên mặt ruộng. "8 công muối của tôi đến nay cũng chưa được 50 giạ, năm ngoái thì cả 200 giạ rồi. Bởi tôi cố làm suốt, chứ nhiều diêm dân thấy trời rét nên chờ hoặc bỏ ruộng luôn" - diêm dân Nguyễn Văn Đạo (ấp 6, Bảo Thạnh) nói.
Bên kia sông Ba Lai, diêm dân ở huyện Bình Đại cũng chịu chung số phận. "12 công muối mà giờ chỉ mới có được khoảng hơn 30 giạ, chứ năm ngoái đã hơn 200 giạ lúc này rồi. Muối vốn đã thất từ hơn 10 năm qua, nay thất thêm chút xíu nữa cũng chẳng ăn thua gì" - diêm dân Ngô Thanh Nhàn (60 tuổi, ấp Phước Lợi, xã Thạnh Phước) người có thâm niên 40 năm làm muối, buồn bã nói. Và cũng theo ông Nhàn, Tết lạnh quá, cận Tết lại có sương mù, mưa trái mùa… thường thì diêm dân ra đồng khoảng 2 tháng rưỡi là có muối, còn vụ này đã hơn 3 tháng nhưng mới vừa có muối cách đây khoảng 6 ngày. Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, cán bộ kinh tế - kế hoạch xã Thạnh Phước cho biết, năm 2014 diện tích muối của xã giảm 23ha chỉ còn 314ha được diêm dân canh tác.
Những mẻ đầu tiên tại Thạnh Phước (Bình Đại).
Ông Khổng Minh Tặng - Chánh văn phòng UBND xã Bảo Thuận nói: "Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết lạnh nên diêm dân phải mất hơn nửa tháng so với các năm khác mới có muối. Hiện tại, hầu hết các ruộng nếu so với cùng kỳ cũng chưa ai đạt tới 50%. Nếu thời tiết diễn biến tốt, nắng gắt và thông gió như lúc này thì có thể năng suất cũng không giảm nhiều so với năm rồi. Thường thì đầu vụ trước Tết, muối có giá khá cao so với giữa vụ, nhưng diêm dân lại không có muối bán. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến thu nhập năm nay của bà con.
Có muối bán lại "kẹt"
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán muối ở mỗi chỗ trong cùng xã vẫn khác nhau. Điều phấn khởi là hiện tại thương lái mua muối với giá khá cao. Muối nhuyễn (phèn) lường thùng không phả ngọn có giá từ 75-85 ngàn đồng/giạ, từ 50-55 ngàn đồng/giạ đong gạt ngọn là giá muối đen thô. "Giá muối như vậy trong đầu vụ là cao hơn năm rồi. Thường thì giữa và cuối vụ, muối sẽ sụt giá, do các đại lí thu mua đã đủ và lượng muối nhiều, vì thế bà con nếu thu được muối mà có giá cũng nên bán kịp thời" - ông Khổng Minh Tặng khuyến cáo.
Ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri nhận định: Có không ít hộ do khó khăn mà phải chấp nhận bán đổ bán tháo cho thương lái để lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhưng những nhu cầu đó nếu đầu vụ, được muối nhiều, giá cao thì đã đủ tích lũy cho những tháng tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, nếu diêm dân biết thương lái ép giá thì có thể trữ lại chờ, vì thường cuối vụ sẽ tăng giá trở lại. Việc trữ muối trong chòi sẽ bị thất thoát, do muối tan rất nhiều; khó khăn khác là muối có nhiều tạp chất nên chủ yếu sử dụng làm muối thủy sản, đông lạnh, còn khi xuất bán thì giá rất thấp nếu so với muối miền Trung… Vì vậy, nếu chúng ta có nguồn thu mua muối ổn định, có thỏa thuận hẳn hoi thì diêm dân sẽ rất yên tâm bám ruộng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng "Tổ hợp tác sản xuất diêm nghiệp" để hỗ trợ tích cực cho bà con trong việc nâng cao chất lượng muối thô như tìm giải pháp hỗ trợ vốn để diêm dân làm muối phủ bạt và nếu cần thiết sẽ sơ chế trước khi bán… Qua đó, đời sống bà con sẽ được ổn định hơn, muối Ba Tri sẽ có thương hiệu mạnh trên thị trường.
12 hộ dân trên ruộng muối thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thủy đang gặp khó khăn rất nhiều, bởi không chỉ bị ảnh hưởng thời tiết lạnh mà còn bị gián đoạn nước dẫn vào ruộng. Cánh đồng muối khoảng 6ha này đang thiếu nước mặn, bởi đoạn đường (lộ cập kênh đào mới) đang thi công qua đây đã chắn hết nước từ kênh Cái Tắc - nguồn nước mặn duy nhất tại đây. "Việc thi công đoạn đường ngang kênh Cái Tắc mà không thông nước qua ruộng làm chúng tôi hết sức bức xúc - diêm dân Đặng Văn Cường đại diện cho 12 hộ làm muối nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thủy cho biết: "Theo thiết kế thi công thì có chừa cống thông qua đường nhưng đơn vị thi công chậm thông cống nên mới dẫn đến tình trạng trên. Xã đã kiến nghị với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về vấn đề này và sẽ có cuộc tiếp xúc để giải quyết theo kiến nghị của bà con".
Bài, ảnh: Mã Phương
Nguồn: baodongkhoi.com.vn