Site banner

Quy định đối với người, tàu thuyền Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển

Khu vực biên giới biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính các xã, phường, thị trấn giáp biển và đảo, quần đảo. Tỉnh Bến Tre có có 9 xã thuộc khu vực biên giới biển như: xã Bình Thắng, xã Thừa Đức, xã Thới Thuận của huyện Bình Đại; xã Bảo Thạnh, xã Bảo Thuận, xã Tân Thủy, xã An Thủy của huyện Ba Tri; xã Thạnh Hải, xã Thạnh Phong của Huyện Thạnh Phú.

Các hoạt động bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển và một số quy định đối với người, tàu thuyền của Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 34 của Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển nghiêm cấm các hoạt động sau đây trong khu vực biên giới biển:

- Quay phim, chụp ảnh, vẽ cảnh vật, ghi băng hình hoặc đĩa hình, thu phát vô tuyến điện ở khu vực có biển cấm;

- Neo đậu tàu thuyền không đúng nơi quy định hoặc làm cản trở giao thông đường thủy;

- Khai thác hải sản, săn bắn trái với quy định của pháp luật;

- Tổ chức, chứa chấp, dẫn đường, chuyên chở người xuất, nhập cảnh trái phép;

- Đưa người, hàng hoá lên tàu thuyền hoặc từ tàu thuyền xuống trái phép;

- Phóng lên các phương tiện bay, hạ xuống các tàu thuyền, vật thể khác trái với quy định của pháp luật Việt Nam;

- Mua bán, trao đổi, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, hàng hoá, vật phẩm, ngoại hối;

- Khai thác, trục vớt tài sản, đồ vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;

- Bám, buộc tàu thuyền vào các phao tiêu hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của các công trình thiết bị trong khu vực biên giới biển;

- Thải bỏ các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường;

- Các hoạt động khác vi phạm pháp lụât Việt Nam.

Thứ hai, căn cứ quy định tại Điều 10 của Nghị định 161/2003/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển thì người, tàu thuyền của Việt Nam hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ sau:

Đối với người:

- Giấy tờ tuỳ thân do cơ quan có thẩm quyền cấp (chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ do công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú cấp);

- Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, sổ thuyền viên theo quy định của pháp luật;

- Giấy phép sử dụng vũ khí (nếu có);

Đối với tàu thuyền:

- Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;

- Giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật theo quy định;

- Biển số đăng ký theo quy định;

- Sổ danh bạ thuyền viên;

- Giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện;

- Giấy tờ liên quan đến hàng hoá trên tàu thuyền.

Ngoài các loại giấy tờ quy định nêu trên, người, tàu thuyền hoạt động trong khu vực biên giới biển phải có các giấy tờ khác liên quan đến lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc diễn tập quân sự, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn, tổ chức bắn đạn thật hoặc sử dụng vật liệu nổ trong khu vực biên giới biển thực hiện theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thông báo cho đối tượng liên quan biết, đồng thời thông báo cho Uỷ ban nhân dân và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh sở tại, Cục Hàng hải Việt Nam biết ít nhất 05 ngày trước khi tiến hành.

Người, tàu thuyền làm nhiệm vụ thăm dò, nghiên cứu khoa học, khảo sát về địa chất, khoáng sản trong khu vực biên giới biển, ngoài các giấy tờ quy định tại Điều 10 của Nghị định 161/2003/NĐ-CP phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền, phải thông báo cho Uỷ ban nhân dân và Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh nơi có biên giới biển biết ít nhất 02 ngày trước khi thực hiện nhiệm vụ.

                   Theo sotuphap.bentre.gov.vn