Cây bần
Hiện, tỉnh đã đưa vào quy hoạch 8.840ha đất rừng ngập mặn, trong đó, đất có rừng khoảng 4.368ha, tập trung tại các xã ven biển của 03 huyện: Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại chủ yếu với loài cây là bần, mắm (đa phần là rừng trồng) có giá trị kinh tế thấp nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc chắn gió, chắn sóng, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ bờ biển, bảo vệ môi trường, nhất là bảo vệ an toàn đời sống dân cư phía bên trong rừng.
Tuy diện tích rừng trên địa bàn tỉnh hàng năm có tăng nhưng không nhiều. Rừng trồng, rừng tự nhiên có năng suất và chất lượng thấp, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân do quy hoạch bảo vệ, phát triển rừng chưa sát thực tế. Diện tích đất quy hoạch trồng, phát triển rừng của tỉnh chủ yếu là các bãi bồi ven biển. Do tác động của sóng biển, dòng chảy làm hạn chế sự bồi tụ của đất hoặc gây xói lở nên không thể trồng rừng được. Mặt khác, xói lở còn gây thiệt hại, giảm diện tích rừng hiện có của tỉnh. Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong vòng 10 năm (2011 - 2020), xâm thực bờ biển tại tỉnh làm thiệt hại 260ha rừng ngập mặn.
Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: nhằm để khuyến khích người dân tham gia trồng, quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển sản xuất, tỉnh đã thực hiện giao khoán cho 520 tổ chức, cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ, với tổng diện tích là 3.364ha. Theo chính sách này, người dân địa phương sẽ được trả chi phí bảo vệ rừng và được hưởng toàn bộ thành quả nuôi trồng thủy sản kết hợp dưới tán rừng trên diện tích được giao khoán và sản phẩm tỉa thưa, khai thác khi rừng đến tuổi./.
Tin, ảnh: Phòng TTBCXB