Hiện giá nước ngọt phục vụ sinh hoạt ở một số xã ven biển trên 50.000 đồng/m3. Cái nắng cứ như "chọi lửa" vào người, ngột ngạt vô cùng! Tình trạng này đã khiến cuộc sống người dân ở một số xã ven biển trở nên "rít rắm" hơn bao giờ hết, bởi việc tắm giặt phải dè xẻn từng giọt nước. Tiền mua nước sinh hoạt gấp nhiều lần tiền mua gạo… cuộc sống bà con gặp rất nhiều khó khăn!
"Thắt lưng buộc bụng" với nước ngọt sinh hoạt
Nhìn vợ anh Nguyễn Văn Tuyền (ấp Thới An, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại) phải rỉ từng ca nước vào cái thau khá lớn để rửa rau, chúng tôi hiểu ngay thực trạng khan hiếm nước ngọt sinh hoạt ở đây đã lên đến đỉnh điểm. Chị cho biết phải tiết kiệm, bởi nhà có 5 miệng ăn mà chỉ có chồng chị đi cào (biển) bằng chiếc ghe nhỏ ven bờ, ngày được ngày lỗ tiền dầu, ngoài ra gia đình không còn nguồn thu nhập nào khác. "Nhưng nhín nhút cỡ nào 80.000 tiền nước (khoảng 1,5m3) cũng chỉ sử dụng khoảng trên 5 ngày là hết sạch" - anh Tuyền cho biết. Liền vách với nhà anh Tuyền là hộ anh Nguyễn Văn Tân, nhà cũng 5 nhân khẩu mà có đến 3 người phụ thuộc. Trong khi anh và người em trai là trụ cột gia đình chỉ với nghề lao động phổ thông. "Mà anh cũng thấy rồi đó, cái xứ này toàn làm nghề biển, muối, nuôi tôm… nên làm thuê cho người ta khi về đến nhà là mình mẩy dơ hầy! Không tắm cho sạch sẽ thì sao mà ăn ngủ... Cả tháng, hai anh em mần được khoảng 4 triệu đồng thì tiền mua nước sinh hoạt tính sơ sơ cũng hơn 500.000 đồng rồi. Cứ đến mùa nắng là cả nhà… hoang mang vì nước ngọt".
Đến căn nhà nhỏ nằm trơ trọi trên bờ vuông tôm của bà Bùi Thị Bé Tư (ấp 1, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú), giữa lúc trời đứng bóng, im gió, nghe bà than: "Phải giặt đồ bằng nước mặn trước, sau đó mới xả lại bằng nước mua và tắm rửa cũng vậy. Hai đứa cháu nội còn quá nhỏ mà nắng quá dữ nên đòi tắm hoài. Xối nước cho chúng mà… xót cả ruột!.
Mẹ anh Nguyễn Văn Tuyền (Thới Thuận - Bình Đại) phải rất tiết kiệm khi uống nước lu.
Được tiền cũng khó được nước ngọt!
Hầu hết trong địa bàn các xã ven biển đều có rất ít mạch nước ngầm có thể sử dụng được, phần lớn là nước phèn mặn nên việc mua nước tuy tốn kém nhưng cũng chỉ phục vụ được trong việc sinh hoạt, chăn nuôi gia súc, ngoài ra vẫn sử dụng nước mưa dự trữ trong các lu, kiệu để uống. Và nhiều hộ dân đã dở khóc dở cười, khi cố gắng khoan cây nước (giếng nước khoan) tốn hàng triệu đồng mà vẫn không sử dụng được. "Nhà nghèo, đông con nên mấy đứa nó tìm lên TP. Hồ Chí Minh làm mướn. Lúc rảnh về quê chơi vài ngày mà gặp mùa khô là chúng nó rên dữ lắm, rồi thu xếp đi ngay để vợ chồng già thui thủi ở nhà. Vừa rồi, mấy đứa nó thấy thiếu nước ngọt, khó khăn quá nên mỗi đứa hùn một ít tiền, khoan cho tôi cây nước. Nhưng niềm phấn khởi ấy kết thúc rất nhanh sau khi bơm lên lu đầu tiên, vì nước phèn vàng khè, lại tanh ói, lóng phèn chua mãi cũng không cải thiện xíu nào, đành chịu!" - bà Hai Nết (ấp Giang Hà, xã An Điền, huyện Thạnh Phú) ngao ngán nói.
Những lu nước rất dễ gặp ở các vùng ven biển mùa này
Khổ sở nhất là những hộ cách xa đường lớn, xe lôi kéo Hoa Lâm không vào đến được; hay những hộ sống ở vuông tôm mà trong các xẻo nhỏ, ghe lớn chở nước không vào được. Anh Hồ Văn Phương, người chở nước ngọt bằng xe lôi Hoa Lâm (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú) lý giải: "Những nhà mà xe không vào được là khó khăn đủ thứ, lấy tiền tăng lên do đường ống bơm vào xa là coi không được, mà nhiều nhà xa quá thì ống cũng "bó tay". Nên nhiều khi người ta gọi mình cũng "kẹt" lắm! Mà chở thì rất mất thời gian bởi thùng xe đâu có dễ dàng lấy nước ra nếu không sử dụng ống bơm bằng mô-tơ. Trong khi cùng lúc luôn có đến cả chục người ráo riết hối…".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước ngọt phục vụ sinh hoạt này đa phần lấy ở các cây giếng nước khoan ở xung quanh địa bàn, khu vực có mạch nước ngầm, về chất lượng cũng như sự an toàn khi sử dụng là không đảm bảo. Hiện địa bàn huyện Thạnh Phú còn các xã: An Thuận, An Nhơn, An Qui, An Điền, Giao Thạnh, Thạnh Phong, Thạnh Hải… sử dụng nước ngầm và cân đối với nhau giữa các khu vực với giá đắt đỏ trên 50.000 đồng/m3.
Giải pháp… còn chưa hiện thực
Địa bàn xã Thới Thuận (Bình Đại) hiện có khoảng 4km đường ống của Nhà máy nước Ba Lai đi qua, nhưng mục đích sử dụng của hệ thống ống nước này là phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản, nên dù là nước thô nhưng cũng chưa có chương trình chính thức để sử dụng được lượng nước này phục vụ sinh hoạt. Và dù rằng ống đã đi qua địa bàn xã khá dài nhưng chỉ đi qua khu dân cư khoảng hơn 1km và chỉ phục vụ cho khoảng trên 100 hộ - tỷ lệ quá thấp so với tổng số gần 2.500 hộ. Ông Lê Minh Hùng - Chủ tịch UBND xã Thới Thuận nêu giải pháp: Hiện, vấn đề nước ngọt vào mùa khô được UBND xã hết sức quan tâm, tìm cách tháo gỡ và đã xác định 2 phương án. Một là, sẽ tận dụng lượng nước từ ống của Nhà máy nước Ba Lai để xử lý trong một nhà máy nước mini lọc lại lần nữa, hệ thống ống dẫn nước sẽ đến từng hộ dân, với kinh phí khoảng 1 triệu đồng/hộ cho lần tham gia đầu tiên và khoảng 10.000 đồng/m3 khi sử dụng nước. Hai là, tiếp tục kêu gọi đầu tư theo kiểu nhà máy nước độc lập. Tuy nhiên do điều kiện, vị trí địa lý ở đây không thuận lợi nên dù có chủ trương đã lâu, vẫn chưa có nhà đầu tư nào mặn mà tìm đến.
"Theo dự án là sẽ phân kỳ đầu tư mở rộng Nhà máy nước thị trấn Thạnh Phú gồm 3 giai đoạn, để giải quyết nhu cầu nước ngọt cho bà con trong huyện. Nhưng trước vấn đề quá bức xúc, chúng tôi đã thống nhất với đơn vị thi công là Công ty cung cấp nước sạch Bến Tre sẽ rút lại thành 2 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất sẽ đến địa bàn xã Giao Thạnh và giai đoạn thứ hai sẽ đến các xã còn lại".
(Ông Lâm Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú).
Bài, ảnh: MÃ PHƯƠNG
Nguồn: baodongkhoi.com.vn