Site banner

Nhịp thở bãi ngang - Bài 1: Những vùng đất gặp khó khăn

Trong phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 của Thủ tướng Chính phủ, cả nước có 311 xã thuộc 22 tỉnh, trong đó Bến Tre có 16 xã, tập trung tại 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Nhận diện bãi ngang

Bến Tre có chiều dài bờ biển 65km. Bãi ngang tại Bến Tre là những vùng đất ven biển hoặc sâu trong đất liền nhưng sông rạch cắt chẻ, bao bọc. Đây là điều kiện địa lý tự nhiên trắc trở làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, là mối âu lo của chính quyền và nhân dân sở tại.

Huyện biển Bình Đại có 2 xã thuộc vùng bãi ngang là Thừa Đức và Thạnh Trị. Trước năm 1985, đường từ thị trấn Bình Đại đi xã biển Thừa Đức nằm bên cửa sông Cửa Đại thật gian nan. Nếu đi bằng đường đò thì lúc 9-10 giờ đêm ra bến đò gần nghĩa trang Thừa Đức rồi đò chạy đến 2-3 giờ sáng mới đến thị trấn Bình Đại. Đến thị trấn Bình Đại trời còn tối thui nên phải ngồi chơi, chờ sáng mặc cho muỗi cắn. Năm 1986, lúc tan cuộc họp chiều ở huyện Bình Đại, anh Sáu Ái (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thừa Đức) và tôi quyết định lội bộ từ thị trấn Bình Đại về Thừa Đức, dài khoảng 7km. Chúng tôi qua đò ngang tại xã Bình Thắng rồi đi băng băng trên lối mòn qua những giồng cát nhấp nhô trồng dưa hấu tại ấp Thừa Mỹ mới đến nhà anh Sáu Ái tại ấp Thừa Long, cách trung tâm xã chừng 2km. Trên đường đi, anh Sáu Ái than: "Giao thông! Đường đi, nước bước trắc trở quá. Chắc phải tối mịt mình mới tới nhà…". Anh Sáu đi trước, tôi theo sau, có đoạn dài cả cây số, hai anh em không nói năng lời nào vì mệt và đói.

Qua cống đập Ba Lai (xã Tân Xuân, huyện Ba Tri) là đến ngay xã Thạnh Trị. Đường về Thạnh Trị sau khi có cống đập Ba Lai thông thoáng, nhanh nhưng ở trong ruột, đây là vùng đất trắc trở với sông rạch dọc ngang như bàn cờ, việc đi lại từ ấp này sang ấp khác, từ xã lên huyện hay lên tỉnh rất khó khăn. Việc phát triển kinh tế hiện nay dựa trên nền tảng là vùng nước ngọt hay mặn chưa rõ ràng.

Cảng cá An Thủy (Ba Tri). Ảnh: PLHH

An Đức, An Hiệp, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy và An Thủy là các xã bãi ngang của huyện Ba Tri.

Trước năm 2000, khi đến cồn Đất thuộc xã An Hiệp, tôi có viết bài: "Lớp 6 bên kia sông!". Lúc đó, sang đây, tôi đi bằng đò ngang, đò vượt sóng gió phần phật trên sông Hàm Luông. Trên cồn chưa có điện và học sinh chỉ học đến lớp 5, muốn tiếp tục học lớp 6 phải qua bên kia sông thuộc phần đất liền xã An Hiệp. Học sinh còn nhỏ quá, phải ở đậu nhà người thân bên An Hiệp để đi học, thật trăn trở trăm bề.

Từ những làng muối trắng thuộc xã biển Bảo Thạnh, muốn tìm đến những bãi nghêu thuộc xã Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy đường đi xa lắc xa lơ, vòng vèo. Trên địa bàn các xã này thiếu những con đường liên xã thuận lợi để có thể rút ngắn thời gian đi lại, đó là chưa nói đến mức sống của người dân tại đây. Dù đứng trước "biển bạc" nhưng trong rốn của vùng bãi ngang này, cái nghèo, cái khó vẫn đeo bám người dân.

Huyện Thạnh Phú có tới 8 xã thuộc vùng bãi ngang: An Qui, An Thuận, An Nhơn, An Điền, Thạnh Phong, Thạnh Hải, Mỹ An và Bình Thạnh.

Nằm cheo leo bên hạ nguồn sông Hàm Luông, năm 2000, xã mới Mỹ An được thành lập từ một phần đất thuộc xã Mỹ Hưng và An Thạnh. Sông Băng Cung ôm lấy đất Mỹ An, là đường ranh với Mỹ Hưng và An Thạnh. Trước năm 2000, khi chưa có cầu Mỹ Hưng để sang xã Mỹ An hiện nay, trên địa bàn này không có chợ và hầu như không có xe gắn máy vì… không có đường để xe đi, chỉ thấy lèo tèo vài chiếc xe đạp trên lối mòn đất long chong, lầy lội. Từ An Thạnh muốn đến Mỹ An, người ta đi men theo các bờ đê um tùm lau sậy giữa những cơn gió lộng từ sông Hàm Luông thổi vào, rát mặt.

Người dân Thạnh Phú quen gọi Giồng Ớt là xã An Thuận, Giồng Trâm là An Qui, Giồng Bãi là An Nhơn. Đây là vùng bãi ngang với 3 xã nằm liền nhau, giới hạn bởi sông Cầu Ván (sang xã Giao Thạnh), chịu ảnh hưởng nhiều từ sông nước Cổ Chiên. Từ nhiều năm qua, vùng nước lợ này khá lên là nhờ phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên, đi sâu vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân, nơi đây quả còn nhiều mối lo, phải xốc vô nhiều hơn nữa mới bắt kịp đà phát triển của các xã không thuộc bãi ngang. Với xã An Điền và xã Bình Thạnh cũng vậy, vùng đất cheo leo, đi lại trắc trở của hai xã này là đúng "tiêu chuẩn" được liệt vào danh sách bãi ngang.

Nhưng xa xôi, heo hút nhất của Bến Tre là cồn Lợi, xã Thạnh Hải (Thạnh Phú). Cồn Lợi nằm sát biển Đông, người dân sống gần như tách rời với đất liền, thiên nhiên khắc nghiệt là mối hiểm họa lớn cho người dân vào mùa mưa bão. Đó là chưa nói đến các địa danh như: cồn Dài, cồn Rừng, Bần Mít, cồn Cao… thuộc xã Thạnh Phong - nơi người dân mưu sinh theo con nước lớn, ròng bằng cái ngoéo cua hoặc chiếc xiệp.

Tiếp sức…

Ông Nguyễn Trúc Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: "Năm 2004, Bến Tre chỉ có 4 xã thuộc vùng bãi ngang  là  An Thuận, An Qui, An Nhơn, Thừa Đức nhưng hiện nay là 16 xã. Trước năm 2007, các xã bãi ngang được hỗ trợ 700 - 800 triệu đồng/năm từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các khoản hỗ trợ khác của địa phương. Hiện nay, để tiếp tục tiếp sức cho các xã thuộc vùng bãi ngang, Chính phủ đã nâng lên mức hỗ trợ 1 tỷ đồng/năm/xã".

Ông Hà Thanh Hùng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết các tiêu chí vùng bãi ngang để được hỗ trợ: là những xã có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo theo tổng điều tra năm 2010 trên 25% trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên hoặc xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 18% trở lên (theo quy định mới năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ). Xã có dưới 70% số hộ dùng nước sạch. Xã có dưới 60% số hộ dùng điện sinh hoạt an toàn... Xã thiếu (hoặc chưa đủ) từ 3/6 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu (chưa có hoặc chưa được đầu tư trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao; tỷ lệ ki-lô-mét đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa đạt chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải; tỷ lệ đường trục chính nội đồng; cơ sở vật chất trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia; trạm y tế xã chưa đạt chuẩn của Bộ Y tế; chưa có hoặc có chợ trung tâm xã đạt chuẩn của Bộ Xây dựng). Xã thiếu hoặc chưa được đầu tư phục vụ sản xuất như: bờ bao, kè, trạm bơm, đường ra cảng cá…

Theo baodongkhoi.com.vn