Năm 2014 là năm thứ 5 huyện Bình Đại thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Qua 5 năm thực hiện Đề án này, đến nay, huyện đã đạt nhiều kết quả, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn ở một vùng biển, tạo công ăn việc làm cho hộ gia đình, đặc biệt đây là "chìa khóa" giúp cho hộ nghèo cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Lớp dạy nghề đan giỏ lục bình tại xã Châu Hưng giải quyết nhiều lao động nhãn rỗi tại địa phương
Qua khảo sát hộ nghèo mỗi năm, các ngành chức năng huyện nhận định rằng phần lớn hộ nghèo rơi vào các hộ gia đình không có việc làm, tay nghề, kiến thức nghề của lao động nông thôn còn thấp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, vật nuôi chưa cao. Từ đó, nhận thấy rằng, việc đào tạo nghề là hoạt động cần thiết và trọng tâm trong công tác giảm nghèo, ổn định đời sống kinh tế của người dân nông thôn.
Vào năm 2010, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn chính thức triển khai thực hiện tại huyện. Nhận thức được tầm quan trọng về Đề án này nên UBND huyện đã đưa nội dung đào tạo nghề vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Theo đó, các ban, ngành huyện căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ mà phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác đào tạo nghề. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm trên tờ bướm, tờ rơi, hệ thống truyền thanh từ huyện đến xã, ấp và lồng ghép vào các cuộc họp tổ nhân dân tự quản, tiếp xúc cử tri…Qua công tác tuyên truyền, người dân nhận thức đúng về học nghề.
Ngoài ra, để nắm bắt nhu cầu học nghề cũng như đào tạo đúng ngành nghề theo nguyện vọng của người dân, hàng năm, huyện tiến hành khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn. Qua khảo sát, trong 5 năm qua có 4.689 người dân có nhu cầu học nghề, trong đó, nghề nông nghiệp là 2.035 người, nghề phi nông nghiệp là 2.654 người. Sau khảo sát, huyện tổ chức các lớp dạy nghề đúng theo nguyện vọng của người lao động.
Nghề bó chổi từ cọng dừa cũng góp phần giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn
5 năm qua, huyện tổ chức dạy nghề phi nông nghiệp như: thợ nê, sửa chữa máy nổ, may công nghiệp, đan nghế, dệt thảm cho 2.004 người, dạy nghề nông nghiệp như: kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt, heo, bò, dê, rau màu và cây ăn trái cho 699 người. Số lao động nông thôn có việc làm sau khi học nghề là 1.791 người, chiếm 69,45% trong tổng số lao động học nghề. Trong đó, số học viên được tuyển vào doanh nghiệp 458 người, tự tạo việc làm là 1.326 người và có 7 người thành lập tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh. Sau khi có việc làm ổn định, đa số các lao động này đều tăng thu nhập kinh tế cho gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Cụ thể, sau 5 năm thực hiện đề án này có 131 người thoát nghèo và có 226 người vươn lên phát triển kinh tế khá giả.
Điển hình như lớp may công nghiệp tại xã Thạnh Phước, sau khi bế giảng, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác may công nghiệp, giải quyết việc làm cho chi em phụ nữ nhàn rỗi tại địa phương, bình quân, mỗi ngày lao động thu nhập trên 80 ngàn đồng/ngày, số lao động còn lại đi làm việc tại khu công nghiệp Giao Long, huyện Châu Thành.
Đối với mô hình chăn nuôi, nhiều hộ dân áp dụng kỹ thuật trên lớp dạy nghề vào ngay trong mô hình chăn nuôi của mình, hiệu quả kinh tế đạt cao. Tiêu biểu như hộ ông Lê Thành Đôn, ấp Hưng Chánh, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại. Sau khi theo học lớp dạy nghề về kỹ thuật chăn nuôi các giống bò lai, anh bắt đầu thủ nghiệm nhiều giống bò lai, kết quả bò lai dễ chăm sóc, thịt nặng, giá cao, được thương lái ưa chuộng. Từ đó, lợi nhuận từ việc nuôi bò lai cao hơn 20% bò bình thường. Hiện nay, trại nuôi bò của ông Đôn đã có 22 con, trong đó, có 11 con cái giống, mỗi năm đàn bò giống này sinh sản từ khỏng 8 con bò nghé, tương đương lợi nhuận mỗi năm anh thu được trên 80 triệu đồng. Ngoài ra, anh trồng 8 công đất cỏ mật để làm thức ăn cho bò của gia đình và cung cấp thức ăn cho hộ nuôi khác. Từ việc nuôi bò giống, bò sinh sản, kinh tế gia đình của vợ chồng anh Đôn xây cất ngôi nhà khang trang, mua thêm 5 công đất vườn và nuôi 2 người con được ăn học tử tế. Hiện nay, kinh tế gia đình anh đã phát triển bền vững.
Nhìn chung, trong thời gian qua, việc thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn theo QĐ 1956 của Thủ tướng Chính Phủ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án còn vướng nhiều hạn chế, khó khăn. Trong đó, công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề ở cấp xã thực sự chưa sâu rộng, một bộ phận nhân dân còn chưa nắm bắt hết các chính sách về học nghề. Sự liên kết với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, chưa đáp ứng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn sau khi học nghề.
Theo kế hoạch thực hiện Đề án theo lộ trình từ nay đến năm 2020, huyện tập trung vào công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Nhân rộng các mô hình dạy nghề có hiệu quả trên địa bàn huyện. Tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để ký hợp đồng dạy nghề. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho Trung tâm dạy nghề huyện để nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô, liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án, giúp người nghèo có điều kiện thoát nghèo bền vững, tiến tới xây dựng xã nông thôn mới tại các địa phương trong huyện.
Tuyết Mai