Qua gần 1 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, nền sản xuất nông nghiệp ở Ba Tri từng bước thay đổi căn bản theo hướng nâng cao chất lượng, đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao giá trị tăng thêm của sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo hướng thị trường, từng bước nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn.
Trên cơ sở Đề án số 6227 ngày 18/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020", huyện Ba Tri đã xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cấp, các ngành và các địa phương. Qua triển khai, các cấp, các ngành và nhân dân nắm vững đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là nhằm tổ chức, sắp xếp lại sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao giá trị tăng trưởng và phát triển bền vững, thực hiện liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng nông thôn mới.
Để cụ thể hóa Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Ba Tri chọn 5 sản phẩm chủ lực của huyện để chỉ đạo cho các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Để thực hiện đề án mang lại hiệu quả cao, huyện phối hợp với các ngành tỉnh và Phân viện Quy hoạch Nuôi trồng thủy sản phái Nam tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng đến năm 2020. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre triển khai các quy hoạch ngành nông nghiệp về thủy lợi, chăn nuôi, thủy sản, diêm nghiệp, lâm nghiệp đến các ban ngành, đoàn thể huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn. Bên cạnh đó, huyện cũng tranh thủ các nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện tiến hành nạo vét 73 công trình thủy lợi với tổng chiều dài trên 51 km; xây dựng đê bao Gia Điền ở xã Mỹ Nhơn dài trên 600 m, kinh phí 600 triệu đồng; xây dựng công trình cơ sở hạ tầng phục nuôi thủy sản tại các xã Tân Xuân, Bảo Thuận, Tân Thủy gồm các hạng mục như xây dựng trên 4 km lộ, 2 cây cầu, 1 cống với kinh phí 18,8 tỷ đồng.
Từ đó tạo điều kiện để ngành nông nghiệp phát triển. Trên lĩnh vực trồng trọt, diện tích sản xuất lúa năm 2014 trên 37,9 ha, đạt 113,9% kế hoạch, sản lượng đạt hơn 185.700 tấn, đạt 107,3% kế hoạch. Diện tích rau màu gieo trồng trên 2.600 ha, đạt 176,6% kế hoạch, sản lượng trên 45.000 tấn, đạt 158% kế hoạch. Chăn nuôi tiếp tục phát triển, đàn bò hiện có trên 80.000 con. Đặc biệt, huyện đang xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa. Về lĩnh vực thủy sản, tổng diện tích nuôi trên 5.000 ha, có 1.599 chiếc tàu khai thác, trong đó có 1.211 chiếc đánh bắt xa bờ, sản lượng đạt trên 100.000 tấn. Huyện trồng mới 30 ha rừng ven sông Ba Lai, nâng tổng số lên trên 800 ha. Các làng nghề của huyện cũng được hỗ trợ vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp tục phát triển.
Ngoài ra, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được quan tâm. Phối hợp với dự án các bon thấp hỗ trợ kinh phí cho nhân dân xây dựng 236 hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi.
Về công tác liên kết bốn nhà, huyện đã thành lập 21 tổ hợp tác sản xuất gồm tổ nhân giống lúa, chăn nuôi bò sinh sản, bò vỗ béo, nuôi dê, trồng dừa, trồng màu. Các tổ hợp tác này bước đầu hoạt động mang lại hiệu quả. Tiếp tục duy trì 3 cánh đồng mẫu ở các xã Tân Xuân, Mỹ Nhơn, Mỹ Hòa và đang mở rộng ở các xã An Ngãi Tây, An Phú Trung.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở huyện còn gặp một số hạn chế như chưa có mô hình, dự án cụ thể về chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp bởi chưa có vốn đầu tư; giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp phụ thuộc vào thị trường cung cầu; chưa có mối liên kết bền vững với các đầu mối lớn; việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu qua nhiều thương lái trung gian
Có thể nói Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở Ba Tri trong thời gian qua đã thực hiện đi sâu vào thế mạnh, phát huy lợi thế của địa phương phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và môi trường trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Năm 2015, trên cơ sở các quy hoạch, huyện tiến hành phân vùng sản xuất thật cụ thể. Dựa vào thế mạnh của các xã về cây trồng, vật nuôi, huyện lựa chọn loại nông sản phù hợp để phát triển theo hình thức sản xuất quy mô trang trại, gia trại và tập trung khu vực liền kề để dễ tổ chức quản lý và kêu gọi đầu tư. Tiếp tục thực hiện liên kết bốn nhà một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn. Những sản phẩm dự kiến tiêu thụ là thịt bò, lúa, gạo, rau màu, dừa trái. Huyện tổ chức xây dựng các mô hình mẫu như lò giết mổ gia súc, doanh nghiệp thu mua lúa, màu, xây dựng vùng lúa sản xuất, chăn nuôi.
Với những cố gắng của huyện trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2015 và định hướng đến năm 2020, tin rằng trong những năm tới, ngành nông nghiệp ở Ba Tri tiếp tục phát triển và bền vững, qua đó góp phần quan trọng tăng trưởng kinh tế ở địa phương.
Trần Xiện