Site banner

Con dê thích nghi với biến đổi khí hậu

Tân Xuân (Ba Tri) là xã nằm ven và cuối nguồn sông Ba Lai, nơi đây dễ bị rủi ro do thiên tai và biến đổi khí hậu. Để hạn chế thiệt hại khi thiên tai và biến đổi khí hậu diễn ra, năm 2012 dự án xây dựng khả năng ứng phó phục hồi và thích nghi trước rủi ro thảm họa và khí hậu cho phụ nữ và nam giới đã thực hiện nhiều hoạt động cho người dân ở địa phương, trong đó mô hình sinh kế bước đầu mang lại kết quả thiết thực.

Đàn dê được chăm sóc, phát triển tốt

Xác định khi thiên tai và biến đổi khí hậu diễn ra, đời sống của người dân, nhất là những gia đình nghèo gặp rất nhiều khó khăn. Từ đó dự án triển khai thực hiện mô hình sinh kế ở các ấp Tân Thị, Tân An, Mỹ Quí, Tân Điểm, Tân Hòa, giao 142 con dê sinh sản cho 142 hộ với tổng kinh phí trên 650 triệu đồng.

Con dê được dự án chọn để thực hiện mô hình sinh kế vì chúng có nhiều khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Bởi thức ăn của dê chủ yếu là các loại cây, cỏ khỏi phải trồng mà có thể tìm trong tự nhiên; nước uống không đòi hỏi nhiều, chỉ cần sạch là được. Đặc biệt, chúng chịu đựng được với thời tiết mưa, nắng bất thường do biến đổi của khí hậu.

Chị Nguyễn Thị Thắm, sinh năm 1965 ở ấp Tân An là một trong những người được dự án hỗ trợ dê để nuôi. Lúc đầu, chị rất lo ngại vì không có nhiều thức ăn cho chúng do không có đất để trồng cây, cỏ; nước ngọt chưa đủ cho sinh hoạt gia đình có đâu cho chúng uống. Song qua thời gian nuôi, chị rất yên tâm vì thức ăn của chúng rất dễ tìm, từ các loại cây, cỏ mọc xung quanh nhà, vườn tạp, ngoài bờ ruộng; nước uống cũng không kén; chuồng chỉ làm đơn sơ. Chị Nguyễn Thị Thắm vui mừng cho biết: "Do thức ăn của dê chủ yếu là cây, cỏ nên tôi tìm rất dễ, chỉ cần đi cắt xung quanh nhà chứ không như con bò là phải trồng cỏ, mua rơm làm thức ăn cho chúng. Nước uống cũng rất dễ, chỉ cần nước sạch là được. Hiện nay thời tiết mưa, nắng dễ biến bất thường nhưng dê tôi nuôi vẫn đề kháng được, phát triển tốt".

Nhờ sự chăm sóc tích cực của người dân, đặc biệt là thích nghi với điều kiện của biến đổi khí hậu nên số dê nuôi đều phát triển tốt. Đến thời điểm này số dê đã sinh được 54 dê con, trị giá trên 135 triệu đồng. Trong đó có nhiều con sinh được 2 lần. Anh Trần Văn Phong, sinh năm 1976 ở ấp Tân An, một trong những người được dự án hỗ trợ dê, dê đã sinh 2 lần, mỗi lần sinh 2 con. Anh Trần Văn Phong phấn khởi cho biết: "Qua thời gian nuôi, tôi mừng lắm vì dê dễ nuôi, phát triển và sinh đẻ tốt. Tôi tiếp tục nuôi để chúng sinh đẻ nhiều, bán trang trải cho cuộc sống gia đình".

Có thể nói, con dê đã thật sự thích nghi và phát triển tốt trong điểu kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu. Điều đáng nói hơn là việc hỗ trợ dê để nuôi của dự án xây dựng khả năng ứng phó phục hồi và thích nghi trước rủi ro thảm họa và khí hậu cho phụ nữ và nam giới đã giúp người dân sinh kế để ứng phó phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu.

   Ông Trần Văn Nở, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Xuân cho biết: "Sắp tới chúng tôi tiếp tục tuyên truyền về mục đích việc hỗ trợ dê của Dự án cho người dân để nhận thức, tích cực chăm sóc dê tốt để có điều kiện thoát nghèo bền vững. Đồng thời đề nghị dự án tiếp tục hỗ trợ dê giống cho các hộ nghèo còn lại trên địa bàn xã nuôi để có điều kiện vươn lên trong cuộc sống".

Tin rằng trong thời gian tới, con dê được dự án xây dựng khả năng ứng phó phục hồi và thích nghi trước rủi ro thảm họa và khí hậu cho phụ nữ và nam giới hỗ trợ tiếp tục phát triển, qua đó vật nuôi này cùng đồng hành, giúp người dân ở Tân Xuân sinh kế bền vững trong trong điều kiện khắc nghiệt của thiên tai và khí hậu.

                                                                                          Trần Xiện