Trước tình hình diễn biến mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nguy cơ gây thiệt hại lúa vụ Đông Xuân 2014-2015, lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri cùng các ngành chức năng huyện đã tiến hành kiểm tra hệ thống đê và cống ngăn mặn trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy, hệ thống đê và cống ngăn mặn trên địa bàn huyện vận hành khá tốt, chưa có dấu hiệu bị rò rỉ. Song, nước mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng. Hướng xâm nhập là từ phía huyện Giồng Trôm chảy xuống. Trong đợt kiểm tra vào ngày 25/2 vừa qua, độ mặn bên trong các cống trên hệ thống thủy lợi Cầu Sập dao động từ 1.6‰ đến 2.7‰. Phía ngoài đê độ mặn từ 10.2‰ đến 12.1‰. Trong nội đồng tại cầu xã An Ngãi Tây và An Bình Tây độ mặn lần lượt là 0.9‰ và 0.7‰.
Lãnh đạo huyện Ba Tri kiểm tra độ mặn
Cũng theo thông tin từ các cơ quan chức năng, hiện nay độ mặn tại một số trạm trên các sông chính đang ở mức cao. So với cùng kỳ, độ mặn cao hơn từ 4 đến 8‰. Bên cạnh đó, đỉnh lũ trên sông Cửu Long ở mức thấp, lượng nước chảy về thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm nên mùa khô năm nay, độ mặn khu vực huyện Ba Tri sẽ cao hơn cùng kỳ năm trước. Nguy cơ xâm nhập mặn làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa vụ Đông Xuân 2014-2015 là rất cao.
Nhằm chủ động ứng phó xâm nhập mặn, ngay từ đầu mùa khô, các cơ quan chức năng huyện Ba Tri đã hướng dẫn nông dân các biện pháp hạn chế tác hại của xâm nhập mặn, bảo vệ trà lúa vụ Đông Xuân. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn, nông dân cần bón đủ nhu cầu đạm, lân, kali cho lúa để tăng khả năng chịu hạn, mặn. Chú ý không nên bón dư đạm vì nếu đạm dư, lá lúa sẽ xanh và mỏng rất dễ bị tổn thương, thiệt hại do hạn, mặn sẽ nặng hơn. Có thể sử dụng các loại phân bón có chứa vôi và Silic để hạn chế thiệt hại do mặn. Trong điều kiện đất khô không dùng được phân bón rễ, nông dân có thể dùng phân bón cho lá, lưu ý nên chọn các loại giàu kali, lân và không sử dụng chất kích thích, không sử dụng nguồn nước nhiễm mặn để phun xịt. Đặc biệt, nông dân cũng có thể áp dụng biện pháp tưới bằng nước nhiễm mặn. Khi sử dụng biện pháp này cần lưu ý, độ mặn của nước không được vượt quá 2,5‰. Phương thức thực hiện biện pháp tưới bằng nước nhiễm nặm cũng khá đơn giản nhưng nông dân cần lưu ý khi bơm nước xong phải rút khô hoàn toàn để tránh việc tăng thêm độ mặn trong ruộng do nước bốc hơi. Khi đất nứt chân chim tiếp tục bơm nước vào và phải nhanh chóng rút khô. Ngoài ra, nông dân cần đắp kỹ bờ vùng, bờ thửa ngăn nước mặn xâm nhập vào ruộng.
Để đảm bảo việc phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo đảm cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2014-2015 và sinh hoạt của nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước, thường xuyên tổ chức kiểm tra cụ thể nguồn nước trữ tại các sông, kênh, rạch. Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng, tận dụng mọi nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Quản lý chặt chẽ nguồn nước. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, thực hiện tốt công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Ông nguyễn Văn Nghị- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ba Tri còn yêu cầu các ngành chức năng huyện và các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình hạn, mặn để thông báo và kịp thời triển khai đến nhân dân thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thời vụ, kỹ thuật canh tác, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với tình hình nguồn nước trong mùa khô. Riêng Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường cần có kế hoạch sửa chữa, vận hành các trạm cấp nước tập trung nông thôn, trữ nước và đảm bảo chất lượng cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, mặn.
Minh Đức