Giao thông nông thôn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong 5 năm qua (2010-2014), phong trào xây dựng giao thông nông thôn ở huyện Thạnh Phú đã có những bước phát triển tích cực, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, góp phần làm thay đổi diện mạo, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Qua 5 năm thực hiện, đặc biệt từ việc cụ thể hóa Đề án phát triển toàn diện 03 huyện biển của tỉnh, huyện đã xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giai đoạn 2011-2015, trong đó xác định việc xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện. Với những cách làm hiệu quả, sáng tạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, Thạnh Phú đã xây dựng mới và nâng cấp trên 247,17 km đường giao thông nông thôn, trong đó đường nhựa 79,15 km; đường bê tông 148,74 km; đá dăm 19,28 km; xây dựng mới 138 cây cầu, tổng chiều dài 2.259 m với tổng kinh phí thực hiện trên 433 tỷ đồng.
Đường Huyện lộ, nội ô thị trấn Thạnh Phú (Ảnh Nguyệt Thanh)
Hiện nay, hệ thống đường huyện với 09 tuyến, chiều dài 123,3 km đều được nhựa hóa 100%; đường xã nhựa hoá hoặc bê tông xi măng đạt 25,7%. Hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện, xã được xây dựng kiên cố; đường trục chính nội đồng từng bước được cứng hoá mặt đường 14,84 km, 02/18 xã đạt 80% tiêu chí số 02 về giao thông theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Nhìn chung, các tuyến đường giao thông nông thôn được kết nối liên hoàn, thông suốt với mạng lưới đường Quốc lộ 57, đường huyện về tận xã, ấp tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương, phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng các công trình giao thông cũng có nhiều chuyển biến, tạo hiệu quả khai thác cao và đảm bảo an toàn giao thông nông thôn, từ năm 2010-2014, huyện đã duy tu, sửa chữa trên 11.463 m2 mặt đường, 07 cây cầu, với kinh phí trên 2,45 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014, từ nguồn kinh phí bảo trì đường bộ đã triển khai nâng cấp 837 m đường giao thông nông thôn, dặm vá 7.550 m2 mặt đường nhựa, với tổng kinh phí 2,28 tỷ đồng; sửa chữa, làm mới 134 bảng báo hiệu giao thông, 56 cọc tiêu đường bộ. Ngoài ra, các xã, thị trấn còn vận động nhân dân đóng góp kinh phí để duy tu, sửa chữa một số đoạn đường giao thông trong ấp, xóm với chiều dài 14,65km, kinh phí trên 3,8 tỷ đồng.
Đường giao thông liên ấp được đầu tư khang trang (Ảnh Nguyệt Thanh)
Bên cạnh việc chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, huyện đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ nhằm huy động nguồn nhân lực, tài lực để thực hiện các công trình giao thông trên địa bàn, chính nhờ sự công khai, dân chủ, minh bạch nên việc thực hiện các công trình giao thông được người dân hưởng ứng nhiệt tình, sẵn sàng hiến đất, góp tiền, ngày công lao động,...qua 05 năm, người dân đã đóng góp trên 14,46 tỷ đồng, trên 5.600 ngày công và hiến trên 239 ngàn m2 đất để làm các công trình giao thông nông thôn.
Các cầu nông thôn được đầu tư tương đối hoàn chỉnh (Ảnh Nguyệt Thanh)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng giao thông nông thôn trên địa bàn huyện cũng còn một số khó khăn, hạn chế như: Việc huy động vốn đối ứng từ nhân dân để xây dựng đường giao thông nông thôn ở một số xã còn hạn chế; công tác giải phóng mặt ở một số công trình còn vướng mắc do ý thức của một vài hộ dân chưa cao; công tác duy tu, sửa chữa chưa có sự quan tâm thường xuyên, nhất là các tuyến đường do xã quản lý; công tác quản lý về hành lang an toàn giao thông chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng xây dựng trái phép, lấn chiếm lộ giới chưa được xử lý kịp thời.
Định hướng về kế hoạch phát triển giao thông nông thôn trong thời gian tới trên địa bàn huyện, ông Mai Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để thực hiện tốt công tác xây dựng giao thông nông thôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường hơn nửa công tác phối hợp với UBMTTQ và các đoàn thể trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân tham gia xây dựng giao thông nông thôn, đặc biệt là thực hiện tốt việc đóng phí bảo trì đường bộ. Tăng cường hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tích cực vai trò của của người dân trong tham gia bàn bạc, thảo luận và giám sát cộng đồng các công trình giao thông nông thôn tại từng xã, từng ấp. Chủ động phát huy nội lực, tích cực huy động các nguồn ngoại lực, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng giao thông nông thôn giai đoạn 2015-2020.
Nguyệt Thanh