Sau khi chế độ diệt chủng Khơ-me Đỏ bị lật đổ, nước Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia được thành lập, một trong những vấn đề đầu tiên mà Cam-pu-chia và Việt Nam đặt ra là phải giải quyết vấn đề biên giới trên bộ.
Đây là quyết tâm chiến lược đúng đắn của cả hai bên vì biên giới, lãnh thổ là vấn đề phức tạp, nếu không xử lý rốt ráo thì có thể làm ảnh hưởng đến quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống giữa hai nước. "Là người trực tiếp tham gia và sau này theo dõi công tác biên giới, tôi khẳng định quá trình hoạch định biên giới và phân giới cắm mốc giữa Việt Nam và Cam-pu-chia đã được tiến hành khách quan, khoa học, công tâm và đúng với thủ tục nguyên tắc luật pháp quốc tế", TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nói.
Bản đồ đáng tin cậy
Với quyết tâm chính trị cao, Việt Nam và Cam-pu-chia đã sớm bắt tay giải quyết vấn đề biên giới. Trước tiên, hai bên đã thống nhất ký Hiệp ước nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới năm 1983 sau khi đã nghiên cứu, xem xét rất thận trọng quá trình hình thành đường biên giới pháp lý trên đất liền giữa hai nước. Nội dung quan trọng của hiệp ước này là hai bên thống nhất sử dụng đường biên giới được thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản trước năm 1954 làm căn cứ pháp lý để tiến hành đàm phán hoạch định biên giới.
Quá trình cắm mốc phụ trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước.
Khảo sát thực địa cắm mốc trên tuyến biên giới tỉnh Bình Phước. Ảnh: CTV
TS Trần Công Trục, khi đó cũng là một chuyên viên của phía Việt Nam tham gia chuẩn bị xây dựng Hiệp ước nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới năm 1983, kể: "Sau khi thống nhất sử dụng đường biên giới được thể hiện trên bản đồ Bonne, hai bên có trong tay 26 mảnh bản đồ, các chuyên gia kỹ thuật, pháp lý của Việt Nam và Cam-pu-chia cùng nhau nghiên cứu, đối chiếu trên cơ sở các bản gốc và đã loại bỏ một số tấm bản đồ không phải bản gốc, thậm chí cũng đã phát hiện và loại bỏ một số tấm bản đồ có sự cạo sửa… Vì vậy, có thể nói, 26 mảnh bản đồ mà hai bên đã thống nhất lựa chọn được ghi nhận trong Hiệp ước nguyên tắc là hoàn toàn đáng tin cậy".
Sau khi ký Hiệp ước nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới năm 1983, Việt Nam và Cam-pu-chia bắt đầu chuyển sang bước thứ hai là giai đoạn hoạch định biên giới. Trên cơ sở Hiệp ước nguyên tắc, Việt Nam và Cam-pu-chia tiến hành nghiên cứu và chuyển đường biên giới căn cứ vào 26 mảnh bản đồ Bonne lên một bộ bản đồ mà bên thống nhất lựa chọn. "Trước khi thể hiện hướng đi của đường biên giới trên một bộ bản đồ địa hình, phía Việt Nam có đề nghị với Cam-pu-chia cùng hợp tác bay chụp để biên vẽ một bộ bản đồ địa hình mới hiện đại và chuẩn xác nhất, nhưng phía Cam-pu-chia chưa đồng ý và đề nghị sử dụng bộ bản đồ địa hình UTM tỷ lệ 1/50.000 của Mỹ sản xuất", TS Trần Công Trục cho hay.
Cuối cùng, hai bên cũng đã thống nhất lựa chọn bộ bản đồ địa hình UTM của Mỹ để thể hiện hướng đi của đường biên giới theo đúng lời văn mô tả của Hiệp ước hoạch định. Kết quả là hai bên đã thống nhất soạn xong Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 và đã tiến hành ký kết, phê chuẩn theo đúng thủ tục pháp lý quốc tế. "Hiệp ước này phản ánh trung thực, đầy đủ đường biên giới thể hiện trên 26 mảnh bản đồ Bonne với việc chuyển đổi phép chiếu sang UTM một cách khách quan, thận trọng của các chuyên gia bản đồ", TS Trần Công Trục nhận xét.
Trên tinh thần thiện chí, cầu thị, công tâm, trước thực tế phát sinh từ thực địa và tìm hiểu thấy có nội dung cần phải bổ sung, năm 2005, hai bên đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định năm 1985 giữa nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Cam-pu-chia. Sau đó, Việt Nam và Cam-pu-chia đã bước vào giai đoạn phân giới cắm mốc (PGCM) trên thực địa. "Đây là bước chuyển hướng đi được mô tả trong hiệp ước và thể hiện trên bản đồ kèm theo hiệp ước đó ra thực địa. Các chuyên gia bản đồ, các chuyên gia pháp lý thuộc Ủy ban liên hiệp PGCM cấp Chính phủ Việt Nam - Cam-pu-chia, mà dưới đó là các tổ PGCM liên hợp, trên cơ sở các bản đồ kèm theo, tính toán để chuyển đường biên giới trong các văn bản ra thực địa. Sau khi hai bên thống nhất thì cố định đường biên giới trên thực địa bằng một hệ thống mốc giới chính quy, hiện đại", TS Trần Công Trục nói.
Điểm sáng Bình Phước
Với nỗ lực của cả hai bên, cho đến nay, Việt Nam và Cam-pu-chia đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc PGCM và tiếp tục đàm phán giải quyết những khu vực trên thực địa có ý kiến khác nhau. Hai nước đã cắm được các mốc giới ở hầu hết các địa điểm quan trọng như: Cửa khẩu, nơi có đường giao thông cắt qua biên giới, nơi có dân cư tập trung sinh sống và canh tác, đặc biệt là cắm được cột mốc ở ngã 3 biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia và mốc cuối cùng của biên giới đất liền, mốc số 314 trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen ngày 24-6-2012. Nhiều địa phương của Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cam-pu-chia làm tốt công tác PGCM trên thực địa, ví dụ như tỉnh Bình Phước đã hoàn thành công tác này.
Tỉnh Bình Phước bắt đầu triển khai công tác PGCM từ tháng 7-2007. Đến tháng 12-2012, Bình Phước hoàn thành công tác PGCM trên thực địa toàn tuyến biên giới của tỉnh, đã cắm 19 vị trí với 28 cột mốc (trong đó 1 mốc ba, 8 mốc đôi, 10 mốc đơn), phân giới được 260,433km đường biên giới. "Trong gần 5 năm triển khai với khối lượng công việc nhiều, khó khăn phức tạp, nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, trong đó Bộ đội Biên phòng tỉnh là lực lượng nòng cốt, tỉnh Bình Phước đã là tỉnh đầu tiên hoàn thành công tác PGCM trên thực địa", Đại tá Nguyễn Văn Liên, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bình Phước cho hay.
Được biết, Đảng ủy-Bộ chỉ huy BĐBP đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo PGCM của tỉnh; đã ban hành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác PGCM và cử 7 cán bộ có phẩm chất tốt, năng lực, kinh nghiệm, thông thuộc địa hình biên giới để tham gia đội PGCM của tỉnh. "Khi đội PGCM của tỉnh tiến hành PGCM đoạn biên giới thuộc đồn biên phòng nào thì đơn vị đó tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho đoàn công tác, có trách nhiệm dẫn đường, bảo vệ an toàn tuyệt đối về người, trang bị của đội phân giới của ta và của bạn", Đại tá Nguyễn Văn Liên cho biết.
Song song với việc triển khai PGCM trên thực địa, BĐBP tỉnh Bình Phước đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương của hai Nhà nước, tuyên truyền về ý nghĩa của việc PGCM, nhằm tạo đồng thuận cao trong dư luận nhân dân, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong việc tiến hành PGCM. "Chúng tôi cũng quán triệt cán bộ tham gia công tác PGCM khi tiến hành đàm phán, ký kết, triển khai trên thực địa phải luôn bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, nguyên tắc về công tác PGCM, phải luôn tôn trọng thực tế khách quan", Đại tá Nguyễn Văn Liên nhấn mạnh.
Hiện BĐBP tỉnh Bình Phước và các lực lượng bảo vệ biên giới của Cam-pu-chia luôn phối hợp tốt với nhau trong việc quản lý, bảo vệ đường biên giới chung, thường xuyên trao đổi tình hình có liên quan để kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh trên biên giới. "Chúng tôi thực hiện nghiêm chế độ hội đàm định kỳ, chế độ tổ chức tuần tra song phương", Đại tá Nguyễn Văn Liên nói.
Không chỉ hoàn thành công tác PGCM và bảo vệ tốt đường biên, cột mốc, Bình Phước cũng là địa phương đầu tiên bắt đầu bước vào giai đoạn tăng dày cột mốc. Trung tá Nguyễn Song Hào, Đội trưởng đội PGCM số 5 tỉnh Bình Phước cho biết, trên toàn tuyến biên giới của tỉnh Bình Phước sẽ xây dựng 378 mốc phụ, trong đó tuyến Bình Phước-Mundunkiri: 147 mốc, tuyến Bình Phước-Kratie: 143 mốc, tuyến Bình Phước-Tbongkhmum: 88 mốc.
Với quá trình hoạch định biên giới và PGCM giữa Việt Nam và Cam-pu-chia được tiến hành khách quan, khoa học, công tâm, đúng với thủ tục, nguyên tắc luật pháp quốc tế và thực tiễn PGCM như ở Bình Phước, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng công tác PGCM trên biên giới Việt Nam và Cam-pu-chia sẽ sớm được hoàn thành, để đường biên hai nước ổn định lâu dài, mãi hòa bình, hữu nghị và hợp tác.
Nguồn vietnam.vn