"Thi công công trình ở ấp Thạnh An"
Dù gặp không ít khó khăn khi nhiều hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng để xây dựng lộ giao thông nhưng bằng sự quyết tâm, cố gắng, nhẫn nại của Ban vận động ấp Thạnh An cuối cùng đã có 100% hộ chấp nhận bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công Dự án đường di dân tránh bão từ Cầu Gòn ra Biển Đông. Ghi nhận cho sự nỗ lực của Ban vận động mô hình và hiệu quả mang lại, mô hình "Dân vận khéo" xây dựng giao thông của ấp Thạnh An đã được công nhận là mô hình "Dân vận khéo" cấp tỉnh trong năm 2014.
Toàn ấp Thạnh An hiện có 225 hộ với khoảng 1000 nhân khẩu kinh tế chủ yếu là trồng lúa và nuôi tôm. Trong những năm qua đời sống người dân đã có bước phát triển thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng, hộ nghèo giờ chỉ còn 10% thấp nhất xã. Có được kết quả trên chính nhờ sự đồng thuận người dân trong việc chung tay phát triển kinh tế, xây dựng quê hương. Cũng nhờ một phần hệ thống giao thông trên địa bàn ấp dần hoàn thiện tạo nên sức bật trong phát triển kinh tế của người dân.
Ông Trần Văn Truyện - Bí thư chi bộ ấp nhớ lại trước năm 2010 khi chưa có những cây cầu nối liền giữa ấp và trung tâm của xã thì Thạnh An được người dân ví von gọi là ốc đảo do không có cầu nhiều người đã chết đuối khi lội qua sông mà không còn đò đưa, đường xá đi lại khó khăn, tội nhất là những em học sinh đi học. Cũng theo ông Truyện, đáp ứng niềm mong muốn của người dân trong năm 2010, 2013 từ nguồn vốn nhà nước đầu tư và xã hội hóa các cây cầu nối liền giữa ấp và trung tâm xã được xây dựng làm cho người dân hết sức phấn khởi.
Đến đầu năm 2014, Dự án đường di dân tránh bão từ Cầu Gòn ra biển Đông được triển khai với vốn đầu tư gần 60 tỷ đồng qua 4 ấp của xã Thạnh Phong dự kiến cuối năm 2017 công trình sẽ hoàn thành. Trong đó, đoạn đi ngang ấp Thạnh An dài 3,6km và liên quan đến 170 hộ dân trong vùng dự án.
Trước kia lộ có chiều ngang chỉ khoảng 3m, khi triển khai dự án lộ mở rộng thêm 2m nữa. Vì thế, các hộ dân trong vùng dự án phải hi sinh thêm ít đất để công trình được thực hiện. Ban vận động ấp kịp thời được thành lập và tiến hành họp Tổ nhân dân tự quản để đưa thông tin về dự án đến với người dân.
Qua khảo sát, tuyên truyền bước đầu có 80% số hộ trên địa bàn ấp đồng tình và ký cam kết giao đất, còn lại 24 hộ chưa chịu bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân các hộ không chịu bàn giao đất vì cho rằng đất đai là tài sản vô giá của gia đình mình, diện tích đất của gia đình bị mất quá nhiều nên các hộ dân còn lại yêu cầu bồi thường, gây khó khăn cho việc triển khai dự án.
Trước tình hình trên Ban vận động ấp đã tăng cường công tác tuyên truyền. dù chịu không ít áp lực từ các hộ dân nhưng các thành viên trong Ban vận động vẫn bám sát các hộ để dần thay đổi suy nghĩ của họ với từng hộ một, hết hộ này rồi đến hộ khác.
Ban vận động còn tranh thủ vận động ngay cả trong các buổi tiệc, dùng tình cảm thuyết phục các hộ chấp nhận hiến đất, nhờ người thân trong gia đình tác động thêm để các hộ đồng ý, có hộ Ban vận động kiên trì đến nhà vận động 5 đến 6 lần.
Nói thêm về điều này ông ông Trần Văn Truyện - Bí thư chi bộ ấp, Trưởng Ban vận động ấp cho biết: "Trong vận động chúng tôi cốt giải thích cho người dân hiểu rõ về quyền lợi lớn hơn mà người dân được hưởng khi con lộ được xây dựng. Cặn kẽ phân tích nếu không có nhà nước đầu tư thì người dân không thể xây dựng nổi con lộ, người dân không có tiền làm lộ thì khi nhà nước đầu tư người dân cũng phải hi sinh ít đất cũng vì lợi ích chung của bà con trong ấp. Bên cạnh, việc xây dựng con lộ còn tạo điều kiện cho học sinh đi học, bà con đi lại được dễ dàng hơn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Ngoài ra, đây là con đường di dân tránh bão, có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ tính mạng tài sản của người dân khi có thiên tai xảy ra, phòng chống biến đổi khí hậu đối với xã biển như Thạnh Phong là một việc làm hết sức cần thiết".
Với sự kiên nhẫn của Ban vận động 24 hộ còn lại đã chấp nhận bàn giao mặt bằng không bồi thường, tạo điều kiện cho dự án thi công ở ấp Thạnh An vào cuối tháng 5 đầu tháng 6.2014.
Hiện nay phong trào xây dựng giao thông nông thôn đang phát triển mạnh ở nhiều địa phương. Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm cho nên ngoài sự đầu tư của nhà nước thì người dân đóng vai trò rất quan trọng trong mỗi công trình. Qua vận động của Ban vận động ấp Thạnh An đã có nhiều hộ tình nguyện hiến đất, điển hình như hộ bà Đinh Thị Cam, 53 tuổi đã hiến ngoài 100m tính theo chiều dài phần đất mà đoạn lộ đi ngang qua, bà Cam cho biết: "Tôi rất đồng tình làm con lộ này nên vui vẻ hiến đất, làm con lộ để cho bà con, học sinh đi lại dễ dàng ai mà chẳng muốn".
Ông Nguyễn Văn Đông cũng vậy, vui vẻ hiến khoảng 100m đất riêng về chiều dài để xây dựng con lộ. Ông Đông cho biết: "Nghe làm con lộ này gia đình tôi rất mừng, con lộ này mùa nắng thì còn đi được, mưa tới thì lầy lội, mấy đứa học sinh đi học khổ lắm do đó khi nghe làm lộ tôi cảm thấy mừng và hiến đất".
Sự đồng thuận của người dân trong hiến đất làm lộ ngoài sự kiên trì, nỗ lực của ban vận đồng. Nó còn chứng minh khát vọng vươn lên của người dân Thạnh An, tạo nên một sức mạnh xóa bỏ mọi trở ngại, khoảng cách đi đến sự thống nhất chung đem đến kết quả mà được nhiều người mong đợi, đó là tất cả hộ dân trong vùng dự án bàn giao mặt bằng để công trình đi ngang ấp Thạnh An được thi công thuận lợi. Mỗi thành viên trong Ban vận động, hộ dân hiến đất càng thấy việc làm của mình thêm ý nghĩa khi công trình được hoàn thành không chỉ tạo điều kiện cho người dân, học sinh đi lại dễ dàng mà còn mở ra một triển vọng, sức sống mới của một miền quê trong tương lai.
Văn Minh