Song Tử Tây hiện là xã đảo duy nhất trên quần đảo Trường Sa được đầu tư xây dựng âu tàu, bởi vị trí địa lý và đặc thù của vùng đất này. Âu tàu nơi đây không chỉ phục vụ các dịch vụ hậu cần cho ngư dân đánh bắt xa bờ mà nó còn là nơi tránh trú bão an toàn cho các tàu thuyền ở thềm lục địa tuyến bắc của Tổ quốc.
Nhìn từ trên xuống, âu tàu có hình dáng giống như chữ C với diện tích trên 3,5ha. Âu tàu được xây dựng kiên cố, đảm bảo cho khoảng 80 tàu thuyền vào tránh trú bão. Từ khi xây dựng và đưa vào khai thác, âu tàu đã phát huy cao hiệu quả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngư dân Việt Nam khai thác đánh bắt thủy hải sản trong khu vực biển Đông, nhất là ngư dân vùng ven biển Nam Trung bộ. Cùng với việc xây dựng âu tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá cũng dần hình thành, do Công ty 128 Hải quân đảm nhiệm. Theo đó, dịch vụ hậu cần nghề cá sẽ cung ứng miễn phí nước ngọt cho ngư dân, các dịch vụ y tế, sửa chữa tàu thuyền; ngoài ra, các ngư dân có nhu cầu sử dụng nhiên liệu, các nhu yếu phẩm cũng sẽ được cung cấp với giá theo quy định của Nhà nước trong đất liền…
Từ trong âu tàu nhìn ra biển. Ảnh Q.H
Thiếu tá Trần Đức Phong - Đội Trưởng Đội dịch vụ âu tàu cho biết: Âu tàu đưa vào sử dụng đã giúp đỡ cho ngư dân khai thác trên ngư trường Song Tử Tây rất nhiều, nhất là tiết kiệm được nhiên liệu và đảm bảo được tính mạng cũng như tài sản của ngư dân. Trong năm 2012, âu tàu đã đón tiếp gần năm trăm lượt tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam có nhu cầu mua dầu, thực phẩm cũng như lấy nước ngọt. Nói là dịch vụ hậu cần nhưng nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là giúp đỡ và góp phần khuyến khích ngư dân bám biển. Bởi thế, chúng tôi bán dầu và thực phẩm cho ngư dân với giá giống như trên đất liền. Riêng đối với nước ngọt, chúng tôi cung cấp miễn phí, đảm bảo nước ngọt cho ngư dân dùng trong suốt quá trình đánh bắt cá…
Ngoài chức năng cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá, âu tàu còn là nơi tránh trú bão hiệu quả cho tàu thuyền. Hàng năm có nhiều lượt tàu thuyền vào tránh trú bão nơi đây, nhất là khi thời tiết đang diễn biến thất thường do tác động của biến đổi khí hậu thì âu tàu là nơi cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, trong cơn bão số 1 vào đầu năm 2013 đã có 71 chiếc tàu đánh bắt cá, trong đó trung bình mỗi tàu có khoảng 30 ngư dân, vào tránh trú bão, sửa chữa và tiếp nhiên liệu.
Hàng năm, vào những đợt mưa bão thường xảy ra, các chiến sĩ ở đảo Song Tử Tây luôn trong tư thế sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân khi nghe thông tin có bão xuất hiện. Những tàu thuyền nào vô được âu tàu thì các chiến sĩ hướng dẫn cách neo đậu sao cho an toàn nhất. Đối với những tàu thuyền chưa vào được thì sẽ triển khai lực lượng ứng cứu.
Có thể nói, việc xây dựng và khai thác âu tàu đã góp phần không nhỏ vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đánh bắt hải sản nói riêng và khuyến khích phát triển ngành biển nói chung. Bởi dịch vụ âu tàu không chỉ giúp ngư dân tiết kiệm chi phí trong quá trình khai thác mà còn giúp họ an tâm hơn khi đánh bắt khu vực này.
Trong thời gian qua, việc xây dựng âu thuyền được nhiều địa phương có tiềm năng kinh tế biển tập trung thực hiện. Tuy nhiên, không phải âu thuyền nào cũng phát huy được hết tác dụng của nó. Đơn cử như việc âu thuyền An Hòa (xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Đưa vào sử dụng từ đầu năm 2011 đến nay nhưng nhiều ngư dân không chịu cho tàu vào âu thuyền vì nhiều lý do. Một trong những lý do mang tính chất phổ biến đó là tàu vẫn có thể đứt neo và va dập vào nhau do gió lớn (vị trí xây dựng âu thuyền chưa phù hợp - PV), âu thuyền không có đê chắn sóng cũng như cửa âu thuyền nhỏ (hạng mục, quy mô công trình chưa được đầu tư xây dựng đúng mức - PV).
Nhìn nhận ở góc độ nào đó, ở những địa phương có thế mạnh và tiềm năng về kinh tế biển thì việc đầu tư xây dựng âu tàu, âu thuyền là việc làm cần thiết. Song, việc chọn địa thế, quy mô cũng như quy cách theo hướng chuyên nghiệp là điều quan trọng hàng đầu, qua đó nhằm tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển. Ở Bến Tre, việc đầu tư xây dựng và phát huy chức năng, nhiệm vụ của âu thuyền là việc làm cần thiết, khi thủy sản đã được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.
Quốc Hùng