Hạn, mặn đến sớm và kéo dài đã làm khoảng 20.000 sản phẩm hoa kiểng trên địa bàn huyện Ba Tri bị chết, gây thiệt hại trên 2,5 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại phần lớn là các sản phẩm hoa kiểng ngắn ngày với số lượng khoảng 16.000 sản phẩm. Bên cạnh đó, trên 1.500 cây kiểng đã thành phẩm có giá trị cao như mai vàng, nguyệt quế và kim quýt đã bị chết. Ngoài ra, hàng ngàn cây hoa kiểng đang bị khô héo do thiếu nước, khó còn khả năng phục hồi. Được biết, để chăm sóc hoa kiểng, nhiều hộ phải mua nước ngọt với giá 120.000 đồng cho mỗi xe bồn 2.000 lít. Do nước tưới cho cây đòi hỏi số lượng lớn và phải liên tục hàng ngày nên chi phí đã vượt quá khả năng của nhiều hộ... Trước tình hình trên, người trồng hoa kiểng nên áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước để chăm sóc cây. Đồng thời sử dụng lưới giảm nhiệt che cho cây nhằm hạn chế nước bốc hơi và giữ cây không bị héo khi tưới ít nước.
Ông Hồ Văn Hổ bên đóng gốc mai bị chết, thiệt hại trên 200 triệu đồng
Vườn mai vàng của hộ ông Hồ Văn Hổ ngụ tại ấp An Thuận xã An Bình Tây huyện Ba Tri bị thiệt hại khá nặng do han, mặn. Hơn 80 gốc mai lớn, nhỏ với tổng giá trị trên 200 triệu đồng đã bị chết khô. Được biết, vườn mai của ông còn trên 200 gốc. Hàng ngày, ông phải tốn 120.000 đồng mua nước ngọt từ các xe bồn khoảng 2.000 lít để tưới. Nguồn nước này chỉ tạm để giữ cây mai sống chứ không phát triển do bị nhiễm phèn. Nếu hạn, mặn còn kéo dài, nguy cơ cây chết là rất cao. Hiện ông đã lắp đặt hệ thống lưới chống nhiệt che mai. Bước đầu lưới che phát huy hiệu quả; lượng nước tưới giảm đáng kể, cây mai cũng ít bị khô, héo.
Vườn mai của hộ anh Nguyễn Tấn Tài ngụ tại ấp An Hòa xã an Bình Tây cũng bị thiệt hại khá nặng do hạn, mặn. Anh Tài cho biết, hơn 15 năm làm nghề trồng mai, chưa bao giờ anh gặp tình trạng này. Nguồn nước được anh sử dụng tưới mai từ trước đến nay là giếng khoan. Thế nhưng năm nay nguồn nước đột nhiên bị nhiễm mặn. Do không kịp phát hiện nên anh đã dùng nước này để tưới. Khi thấy cây mai bị cháy lá, anh kiểm tra mới biết nước đã nhiễm mặn. Khi đó hơn 20 góc mai thành phẩm và hàng chục gốc mai nguyên liệu đã bị chết, thiệt hại trên 80 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Phước- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh huyện Ba Tri cho biết, nhận định năm nay nước mặn xâm nhập sớm nên đầu mùa mưa năm trước, ông đã chủ động xây 100 hồ chứa nước với tổng thể tích 150 mét khối. Lượng nước này đủ để ông tưới cho trên 3.000 vò phong lan. Riêng 200 gốc mai vàng và trên 100 cây kiểng khác ông phải sử dụng nước mua từ các xe bồn để tưới. Dù rất cố gắng chăm sóc nhưng nước phèn, mặn đã làm hơn 10 gốc mai vàng bị chết. Để giảm lượng nước tưới cũng như hạn chế nắng nóng có thể ảnh hưởng đến cây mai, ông đã xây dựng nhà lưới có diện tích gần 400m2 với kinh phí 30 triệu đồng. Từ khi nhà lưới xây xong, lượng nước tưới đã giảm gần 50%.
Tình hình hạn, mặn có thể còn kéo dài. Để hạn chế thiệt hại cho hoa kiểng, người trồng nên áp dụng các biện pháp hạn chế nhiệt độ, ánh nắng tác động trực tiếp cho cây như che lưới hoặc sử dụng các vật liệu khác tạo bóng râm cho cây. Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra nước trước khi tưới; Sử dụng phân hữu cơ nhằm giảm tác hại của mặn đối với cây trồng. Tăng cường việc che đậy gốc, mặt đất trồng cây. Mụn dừa là nguồn vật liệu rất tốt giúp chống mất nước tầng mặt đất, giữ ẩm lâu dài; Không dùng nước nhiễm mặn tưới phun lá, tốt nhất tưới thấm qua đất.