Site banner

Ba Tri- Mô hình trồng sen hiệu quả của hội viên phụ nữ ấp An Thạnh xã An Ngãi Trung.

Xác định đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Trong thời gian qua, Hội phụ nữ xã An Ngãi Trung đã đẩy mạnh việc triển khai xây dựng nhiều mô hình tổ liên kết phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho chị em hội viên phụ nữ, góp phần phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, mô hình trồng sen lấy ngó của chị em hội viên phụ nữ ấp An Thạnh là một điển hình.  

Mô hình trồng sen ở ấp An Thạnh xã An Ngãi Trung

Trước đây, kinh tế chủ yếu của người dân ấp An Thạnh, xã An Ngãi Trung là trồng lúa, bên cạnh diện tích đất trồng lúa mang lại hiệu quả, thì cũng còn một số diện tích đất ngập trũng, nhiễm phèn sản xuất lúa kém hiệu quả, người dân đành bỏ hoang. Trước thực trạng đó, đầu năm 2013, Hội phụ nữ xã An Ngãi Trung đã tuyên truyền vận động chị em chuyển số diện tích đất ngập trũng, nhiễm phèn chuyển sang trồng sen.

Lúc đầu chỉ có một, hai hộ tham gia trồng thử nghiệm với diện tích vài công sen, sau thời gian trồng thấy có hiệu quả, chị em bắt đầu nhân rộng và đến nay đã có 8 hộ tham gia với diện tích trên 1,6ha.

Chị Nguyễn Thị Tới, ấp An Thạnh, có 2 công đất đất bị nhiễm phèn, mỗi năm chị sản xuất lúa nhưng năng suất thấp, có năm thất trắng lỗ vốn, đành bỏ hoang. Được sự vận động của Hội phụ nữ, Chị bắt đầu trồng thử sen và đã mang lại hiệu quả, có nguồn thu nhập ổn định. Chị Tới cho biết: " Sen rất dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư bỏ ra thấp,  thu nhập mà nó mang lại ổn định".

Có thể thấy, chi phí đầu tư cho việc trồng sen là rất thấp, chủ yếu lấy công làm lời. Trồng sen không cần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhiều, nhưng muốn sen phát triển nhanh, tươi tốt nên bón phân vài lần với liều lượng ít. Trồng sen cũng làm đất như trồng lúa, gia cố bờ giữ nước, đất được xới trục tạo thành lớp bùn dày 30 cm. Trồng cây, cách cây 2m hoặc 3m. Chọn sen loại 3 nấc (3 lá) giữ lá trên cùng làm lá trải. Moi bùn và lấp hết rễ, chỉ chừa lá trên cùng để sen hút không khí. Nếu trồng sen cây già khó bén rễ và dễ chết. Sau thời gian trồng khoảng một tháng bắt đầu thu hoạch. Thị trường sen khá ổn định, sen chủ yếu được trồng để bán ngó, cách hai ngày thu hoạch ngó một ngày,  mỗi kg có giá khoảng 20 ngàn đồng. Trong khi đó nếu lấy hạt thì có giá cao hơn. Bên cạnh đó, bông và củ sen cũng có giá trị kinh tế.

Cũng với mô hình trồng sen, chị Võ Thị Mộng Ngân, gia đình có trồng 4 công, hàng tháng thu nhập ổn định từ sen ước khoảng  từ  6 đến 7 triệu đồng. Chị Ngân chia sẻ " trước kia diện tích này gia đình trồng lúa nhưng không hiệu quả, từ khi chuyển sang trồng sen có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình khá lên".

Chị Võ Thị Mộng Ngân đang thu hoạch sen

Ngoài nguồn thu chủ lực từ sen, chị em còn kết hợp mặt nước để nuôi vịt, nuôi cá tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích. Trồng sen vừa tạo nguồn thu nhập ổn định, vừa tạo được việc làm cho lao động tại địa phương. Đánh giá hiệu quả và hướng nhân rộng mô hình, Chị Nguyễn Châu Sa, Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Ngãi Trung cho biết " nhìn chung tất cả các chị em trồng sen đều đạt hiệu quả, có việc làm và thu nhập ổn định; thời gian tới Hội tiếp tục nhân rộng mô hình này sang các ấp khác để chị em phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế".

Tuy nhiên, để phát triển mô hình một cách bền vững, địa phương cần quy hoạch cụ thể vùng trồng sen để tránh việc bà con trồng tự phát, ồ ạt. Bên cạnh đó muốn phát huy hơn nữa hiệu quả từ mô hình trồng sen, Hội phụ nữ cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đồng thời hướng dẫn chị em trồng sen kết hợp xen canh cây lúa - nuôi cá, vịt để bảo vệ môi trường và tăng thu thập.

Trà Dũng