Ba Tri là một trong những huyện biển có bước đầu tư phát triển thủy lợi khá vững chắc. Chỉ trong năm 2012, toàn huyện đã tập trung Dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi đáp ứng nhu cầu nuôi thủy sản tại các xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Xuân, Tân Thủy với tổng vốn đầu tư trên 17 tỷ đồng; thi công và hoàn thành gần 300 công trình nạo vét kinh mương, dài 247km với tổng kinh phí 35 tỷ đồng.
Tàu về Cảng cá Ba Tri. Ảnh: T. Huyền
Nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương với phong trào Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hàng năm, các xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công trình (Nhà nước đầu tư, người dân đóng góp vận động theo hướng xã hội hóa hỗ trợ ngày công lao động tại chỗ). Ngành nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng qui hoạch và định hướng rõ nét phát triển sản xuất theo vùng qui hoạch đã được duyệt. Huyện đã hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng vật nuôi: vùng nuôi thủy sản nước mặn tại các xã Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Xuân, An Hòa Tây, Vĩnh An, An Đức, An Thủy, Tân Thủy; vùng chuyên canh màu tại các xã An Thủy, An Hòa Tây, Tân Thủy; vùng chuyên canh cây lúa ở các xã tiểu vùng 4, tiểu vùng 3, một phần tiểu vùng 2, tiểu vùng 5; vùng sản xuất lúa kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt tại các xã ven sông Hàm Luông và khu vực Phú Lễ, Tân Xuân, Tân Mỹ. Điều rất đáng ghi nhận là công tác khuyến nông, khuyến ngư, đưa khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất được ngành nông nghiệp chú trọng đầu tư phát triển. Huyện đã mở nhiều lớp tập huấn, xây dựng Mô hình Trình diễn kỹ thuật, nhất là trên cây lúa, rau màu, nuôi tôm; xây dựng thành công nhiều mô hình (Quản lý đồng ruộng theo hướng bền vững, Nuôi tôm sú thâm canh, Trồng xen cacao trong vườn dừa, Trồng màu luân vụ, chuyên canh, xen canh). Kết quả bước đầu được đánh giá khá cao, hiện huyện đang tổ chức nhân rộng các mô hình. Đặc biệt, Mô hình Cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa được thí điểm tại xã Tân Xuân, được nhiều địa phương trong tỉnh chú trọng. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật thực hiện phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân. Qua đó, đã nâng dần trình độ canh tác truyền thống của người nông dân như các giải pháp bón phân cân đối, sạ thưa, sạ hàng, quản lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng. Nhờ đó, giá thành lúa thấp, lợi nhuận tăng lên (khoảng 370.000đ/công). Tính cộng đồng của nông dân cũng được thay đổi lớn qua việc làm thủy lợi nội đồng, bảo vệ môi trường thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Huyện cũng đang xây dựng thêm Mô hình Cánh đồng mẫu lớn tại xã Mỹ Nhơn với khoảng 300ha.
Cùng với phát triển kinh tế, Ba Tri cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn ngày càng hoàn chỉnh. Trong năm, huyện đã tập trung đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông như huyện lộ 10, cống qua lộ Vĩnh An - Tân Mỹ và Vĩnh Hòa; đường Phú Lễ - An Bình Tây; Vĩnh Hòa - Phú Ngãi; đường Mỹ Thạnh - Mỹ Nhơn - An Bình Tây, đường ấp 4 (Tân Thủy), cầu lớn xã Phú Ngãi, cầu kênh 9A (Mỹ Nhơn). Các ban, ngành, đoàn thể huyện, xã và người dân cũng đã tổ chức vận động nhiều nhà tài trợ trong ngoài tỉnh đóng góp gần 10 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa trên 40.000m đường giao thông, 25 cây cầu liên xóm ấp. Các phong trào chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng được từng bước quan tâm. Hiện toàn huyện có tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 99%; nhà máy nước và 12 trạm cấp nước với tổng công suất 7.300 m3/ngày, đáp ứng 30% nhu cầu nước sạch sinh hoạt của người dân. Toàn huyện cũng đã có 10 xã, thị trấn được tổ chức hệ thống thu gom rác thải tại các chợ và một số khu dân cư tập trung. Riêng tại thị trấn có 100% rác thải chợ, các ban ngành đoàn thể huyện và 90% hộ dân được thu gom về bãi rác tập trung để xử lý.
Từ việc đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, kinh tế của huyện từng bước được nâng lên. Bình quân thu nhập đầu người trong năm 2012 đạt 21,44 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 15,06%. Nhiều phong trào xây dựng đời sống văn hóa, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định, góp phần rất lớn trong phong trào Xây dựng nông thôn mới
TH-MĐ
Nguồn: baodongkhoi.com.vn